Công bố lệnh của Chủ tịch nước về các luật và pháp lệnh
Sáng 3/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật, pháp lệnh đã được Quốc hội khóa XV thông qua.
Ông Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì họp báo. Tham dự họp báo còn có ông Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Thượng tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Thái Đại Ngọc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; ông Nguyễn Thanh Tú, Thứ trưởng Bộ Tư Pháp; ông Trương Hải Long, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Hồ Sỹ Hùng, Thứ trưởng Bộ Tài chính…
Không phân biệt công chức cấp xã và cấp tỉnh
Trình bày những nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức, ông Trương Hải Long nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức hiện hành để thực hiện chủ trương của Đảng về tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, gắn với yêu cầu tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
Từ đó, góp phân xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, tập trung quản lý phát triển để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Công bố lệnh của Chủ tịch nước về các luật và pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua. Ảnh: Hải Linh
Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, bổ sung gồm 7 Chương, 45 Điều với một số nội dung mới. Trong đó, liên thông cán hộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh. Luật thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã để thực hiện chủ trương xây dựng một nền công vụ thống nhất, liên thông, đồng bộ. Đặc biệt, không phân biệt cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh.
Luật cũng chuyển đổi phương thức quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, lấy vị trí việc làm là trung tâm, trên cơ sở căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm và kết quả, sản phẩm thực hiện nhiệm vụ để tuyển dụng, bố trí, sử dụng, đánh giá, đào tạo quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức. Đồng thời, đổi mới công tác tuyển dụng công chức, hoàn thiện cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ.
Cũng theo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, cơ quan quản lý công chức được ký hợp đồng thực hiện một số nhiệm vụ của công chức đối với một số đối tượng cụ thể; hoàn thiện quy định về quyền, nghĩa vụ của cán bộ, công chức; nâng cao hiệu quả đánh giá, sử dụng và sàng lọc cán bộ, công chức; hoàn thiện quy định về xử lý kỷ luật đối với cán hộ, công chức; đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động công vụ.
“Luật Cán bộ, công chức sửa đổi là bước cụ thế hóa quan trọng nhằm đưa chủ trương, định hướng lớn của Đảng về công tác cán bộ, chế độ công vụ, đặc biệt là thể chế hóa các Nghị quyết đột phá được khẳng định là “Bộ tứ trụ cột” phát triển của đất nước, đi vào thực tiễn một cách hiệu quả, góp phần xây dựng nền công vụ Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động vì sự phát triên của đất nước và phục vụ nhân dân”, ông Trương Hải Long một lần nữa nhấn mạnh.
Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất
Thông tin về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, ông Hồ Sỹ Hùng cho hay, Luật Doanh nghiệp hiện nay đã phát sinh một số vấn đề cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Bên cạnh đó, việc ban hành Luật Doanh nghiệp sửa đổi là cần thiết để bổ sung quy định thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp theo cam kết của Chính phủ Việt Nam trong thực thi Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021 - 2025 của Lực lượng đặc nhiệm tài chính.
Ông Hồ Sỹ Hùng cũng thông tin, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung bao gồm 3 Điều. Các quy định sửa đổi, bổ sung tại luật tuân thủ nguyên tắc đảm bảo quyền tự do kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.
Cụ thể, về gia nhập thị trường, luật đã tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường. Luật đã tiếp tục hiện đại hóa, chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác đăng ký doanh nghiệp thông qua việc sử dụng định danh cá nhân để thay thế cho toàn bộ giấy tờ truyền thống.
Theo đó, đã giảm giấy tờ mà doanh nghiệp, cá nhân phải nộp và giản lược thông tin doanh nghiệp phải kê khai cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Thông qua việc xác thực định danh cá nhân trên cơ sở kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quá trình thành lập doanh nghiệp.
Về quản trị doanh nghiệp, luật đã sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến: Làm rõ, thống nhất các khái niệm, nội hàm quy định tại luật để đảm bảo hiệu lực trong thực thi; sửa đổi một số nội dung liên quan đến quản trị doanh nghiệp để đảm bảo phù họp với thực tiễn hoạt động của các loại hình doanh nghiệp; sửa đổi một số quy định để tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, địa phương công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, đặc biệt là việc “hậu kiểm” nhằm giảm tối đa tình trạng vốn ảo, vốn khống, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp…
“Đặc biệt, để đáp ứng cam kết quốc tế về phòng chống rửa tiền theo Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền giai đoạn 2021 - 2025, luật sửa đổi, bổ sung một số quy định về cung cấp, lưu giữ và chia sẻ thông tin liên quan đến chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp, đồng thời giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể tiêu chí xác định, kê khai thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp. Các quy định điều chỉnh, bổ sung mới về nội dung này không làm phát sinh thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp”, ông Hồ Sỹ Hùng nhấn mạnh.
Tại buổi họp báo, lãnh đạo Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam; Bộ Công an; Bộ Quốc Phòng, Bộ Tư pháp... cũng đã trình bày nội dung cơ bản của một số luật thuộc đơn vị chủ trì soạn thảo như: Luật sửa đổi, bổ sung của 11 luật về quân sự, quốc phòng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Giá trị gia tăng….