Mưa lớn kéo dài nhiều ngày, Phiêng Nghè (Sơn La) lại ngập trong biển nước
Những trận mưa kéo dài nhiều ngày qua đã khiến bản Phiêng Nghè, phường Chiềng An, (thuộc thành phố Sơn La cũ), tỉnh Sơn La tiếp tục ngập trong biển nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của nhiều hộ dân.
Gia đình anh Hà Việt Long, ở bản Phiêng Nghè, phường Chiềng An, tỉnh Sơn La (xã Chiềng Đen cũ) ở nhà sản, thế nhưng các trận mưa lớn, kéo dài những ngày qua đã làm nước dâng ngập gần nửa căn nhà của gia đình.

Mưa lũ gây ngập úng trên diện tích 2 héc ta, sâu 2-3m tại bản Phiêng Nghè.
Ngay khi thấy nước dâng cao, anh và các thành viên trong gia đình đã kịp thời sơ tán các vật dụng trong nhà lên chỗ cao hơn. Tuy nhiên, vườn ngô, ớt, cà phê... được trồng trên diện tích hơn 2.000 m2 mới tái thiết sau trận lụt năm trước thì hoàn toàn mất trắng; thiệt hại ước tính hàng chục triệu đồng. Hiện gia đình anh đang phải ở nhờ nhà người thân trong bản, chờ khi nào nước rút mới quay về để sửa sang nhà cửa.
"Tình trạng như bây giờ mực nước sẽ dâng cao hơn nữa, mong được chính quyền hỗ trợ nhu yếu phẩm, thuốc men, khơi thông dòng nước để nhân dân ổn định cuộc sống", anh Hà Việt Long chia sẻ.

Người dân phải di chuyển bằng bè, mảng.
Cách đó không xa, gia đình ông Tòng Văn Mẳn cũng đang khẩn trương thu dọn đồ đạc, cả nhà chạy đua với mực nước đang dâng từng giờ.
Ông Mẳn cho biết, mặc dù trời đã nắng ráo, tuy nhiên do hầm thoát nước bị tắc, hơn nữa nước từ các khe núi, mó nước vẫn liên tục đổ về nên mực nước tại đây mỗi lúc một dâng cao; nếu tiếp tục có mưa, căn nhà sàn của gia đình sẽ bị ngập hoàn toàn. Với sự hỗ trợ của các lực lượng chức năng, gia đình hiện đang khẩn trương thu dọn những vật dụng có giá trị, như xe máy, ti vi, tủ lạnh, máy cày và đàn bò, lợn hơn 10 con đến nơi an toàn.
"Mong các cấp có thẩm quyền khơi thông hầm thoát nước cho người dân; thứ hai nữa là nước vẫn đang lên, tôi cũng muốn tiếp tục được hỗ trợ di chuyển đồ đạc, vật dụng đến nơi an toàn", ông Mẳn nói.

Nhiều diện tích ruộng lúa, ngô, cà phê, hoa màu...của người dân bị mất trắng.
Thống kê sơ bộ, đợt mưa lớn kéo dài những ngày qua đã gây ngập úng trên diện tích khoảng 2 héc ta, sâu từ 2-3m tại bản Phiêng Nghè; 15 trong tổng số hơn 100 hộ gia đình ở bản bị ảnh hưởng, trong đó có 7 hộ phải di dời khẩn cấp do bị nước ngập sâu.
Đây là năm thứ hai liên tiếp bản Phiêng Nghè bị ngập sâu do mưa lũ. Nguyên nhân chủ yếu là do hang thoát nước nhỏ, đến mùa mưa, lượng nước tràn về lớn, cuốn theo cây đổ, bùn đất, rác thải từ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt thường ngày dẫn đến ách tắc.
Nhằm chủ động ứng phó với mưa lũ, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân, ngay sau trận ngập lụt năm trước, UBND tỉnh Sơn La đã phê duyệt dự án đầu tư công trình khắc phục ngập úng bản Phiêng Nghè, tổng mức đầu tư 41 tỷ đồng, với hạng mục đường hầm thủy công dài hơn 700m. Dự án đã được khởi công hồi đầu năm nay, nhưng đến nay mới hoàn thành khoảng 20% khối lượng, trong khi khu vực này đang tiếp tục bị ngập, khiến việc thi công gặp nhiều khó khăn.

Vận chuyển đồ đạc lên nơi cao ráo.
Ông Tòng Văn Thắng, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Phiêng Nghè cho biết, trước ảnh hưởng của mưa lũ, cấp ủy, chính quyền bản hiện đang tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng cùng bà con nhân dân khắc phục thiệt hại trước mắt theo phương châm “4 tại chỗ”; khẩn trương sơ tán người, tài sản và vật nuôi đến nơi an toàn; hỗ trợ nhân dân thu hoạch sớm lúa, ngô, hoa màu để tận dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm; cắm cọc theo dõi mực nước theo giờ, không để xảy ra bất ngờ trong mọi tình huống:
Ông Tòng Văn Thắng nói: "Các hộ ngập nước đã có dấu hiệu bệnh về chân, tay, miệng, ngứa ngáy, tiêu chảy, đau đầu...mong là các cấp có thẩm quyền về y tế tạo điều kiện xem xét, khám bệnh, phát thuốc cho bà con. Thứ hai nữa là nếu mực nước vẫn dâng cao, đỉnh điểm như năm ngoái thì đời sống của tất cả bà con trong vùng ngập nước sẽ rất khó khăn, thiếu về nhu yếu phẩm như gạo, thuốc men, nước uống..."
Trong điều kiện thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, chính quyền và nhân dân bản Phiêng Nghè đang nỗ lực đoàn kết, cùng nhau vượt qua khó khăn, khắc phục sản xuất để sớm ổn định cuộc sống trước mắt và lâu dài.