Công an tỉnh và Sở Tư pháp: Phối hợp thực hiện hiệu quả Đề án 06 về dữ liệu hộ tịch

Qua 3 năm thực hiện, Công an tỉnh và Sở Tư pháp đã nỗ lực phối hợp, triển khai hiệu quả nhiều nhiệm vụ của Đề án 'Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030' (Đề án 06), giúp cho tỉnh hoàn thành đúng tiến độ. Nổi bật là hai đơn vị phối hợp triển khai cao điểm số hóa dữ liệu hộ tịch, với tiến độ thực hiện nhanh chóng, hiệu quả, rút ngắn thời gian.

Số hóa dữ liệu hộ tịch

Ghi nhận đến nay, toàn tỉnh đã số hóa 95% dữ liệu hộ tịch (1.036.892/1.053.266 trường hợp). Hiện Công an tỉnh đang đề nghị Sở Tư pháp số hóa 5% dữ liệu hộ tịch còn lại, tiếp tục nuôi sống dữ liệu hộ tịch đã được số hóa và thường xuyên cập nhật bảo đảm dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”. Đối với việc thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) trên VNeID, qua theo dõi kết quả từ khi chính thức triển khai từ ngày 9-11-2024 đến ngày 3-1-2025, Sở Tư pháp đã nhận được yêu cầu cấp phiếu LLTP trên VNeID là 835 hồ sơ.

Đoàn công tác Bộ Tư pháp khảo sát trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại UBND phường Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một)

Đại tá Nguyễn Thanh Điệp, Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết Bình Dương là 1 trong 8 địa phương đầu tiên chính thức triển khai “cấp phiếu LLTP trên VNeID”. Để triển khai có hiệu quả công tác cấp phiếu LLTP trên VNeID, Công an tỉnh tiếp tục phối hợp với Sở Tư pháp bổ sung, cập nhật nâng cao tỷ lệ làm sạch dữ liệu án tích, xóa án tích, đồng bộ dữ liệu tư pháp vào cơ sở dữ liệu LLTP của Bộ Tư pháp, làm sạch dữ liệu, bảo đảm các điều kiện đẩy mạnh cấp phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh cũng đề nghị Sở Tư pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trên VNeID để nâng cao tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, phục vụ công tác báo cáo, đánh giá tình hình, hiệu quả trong việc triển khai của tỉnh đối với các nhiệm vụ Đề án 06 của Chính phủ.

Phối hợp tháo gỡ khó khăn

Theo ghi nhận, đến nay nhóm “Khai sinh, đăng ký thường trú, bảo hiểm y tế” và nhóm “Khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí” đã tiếp nhận và giải quyết đạt 100%. Công an tỉnh đã đề nghị Sở Tư pháp tiếp tục phối hợp với cơ quan công an kịp thời tiếp nhận và giải quyết TTHC cho người dân, không để bị quá hạn. Đồng thời, hai bên phối hợp, tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện hiệu quả 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông này để mang lại nhiều lợi ích cho người dân theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đề án 06.

Công an TP.Thuận An tổ chức thu nhận hồ sơ cấp căn cước cho người dân

Đại tá Nguyễn Thanh Điệp cho biết thêm, Công an tỉnh sẽ phối hợp với Sở Tư pháp, tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch hoặc quy chế phối hợp để giải quyết thủ tục hành chính cho nhân khẩu đặc biệt không có giấy tờ tùy thân trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, Công an tỉnh và Sở Tư pháp sẽ cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc cấp giấy khai sinh, mã số định danh, đăng ký cư trú, căn cước đối với các nhóm trẻ em, thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ trong các cơ sở trợ giúp trẻ em, lớp học tình thương, sau đó mới nhân rộng ra cho các nhóm đối tượng khác, hướng tới mục tiêu: “Bảo đảm các công dân đều có thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, đưa Đề án 06 đến gần hơn với thực tế và đời sống của nhân dân”, qua đó cũng phục vụ hiệu quả công tác quản lý và phòng chống tội phạm tại địa phương.

Ngoài ra, đối với công tác phối hợp xác minh trẻ bị bỏ rơi, làm con nuôi người nước ngoài, qua rà soát danh sách các trường hợp được giới thiệu, Công an tỉnh và Sở Tư pháp đã phối hợp giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài sau khi có kết quả xác minh nguồn gốc trẻ. Cũng theo Đại tá Nguyễn Thanh Điệp, để triển khai hiệu quả nhiệm vụ này, trong thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp triển khai các nhiệm vụ có liên quan theo quy định tại Quyết định số 2759 của UBND tỉnh về ban hành quy chế phối hợp liên ngành về giải quyết việc nuôi con có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Công an tỉnh phối hợp Sở Tư pháp xác minh hồ sơ về nguồn gốc của trẻ bị bỏ rơi được cho làm con nuôi người nước ngoài và cho ý kiến giới thiệu đối với các trường hợp này; đồng thời có các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi phạm tội trong lĩnh vực con nuôi có yếu tố nước ngoài.

Trên địa bàn tỉnh có hơn 1.500 trường hợp là nhân khẩu đặc biệt, chủ yếu ở địa bàn TP.Bến Cát, huyện Bàu Bàng, huyện Dầu Tiếng là các đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng trong các trung tâm bảo trợ xã hội, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở trợ giúp trẻ em, người về từ Campuchia sinh sống ở khu vực lòng hồ Dầu Tiếng. Các trường hợp này không có giấy tờ tùy thân nên ảnh hưởng rất nhiều trong cuộc sống như không được đi học, không được mua bảo hiểm y tế, không thể xin việc làm...

TÂM TRANG

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/cong-an-tinh-va-so-tu-phap-phoi-hop-thuc-hien-hieu-qua-de-an-06-ve-du-lieu-ho-tich-a340999.html
Zalo