Công an TPHCM ra mắt hệ thống cảnh báo khẩn cấp về ANTT trên địa bàn Thành phố
Chiều 28/4, Công an TPHCM tổ chức Lễ ra mắt hệ thống cảnh báo khẩn cấp về ANTT trên địa bàn Thành phố.
Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc CATP chủ trì lễ ra mắt. Cùng dự có lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an; các đồng chí Phó Giám đốc CATP; lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc CATP, các đơn vị phối hợp thực hiện…



Các đại biểu tham dự lễ ra mắt
Xuất phát từ yêu cầu, tình hình thực tiễn, CATP đã triển khai nhiều giải pháp nhằm duy trì ổn định ANTT, giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật (VPPL) thông qua các biện pháp tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền phòng ngừa tội phạm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân; tăng cường giám sát và phát hiện sớm các hành vi vi phạm, kịp thời xử lý để không ảnh hưởng đến TTATXH.
Đặc biệt, CATP đã và đang triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, xử lý tội phạm và hành vi VPPL thông qua việc triển khai, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là các phần mềm và hệ thống giám sát những nơi công cộng, khu vực trọng điểm góp phần nâng cao khả năng phản ứng nhanh chóng và chính xác của lực lượng chức năng, góp phần tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho người dân Thành phố.
Từ đặc điểm, tình hình của Thành phố, những vấn đề về ANTT, tội phạm, tai nạn giao thông, cháy nổ hay các sự cố khác có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và cần được tiếp nhận thông tin nhanh chóng để từ đó kịp thời xử lý đảm bảo an toàn cho người dân, giảm thiểu thiệt hại. Để giải quyết vấn đề này, việc triển khai phần mềm cảnh báo khẩn cấp sẽ phát huy được vai trò quan trọng của người dân trong việc hỗ trợ các lực lượng chức năng phản ứng nhanh chóng, kịp thời và chính xác với các tình huống khẩn cấp, đồng thời huy động sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân trong việc bảo đảm ANTT nói riêng và phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ngày càng vững mạnh.
Từ thực tiễn công tác bảo đảm ANTT, CATP nhận thấy, phương thức trao đổi thông tin về tình hình ANTT, tố giác, tin báo về tội phạm theo kiểu truyền thống trong thời điểm hiện nay đã bộc lộ nhiều hạn chế, việc người dân cung cấp thông tin cho lực lượng Công an gặp nhiều khó khăn, thông tin không đầy đủ, kịp thời, vì vậy cần phải nghiên cứu, sử dụng phương thức hiện đại, khoa học hơn để khác phục những khó khăn, hạn chế đó, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.
Ý tưởng phát triển phần mềm cảnh báo khẩn cấp xuất phát từ việc nhận thấy nhu cầu người dân cần có một công cụ đơn giản nhưng hiệu quả để thông báo các sự cố ANTT. Thực tế, trong nhiều trường hợp, sự chậm trễ trong việc phát hiện và xử lý tình huống có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, như gia tăng mức độ nguy hiểm, tổn thất về tài sản và tính mạng. Do đó, việc xây dựng một phần mềm giúp người dân chủ động báo cáo sự cố, đồng thời kết nối trực tiếp với cơ quan chức năng để xử lý tình huống kịp thời là một giải pháp hết sức cần thiết và cấp bách.
Phần mềm cảnh báo khẩn cấp được xây dựng nhằm nâng cao vai trò của toàn dân tham gia công tác bảo đảm ANTT: Phần mềm tạo ra một kênh “giao tiếp” giữa người dân và lực lượng Công an, giúp cộng đồng đóng góp tích cực vào công tác bảo đảm ANTT. Người dân có thể chủ động thông báo các tình huống khẩn cấp mà không cần qua các thủ tục phức tạp. Bên cạnh đó, tăng cường khả năng phản ứng nhanh của lực lượng chức năng: Phần mềm giúp lực lượng Công an tiếp nhận và xử lý thông tin ngay lập tức, từ đó tăng tốc độ phản ứng và giảm thiểu thời gian xử lý các tình huống khẩn cấp. Điều này giúp nâng cao tính hiệu quả và chính xác trong việc duy trì trật tự và bảo vệ an toàn cho cộng đồng.

Các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt ứng dụng
Ngoài ra còn tạo sự liên kết và phối hợp giữa các lực lượng chức năng: Phần mềm cung cấp một kênh giao tiếp thống nhất giữa các đơn vị Công an từ Trung tâm thông tin chỉ huy, các đơn vị nghiệp vụ đến Công an phường xã, đảm bảo việc chia sẻ thông tin kịp thời, chính xác và đồng bộ. Các lực lượng này có thể phối hợp hiệu quả trong việc xử lý sự cố và ứng phó với các tình huống phức tạp.
Giám sát và báo cáo hiệu quả: Phần mềm không chỉ giúp giải quyết tình huống khẩn cấp mà còn giúp các cơ quan chức năng giám sát tình trạng ANTT tại các khu vực, đồng thời tạo ra các báo cáo phục vụ công tác đánh giá và quản lý của các cấp lãnh đạo.


Sau quá trình triển khai phần mềm cảnh báo khẩn cấp về ANTT tại TPHCM, đến nay, hệ thống đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong công tác quản lý, giám sát và xử lý tình huống an ninh trên địa bàn Thành phố. Cụ thể, tăng cường khả năng phản ứng nhanh chóng và kịp thời; Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng; Đảm bảo tính minh bạch và công khai trong công tác xử lý thông tin; Khuyến khích sự tham gia chủ động của cộng đồng; Giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ ổn định ANTT: Nhờ vào sự phản ứng nhanh chóng của các lực lượng chức năng, nhiều tình huống vi phạm ANTT đã được ngăn chặn kịp thời, giúp giảm thiểu thiệt hại về tài sản, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân. Đồng thời, phần mềm góp phần ổn định tình hình an ninh tại các khu vực trọng yếu, giúp TPHCM duy trì môi trường sống an toàn và phát triển bền vững…

Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc CATP phát biểu tại lễ ra mắt
Phát biểu tại lễ ra mắt, Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc CATP cho biết việc triển khai phần mềm cảnh báo khẩn cấp về ANTT tại TPHCM là một bước tiến quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ ANTT, đáp ứng yêu cầu của tình hình phát triển và đảm bảo sự ổn định cho cộng đồng. Quá trình triển khai và vận hành, phần mềm đã chứng minh được hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao khả năng phản ứng nhanh chóng của các lực lượng chức năng, cải thiện công tác phối hợp giữa các đơn vị và đảm bảo tính minh bạch trong xử lý thông tin.

Các đại biểu tại lễ ra mắt
Nhờ vào ứng dụng công nghệ hiện đại, phần mềm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân tham gia chủ động vào công tác bảo vệ ANTT, qua đó thúc đẩy sự cộng tác giữa các cơ quan chức năng và cộng đồng, giúp tạo ra một môi trường sống an toàn, lành mạnh. Thành công của dự án đánh dấu một bước tiến mới trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, góp phần nâng cao hiệu quả công tác của ngành Công an, phục vụ tốt hơn yêu cầu bảo vệ ANTT xã hội tại TPHCM.
Trong thời gian tới, các Phòng chức năng, nghiệp vụ sẽ tiếp tục tham mưu Ban Giám đốc CATP tổ chức triển khai và tiếp tục duy trì, giám sát và hoàn thiện hệ thống, nhằm đảm bảo ứng dụng phần mềm phát huy tối đa hiệu quả, đáp ứng kịp thời những yêu cầu thực tiễn, đóng góp vào quá trình bảo đảm ANTT, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Thành phố.
Phần mềm được xây dựng gồm 2 cấu thành:
Ứng dụng dành cho công dân (App Công Dân):
+ Phần mềm cảnh báo khẩn cấp sẽ được cài đặt trên điện thoại di động của người dân dưới dạng một ứng dụng (App Công Dân). Ứng dụng này cho phép người dân nhanh chóng gửi tin báo về các tình huống mất ANTT (tội phạm, tai nạn giao thông, cháy nổ, hoặc sự cố khác) tới cơ quan Công an.
+ Giao diện ứng dụng được thiết kế dễ sử dụng, với các chức năng chính bao gồm gửi thông tin chi tiết về sự cố (bao gồm mô tả, hình ảnh hoặc video), cùng với vị trí GPS chính xác của sự việc. Người dân chỉ cần nhấn nút để gửi báo cáo mà không cần phải thực hiện cuộc gọi, qua đó tiết kiệm thời gian và giúp cung cấp thông tin kịp thời hơn.
TTTTCH Công an TPHCM – Tiếp nhận và điều phối tin báo:
+ Khi người dân gửi thông tin qua ứng dụng, các tin báo khẩn cấp sẽ được chuyển trực tiếp đến TTTTCH Công an TPHCM. Trung tâm này là đơn vị tiếp nhận và xử lý các thông tin từ người dân.
+ Trung tâm sẽ kiểm tra và phân loại tin báo, sau đó phân phối đến các đơn vị nghiệp vụ của Công an nếu sự cố thuộc thẩm quyền của các đơn vị này. Đồng thời, tin báo sẽ được chuyển đến Công an phường, xã nếu tình huống xảy ra tại khu vực địa phương, nơi cần sự can thiệp trực tiếp từ lực lượng tại cơ sở.
Ứng dụng dành cho CBCS Công an TPHCM (App CBCS):
+ App CBCS được cài đặt trên điện thoại chuyên dụng của lực lượng Công an, là công cụ để cán bộ Công an tiếp nhận và xử lý thông tin do TTTTCH chuyển đến.
+ Các đơn vị chức năng, bao gồm Công an phường, xã và các đơn vị nghiệp vụ, sẽ nhận được tin báo khẩn cấp qua ứng dụng này, đồng thời có thể theo dõi thông tin chi tiết về sự cố, như vị trí xảy ra sự việc, mô tả tình huống, và các tài liệu đính kèm từ người dân.
+ Sau khi nhận được thông tin, cán bộ Công an sẽ nhanh chóng đến hiện trường để xử lý tình huống. Trong quá trình xử lý, họ có thể cập nhật tiến trình lên hệ thống, giúp TTTTCH và các đơn vị liên quan theo dõi kết quả và đưa ra các chỉ đạo kịp thời nếu cần thiết.