Công bố hàng trăm ảnh, tài liệu của các văn, nghệ sĩ lừng danh
200 hình ảnh, tài liệu lưu trữ được công bố thuộc 8 cá nhân tiêu biểu được trưng bày trong triển lãm dịp kỷ niệm 30 năm thành lập, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.
Ngày 21/5, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ tổ chức tọa đàm và triển lãm về tài liệu có xuất xứ cá nhân được lưu giữ tại Trung tâm trong nhiều năm qua.
Trải qua quá trình 30 năm hình thành và phát triển, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đang quản lý hơn 200 phông tài liệu có xuất xứ cá nhân, gia đình, dòng họ. Những tài liệu này được hình thành trong quá trình sống và sáng tác của các cá nhân như tài liệu tiểu sử, văn bằng chứng chỉ, thư từ, sổ sách, giấy tờ công vụ, bản thảo các tác phẩm, công trình sáng tác và nghiên cứu khoa học của các cá nhân.
Nhiều tác phẩm, nhiều công trình nghiên cứu trước khi được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã được ghi danh trong những diễn đàn khoa học, dưới ánh đèn sân khấu hay các sự kiện đặc trưng của các ngành, nghề, lĩnh vực khác nhau. Đây là những tài liệu lưu trữ tiêu biểu, quý, hiếm của dân tộc. Nguồn tài liệu này giúp chúng ta có thêm góc nhìn chân thực về sự phát triển của xã hội cũng như chân dung, cuộc đời của các cá nhân đã có những đóng góp tiêu biểu về nhiều mặt trong sự phát triển của nước nhà.
Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã tổ chức tọa đàm và triển lãm về tài liệu có xuất xứ cá nhân.
Tọa đàm với sự tham gia của các diễn giả là những cá nhân và đại diện các cá nhân, gia đình đã gửi tặng tài liệu vào trung tâm. Ngoài ra còn có sự quan tâm, tham dự của đại biểu các cơ quan lưu trữ, cơ quan quan quản lý, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.
Tại buổi tọa đàm, một số cá nhân cũng như người thân có dịp chia sẻ, giới thiệu về quá trình sáng tạo tác phẩm, cũng như việc gìn giữ những tài liệu quý của người thân để sau đó gửi vào bảo quản, lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.
Tại sự kiện trên, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã lựa chọn và giới thiệu gần 200 hình ảnh, tài liệu lưu trữ được công bố thuộc 8 cá nhân tiêu biểu là nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, nhà văn - nhà viết kịch Đào Hồng Cẩm, nhà hoạt động sân khấu Lộng Chương, PGS.TS.ĐD. NSND Ngô Mạnh Lân, nhà văn - nhà viết kịch Nguyễn Tất Đạt, Tiến sĩ - nhà viết kịch Trần Đình Ngôn, nhà văn - nhà viết kịch Học Phi, nhà thơ - nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát. Với sự đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung, tài liệu lưu trữ của các cá nhân được trưng bày và tác phẩm của các tác giả đã góp phần làm phong phú thêm thành phần phông lưu trữ nhà nước Việt Nam.

Một số tác giả, người thân của các tác giả tham gia cuộc tọa đàm Ảnh: Kiến Nghĩa.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát bên tác phẩm giới thiệu tại Triển lãm Ảnh: Kiến Nghĩa

Hình ảnh các nhân vật trong phim hoạt hình Con sáo biết nói của NSND, đạo diễn Ngô Mạnh Lân năm 1967.

Cảnh trong vở chèo Đôi ngọc lưu ly của tác giả Lộng Chương.

Bản thảo viết tay một vở kịch ngắn của nhà viết kịch Đào Hồng Cẩm.
Kiến Nghĩa/Tiền Phong