Công an thành phố Hà Nội nói gì về chế tài xử lý tội phạm về môi trường?
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng xử lý đối với các loại tội phạm về môi trường, hiện nay cơ bản đã đầy đủ bao gồm cả Luật hình sự và các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính có liên quan; ngoài ra cũng có các quy định hướng dẫn của các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là Bộ Tài Nguyên và Môi trường giúp cho việc vận dụng, áp dụng luật được chính xác, đồng bộ. Tuy nhiên, tội phạm về lĩnh vực môi trường vẫn diễn biến rất phức tạp.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội tội phạm về môi trường tuy không quá bức xúc về quy mô, mức độ ảnh hưởng nhưng lại tiềm ẩn trên nhiều lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong khi các yếu tố môi trường có tính chất “cộng hưởng” dẫn tới ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí trên địa bàn Thành phố vẫn ở mức báo động, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân.
Trên các lĩnh vực, ngành nghề hoạt động như: khu vực làng nghề, hoạt động xử lý chất thải (bao gồm các chất thải công nghiệp, xây dựng, chất thải nguy hại), hoạt động xây dựng, giao thông vận tải…là những lĩnh vực hiện công tác quản lý nhà nước liên quan đến bảo vệ môi trường còn hạn chế, cơ sở hạ tầng, quy định về bảo vệ môi trường còn thiếu đồng bộ.
Bên cạnh đó, việc khai thác tài nguyên (cát, đất) trái phép, vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm gây bức xúc trong dư luận. Mặc dù, thời gian vừa qua công an Thành phố Hà Nội đã tích cực vào cuộc triển khai nhiều biện pháp, đấu tranh có hiệu quả, tội phạm về khai thác tài nguyên trái phép đã giảm đáng kể nhưng với lợi nhuận cao, một số đối tượng vẫn lợi dụng địa bàn giáp ranh để thực hiện hành vi phạm tội.
Theo đại diện lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội, chế tài chưa đủ mạnh để răn đe tội phạm, vi phạm pháp luật, bởi qua thực tế, đấu tranh của các đơn vị trong lực lượng Công an thành phố cho thấy: Số lượng vụ xử lý hình sự tội môi trường không nhiều (chủ yếu khởi tố theo Điều 244 Bộ Luật hình sự năm 2015 – Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; mới xử lý hình sự một vụ duy nhất vi phạm Điều 235 – Tội gây ô nhiễm môi trường).
Ngoài ra, thiếu chế tài cưỡng chế thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính (đơn cử trong năm 2023, Công an thành phố Hà Nội tham mưu Chủ tịch UBND Thành phố ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính một công ty mức xử phạt hơn 400 triệu đồng, đến nay cơ sở này chưa chấp hành quyết định, chưa nộp phạt, UBND thành phố chưa có giải pháp cưỡng chế thi hành quyết định này)….
"Hiện tại, có một số vướng mắc liên quan đến việc triển khai các nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát môi trường (do mô hình tổ chức của Công an cấp tỉnh có sự thay đổi từ ngày 31/8/2023 - không còn Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường) như: Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường không có thẩm quyền ra quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính…liên quan, đến nội dung này, các bộ ngành, trong đó có Bộ Công an đang nghiên cứu, đề xuất Chỉnh phủ sửa đổi, bổ sung thẩm quyền", đại diện lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội thông tin.
Chỉ tính trong hơn một năm qua, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố đã chủ động, áp dụng đồng bộ các biện pháp tổ chức đấu tranh triệt phá các ổ nhóm đối tượng khai thác cát trái phép (tháng 7/2024,đơn vị khởi tố vụ án khai thác cát trái phép trên sông Hồng, khởi tố 9 bị can có liên quan); khởi tố, điều tra các đối tượng hoạt động kinh doanh động vật nguy cấp, quý hiếm, hoạt động chuyên nghiệp (vận chuyển hàng hóa từ Lào về Việt Nam tiêu thụ); phát hiện, ngăn chặn, xử lý không cho đưa ra thị trường hàng chục tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm…ngoài ra, đơn vị chủ động phối hợp với các ngành chức năng như Tài Nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, xử lý hơn hơn 200 vụ việc vi phạm hành chính về môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Từ kết quả công tác phòng ngừa, kiểm tra, xử lý tội phạm, vi phạm, đại diện lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội cho biết, Công an thành phố đã chủ động tham mưu cho Bộ Công an, UBND Thành phố Hà Nội, một số biện pháp, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố như: Kiến nghị Bộ Công an để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ sở để xử phạt nghiêm các đối tượng gây ô nhiễm môi trường; kiến nghị Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội tăng cường kiểm tra công tác xử lý nước thải phát sinh từ các cơ sở y tế; giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường sông cầu Bây; tăng cường phòng ngừa, xử lý tình trạng đổ chẩt thải xây dựng trái quy định, gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương, ban ngành, nếu để xảy ra tình trạng đổ thải trái quy định gây bức xúc trong nhân dân…
Để ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm vi phạm pháp luật môi trường, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội cho biết, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi gây ô nhiễm môi trường ngay từ “nguồn”; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho tổ chức, cá nhân hoạt động có ảnh hưởng, tác động đến môi trường, để họ nhận thức được tầm quan trọng, trách nhiệm duy trì, bảo vệ môi trường và cũng như trách nhiệm pháp lý mà các tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm nếu vi phạm.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cần phải tích cực, chủ động, tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát huy hiệu quả quản lý để ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là lực lượng thanh tra chuyên ngành cần quan tâm, kiểm tra xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường nhiều hơn nữa, thay vì tập trung kiểm tra thủ tục hành chính. Thanh tra môi trường mới là lực lượng chuyên trách xử lý vi phạm hành chính về môi trường hiện nay.
"Giải pháp căn cơ nhất hiện nay đó là thành phố Hà Nội cần tăng cường đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường trên quy mô toàn thành phố, đặc biệt là tại khu vực nội đô, khu vực làng nghề, vì phần lớn nước thải sinh hoạt, nước thải làng nghề hiện nay chưa được thu gom, xử lý đúng quy định – đây là một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường hệ thống sông ngòi nội đô; thiếu giải pháp để tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, chưa có bài toán cụ thể để kiểm soát phương tiện cá nhân, kiểm soát khí thải phát sinh từ các phương tiện xe máy, ô nhiễm môi trường phát sinh từ các công trình, dự án… làm cho chất lượng môi trường không khí nội đô luôn trong tình trạng không tốt, thậm chỉ ở mức có ảnh hưởng đến sức khỏe người dân", đại diện lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội kiến nghị.