Công an TP Thủ Đức cảnh báo bạo lực học đường

Bạo lực học đường không phải là hiện tượng mới nhưng thời gian gần đây hiện tượng này xảy ra liên tục hơn và bộc lộ tính chất nguy hiểm, nghiêm trọng.

Liên quan thông tin "Đổ chai nước, nhóm sinh viên đánh hội đồng bạn học", mới đây, Công an TP Thủ Đức (TP HCM) đã đưa nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ TP HCM thực nghiệm lại hiện trường.

Nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ TP HCM đánh nhau dữ dội.

Nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ TP HCM đánh nhau dữ dội.

Trước đó, sáng 25-9, một số thanh niên đã vây đánh 2 sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ TP HCM ở đường số 36, phường Linh Đông. Đáng nói, nhóm thanh niên hung hăng khi liên tục đấm, đá, dùng mũ bảo hiểm đập vào đầu, lưng nạn nhân.

Họ đều sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ TP HCM, nguyên nhân là do mâu thuẫn từ việc đổ chai nước. Sau khi tan trường, nhóm sinh viên rủ thêm nhiều bạn khác đánh hội đồng 2 bạn học.

Cảnh báo phòng chống bạo lực học đường

Công an TP Thủ Đức cũng vừa phát đi cảnh báo về việc phòng chống bạo lực học đường.

Công an TP Thủ Đức cảnh báo phòng chống bạo lực học đường.

Công an TP Thủ Đức cảnh báo phòng chống bạo lực học đường.

Theo Công an TP Thủ Đức, bạo lực học đường không phải là hiện tượng mới nhưng thời gian gần đây hiện tượng này xảy ra liên tục hơn và bộc lộ tính chất nguy hiểm, nghiêm trọng. Điều đáng lo ngại là lý do dẫn đến bạo lực đôi khi rất đơn giản như va chạm trong lúc chơi đùa, trên đường đi học, mâu thuẫn nói xấu nhau trên các diễn đàn, mạng xã hội...

Hậu quả là bị tổn thương về tinh thần như cô đơn, lo lắng, chán nản, thậm chí không muốn đến trường... và bị tổn hại thể chất.

Với nhà trường (cơ sở giáo dục), cần có biện pháp cô lập, khống chế kịp thời các đối tượng gây ra bạo lực học đường, không để đối tượng tiếp tục gây hậu quả không mong muốn.

Liên lạc kịp thời với gia đình nạn nhân để phối hợp xử lý và báo cáo ngay với cấp thẩm quyền để xử lý theo quy định. Trường hợp vượt quá khả năng giải quyết của nhà trường thì thông báo với chính quyền hoặc công an để xử lý theo quy định của pháp luật.

Thực hiện các biện pháp trợ giúp về tinh thần, y tế đối với nạn nhân, có biện pháp hỗ trợ bảo vệ trẻ an toàn cho nạn nhân trong thời gian tiếp theo.

Nhà trường cũng phải trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại cho học sinh, sinh viên. Khuyến khích học sinh, sinh viên cùng nhau xây dựng một môi trường học đường an toàn và thân thiện.

Với gia đình, cha mẹ hãy luôn là chỗ dựa vững chắc cho con, xây dựng môi trường sống lành mạnh, yêu thương trong gia đình. Bĩnh tĩnh, quan tâm lắng nghe câu chuyện của con để hiểu rõ tình hình mà con đang đối mặt.

Trang bị cho con các kỹ năng bảo vệ bản thân trước những nguy hiểm có thể xảy ra.

Đồng thời phối hợp với nhà trường nắm bắt thông tin và cùng bảo vệ an toàn cho con. Trường hợp con bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe, tinh thần thì gia đình nên tìm hiểu các chuyên gia để hỗ trợ sức khỏe và tâm lý cho con.

Cũng theo Công an TP Thủ Đức, bạo lực học đường tùy vào mức độ nghiêm trọng gây ra, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự: tội hành hạ người khác; tội làm nhục người khác; tội cố ý gây thương tích; tội vô ý làm chết người; tội giết người.

Anh Vũ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-an-tp-thu-duc-canh-bao-bao-luc-hoc-duong-196240928082924742.htm
Zalo