Công an tỉnh Thanh Hóa chung tay cùng nhân dân chống lụt
Sau hoàn lưu của bão số 3, bão số 4 tiếp tục mưa lớn diện rộng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, gây nên tình trạng sạt lở đất đá vùng núi, ngập lụt vùng ven sông, đe dọa vỡ đê tại một số vị trí… Trước tình hình trên, Công an tỉnh Thanh Hóa cùng với Công an các đơn vị, địa phương triển khai các phương án tại chỗ, đảm bảo trật tự giao thông, giúp đỡ người dân di chuyển đồ đạc, tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm; ứng trực thường xuyên tại các vị trí xung yếu, đề phòng sự cố sạt lở, vỡ đê xảy ra…
Ngày 24/9, chúng tôi có mặt tại bờ đê sông Mã, thuộc phường Thiệu Dương và phường Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa, tận mắt chứng kiến hàng ngàn ngôi nhà đang ngập ngụa trong nước lũ trắng đục, nhiều ngôi nhà, nước lũ ngập gần đến mái nhà. Người dân ở khu vực ngoài đê phải thay nhau di chuyển bằng thuyền ra, vào đê để tiếp tế lương thực, thực phẩm… Trên mặt đê, lực lượng Công an, Quân đội đang thành lập chốt ứng trực, hỗ trợ người dân vùng ngập lụt khi cần thiết.
Trao đổi, Thượng tá Hoàng Văn Bình, Phó Trưởng Công an TP Thanh Hóa cho biết, đã 3 ngày qua, Công an TP Thanh Hóa huy động gần 60 cán bộ, chiến sĩ phối hợp cùng các lực lượng khác ứng trực, hỗ trợ, giúp đỡ người dân phường Thiệu Dương, Thiệu Khánh phòng, chống lũ lụt, di chuyển người, tài sản đến nơi an toàn. Hiện lực lượng Công an và Quân sự TP Thanh Hóa chia thành nhiều tổ công tác, tiếp tục ứng trực 24/24h tại khu vực đê sông Mã, đề phòng sự cố bất trắc xảy ra.
Trước đó, vào đêm 23/9, tại địa bàn thôn 7, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc xuất hiện hiện tượng nước tràn qua miệng cống Nổ ngấm vào thân đê, đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của khoảng 3.000 người dân sinh sống gần đê sông Mã. Ngay trong đêm, đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa cùng các đồng chí lãnh đạo Công an tỉnh, Bộ chí huy quân sự tỉnh Thanh Hóa đã đến hiện trường chỉ đạo công tác ứng phó.
Tại hiện trường, đồng chí Lại Thế Nguyên yêu cầu UBND huyện Vĩnh Lộc, xã Vĩnh An và các xã lân cận huy động tối đa lực lượng, phương tiện, vật liệu để khắc phục ngay sự cố. Đồng thời, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh huy động cán bộ, chiến sĩ kết hợp với lực lượng địa phương phân công nhiệm vụ tập kết đất, cát, bao tải gia cố ngăn nước tràn qua miệng cống Nổ cũng như khắc phục ngay tình trạng thấm nước vào chân đê để bảo vệ đê, bảo đảm an toàn trước tình hình nước lũ dâng cao. Với sự quyết tâm, khẩn trương của các lực lượng tham gia hộ đê và nhân dân trên địa bàn, đến khoảng 7h ngày 24/9, điểm đê trên đã cơ bản được xử lý, nước không còn thấm vào trong đê.
Trưa ngày 24/9, lực lượng Công an, Quân sự và hàng trăm người dân địa phương xã Quang Lộc và lực lượng chức năng huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa cùng các phương tiện sẵn có tập trung dùng đất, cát, cọc tre được huy động đến gia cố chân đê phía sông Lèn.
Theo thông tin từ Hạt quản lý đê điều Hậu Lộc, sự cố thấm dò mái đê gần cống Cái trên đê bối xã Quang Lộc xuất hiện vào khoảng 18h ngày 23/9. Sau đó xã Quang Lộc đã tổ chức lực lượng, phối hợp cùng Hạt quản lý đê điều Hậu Lộc thực hiện gia cố tạm thời các vết thấm rò. Tuy nhiên, sự cố vẫn diễn biến phức tạp, đến sáng 24/9, các vết dò xuất hiện lớn hơn, đe dọa trực tiếp an toàn đê.
Đến 14h ngày 24/9, vết rò rỉ qua thân đê bối sông Lèn đã cơ bản được xử lý. Để phòng ngừa sự cố xảy ra, chính quyền huyện Hậu Lộc và xã Quang Lông tiếp tục cử lực lượng túc trực 24/24, cập nhật thông tin liên tục để ngành chức năng nắm vững tình hình.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa, những ngày qua, tình hình mưa, lũ đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội của người dân trên địa bàn, trong đó đáng chú ý là tình trạng sạt lở đất núi, sạt lở đường sá, ngập lụt diện rộng… Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, Công an tỉnh Thanh Hóa cùng Công an các đơn vị, địa phương và các lực lượng chức năng đã ứng trực thường xuyên 24/24h, kịp thời tuyên truyền, vận động, tổ chức sơ tán 2.873 hộ (11.759 nhân khẩu) ra khỏi khu vực nguy hiểm do sạt lở đất, ngập lụt. Trong đó, huyện Quan Sơn di dời 150 hộ, huyện Thường Xuân di dời 273 hộ, huyện Quan Hóa di dời 264 hộ, huyện Mường Lát di dời 464 hộ, huyện Bá Thước di dời 110 hộ, huyện Thọ Xuân di dời 253 hộ, thành phố Thanh Hóa di dời 253 hộ, huyện Thạch Thành di dời 142 hộ…
Ngoài ra, mưa, lũ cũng đã làm 11 điểm trường bị ảnh hưởng, sạt lở đất tập trung chủ yếu ở Mường Lát, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh; sạt lở taluy dương, taluy âm, sạt lở sa bồi mặt đường, rãnh dọc tại 183 vị trí, có 7 vị trí gây tắc đường… Mưa lũ cũng khiến diện tích lúa bị ngập 356,6 ha, diện tích cây trồng hàng năm 572 ha, 323 ao cá truyền thống bị ngập…
Để chủ động công tác ứng phó với tình hình mưa lũ, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đã có Điện chỉ đạo các đơn vị Công an trong tỉnh tập trung chỉ đạo và tổ chức lực lượng, phương tiện chủ động tham gia công tác ứng phó với thiên tai, ngập, lụt trên địa bàn. Đồng thời, Phòng Hậu cần của Công an tỉnh được giao nhiệm vụ, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện ô tô, xuồng máy, xuồng cao su; vật tư, trang thiết bị thông tin liên lạc, phao cứu sinh, xăng dầu, lương thực, thực phẩm sẵn sàng tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Đối với các địa bàn trọng điểm, nhất là Công an các xã, thị trấn đã thường xuyên bám nắm địa bàn, vừa duy trì lực lượng, phương tiện để hỗ trợ di dời người và tài sản đến nơi an toàn; vừa triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, phòng ngừa và đấu tranh trấn áp tội phạm lợi dụng tình hình lũ lụt để hoạt động, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến, địa bàn.