Công bố kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông Cửu Long
Kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông Cửu Long có 4 nội dung chính, là căn cứ quan trọng để các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh trên lưu vực sông kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp.
Bộ TN&MT vừa ban hành Quyết định 3492/QĐ-BTNMT về việc công bố Kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông Cửu Long. Đây là căn cứ quan trọng để các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh trên lưu vực sông theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp với Kịch bản nguồn nước nhằm phục vụ công tác điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực và các nhu cầu thiết yếu khác của người dân.
Kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông Cửu Long có 4 nội dung chính: Hiện trạng nguồn nước trên lưu vực sông Cửu Long; Xu thể diễn biến mưa, dòng chảy, mực nước trong các tầng chứa nước trong kỳ công bố kịch bản nguồn nước; Nhu cầu khai thác, sử dụng nước của các ngành trong kỳ công bố kịch bản nguồn nước và trạng thái nguồn nước trên lưu vực sông Cửu Long. Kỳ công bố Kịch bản, trong mùa cạn năm 2024-2025 (từ tháng 11/2024 đến tháng 5/2025).
Theo tính toán trong kịch bản nguồn nước lưu vực sông Cửu Long, tổng nhu cầu khai thác, sử dụng nước của các ngành trên lưu vực sông Cửu Long từ tháng 11/2024 đến tháng 5/2025 vào khoảng 24,8 tỷ m3, trong đó sinh hoạt và công nghiệp khoảng 1 tỷ m3, tưới cho cây trồng khoảng 19,1 tỷ m3, sử dụng nước cho thủy sản 4,7 tỷ m3 và chăn nuôi khoảng 0,02 tỷ m3.
Theo đó, so với năm 2024 nhu cầu khai thác sử dụng nước của các ngành trên lưu vực sông Cửu Long trong năm 2025 cũng như trong kỳ công bố kịch bản có xu thế tăng khoảng 0,8%. Trong các vùng sử dụng nước, vùng N3 (Đồng Tháp, Long An, Vĩnh Long) có nhu cầu sử dụng nước nhiều nhất tập trung vào các tháng 1, 2.
Dự báo tổng lượng nước về vùng đồng bằng sông Cửu Long tại trạm Tân Châu và Châu Đốc trong mùa cạn năm 2024 - 2025 từ 137 - 143 tỷ m3, xấp xỉ TBNN và thấp hơn mùa cạn năm 2023 - 2024 khoảng 5%. Tuy nhiên, trong các tháng cao điểm của mùa cạn năm 2024-2025 (từ tháng 1 cho đến tháng 4/2025), dự báo tổng lượng dòng chảy qua trạm Tân Châu và Châu Đốc từ 48,9-51,0 tỷ m3, thấp hơn so với TBNN từ 2-6% nhưng cao hơn cùng kỳ mùa cạn năm 2023-2024 khoảng từ 7-11%. Ngoài ra, dự báo trong các tháng mùa cạn, trên vùng đồng bằng sông Cửu Long có khả năng xuất hiện mưa trái mùa.
Bên cạnh đó, nhu cầu nước khai thác, sử dụng của vùng đồng bằng sông Cửu Long không biến động lớn so với mùa cạn 2023 - 2024 (cao hơn 0,8%), ranh giới mặn đã phần nào được kiểm soát bởi các công trình ngăn mặn.
Chủ động ứng phó với tình trạng thiếu nước cục bộ
Trên cơ sở hiện trạng, dự báo xu thế diễn biến nguồn nước, khí tượng, thủy văn, nhu cầu sử dụng nước, đặc thù khai thác, sử dụng nước của các ngành sử dụng nước trên lưu vực và các yêu cầu về đảm bảo an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, kịch bản nguồn nước nhận định, về tổng thể nguồn nước đến trên vùng đồng bằng sông Cửu Long cơ bản sẽ đáp ứng đủ các nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt, an sinh xã hội, kinh tế và bảo vệ môi trường. Vì vậy, nguồn nước trong kỳ công bố sẽ ở trạng thái bình thường.
Tuy nhiên, theo nhận định, nguy cơ thiếu nước cục bộ vẫn có thể xảy ra tại một số địa phương, đặc biệt là một số huyện, thị xã thuộc các tỉnh như: tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau với nguyên nhân chủ yếu do xâm nhập mặn và hệ thống các công trình thủy lợi, hệ thống các công trình cấp nước tập trung chưa được hoàn thiện đồng bộ. Ngoài ra, theo báo cáo của địa phương còn có tình trạng một số khu vực chưa được đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng để phục vụ nước cho sản xuất, sinh hoạt do nằm tại vùng sâu, vùng xa, các hộ dân sống phân tán như tại các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, Tịnh Biên của tỉnh An Giang.
Để giảm thiểu nguy cơ có thể xảy ra thiếu nước cấp cho nhân dân, đặc biệt là ưu tiên đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt trong mọi tình huống, Bộ TN&MT kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương trên lưu vực sông Cửu Long, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo việc chủ động lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo nhu cầu sử dụng nước bình thường của từng ngành, lĩnh vực.
Về lâu dài, đối với các vùng có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, các Bộ, ngành, địa phương phối hợp sửa chữa nâng cấp các công trình trữ nước ngọt hiện có để phục vụ cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân và hoàn thiện, khép kín các hệ thống thủy lợi để đảm bảo kiểm soát mặn, tiếp tục xây dựng các cống dọc theo sông chính kiểm soát mặn vào nội đồng, xây dựng các cống lớn để chủ động kiểm soát mặn từ cửa sông; tăng cường việc tích trữ nước mưa để chủ động phòng chống hạn hán, thiếu nước; có giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nước…
Về khai thác nước dưới đất trên vùng lưu vực sông Cửu Long, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cung cấp nước sạch liên tục, ổn định cho nhân dân, UBND các tỉnh, thành phố cần triển khai lập, ban hành kế hoạch bảo vệ nước dưới đất trên địa bàn các tỉnh lưu vực sông Cửu Long theo quy định.