Công an các đơn vị, địa phương lấy ý kiến các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo
Ngày 23/4, Công an các đơn vị, địa phương tổ chức hội thảo 'Tuyên truyền, lấy ý kiến đối với các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV năm 2025'.
Tại Cần Thơ:
Ngày 23/4, Công an TP Cần Thơ tổ chức hội thảo “Tuyên truyền, lấy ý kiến đối với các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV năm 2025”.
Thời gian qua, công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn TTATXH của lực lượng CAND đạt được những kết quả, chiến công xuất sắc, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ, lực lượng Công an còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong đó có việc áp dụng các quy định của pháp luật…

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ.
Tại kỳ họp thứ 9 và thứ 10 năm 2025, Bộ Công an chủ trì soạn thảo 7 dự án Luật trình Quốc hội khóa XV. Cụ thể, cho ý kiến và dự kiến thông qua 5 luật: Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi); Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Lấy ý kiến 2 luật là Luật Dẫn độ và Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ, Giám đốc Công an TP Cần Thơ cho biết, việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là yêu cầu cấp thiết nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, nâng cao năng lực bảo vệ thông tin cá nhân và đáp ứng chuẩn mực quốc tế trong kỷ nguyên số. Thứ hai, sau 7 năm thi hành, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự đã góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai bộc lộ nhiều bất cập do thay đổi trong tổ chức bộ máy CAND và sự không tương thích với các quy định mới của Đảng, Nhà nước. Việc sửa đổi luật là cần thiết để đáp ứng yêu cầu cải cách, nâng cao hiệu quả điều tra hình sự.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ Đào Chí Nghĩa phát biểu gợi ý thảo luận.
Thứ ba, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015 không chỉ cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp năm 2013 mà còn thể hiện rõ quyết tâm hoàn thiện thể chế pháp lý nhằm phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm trong bối cảnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng. Thứ tư, sau quá trình thực hiện Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, nhiều quy định về chuyển giao người đang chấp hành án và dẫn độ không còn phù hợp. Do đó, việc ban hành Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và Luật Dẫn độ là bước đi cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tăng cường truy bắt tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài, bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật, quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Các đại biểu tham dự hội thảo.
Tại hội thảo, có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu, trong đó có nhiều ý kiến đồng tình với sự cần thiết phải ban hành các dự án Luật, nhấn mạnh vị trí, vai trò, tầm quan trọng của các luật trong đời sống xã hội nói chung, công tác bảo đảm ANTT nói riêng. Qua đó, phân tích, làm rõ, đề xuất bổ sung thêm một số nội dung trong các dự án luật để phù hợp với thực tiễn nhằm hoàn thiện các dự án Luật này trong thời gian tới.
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Công an TP sẽ tổng hợp, báo cáo kết quả về Bộ Công an để đề nghị bổ sung, chỉnh lý các dự án luật nhằm đảm bảo tính thống nhất, khả thi sau khi được ban hành.
Trường Cao đẳng CSND II:
Ngày 23/4, tại TP Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng CSND II (Bộ Công an) đã tổ chức chương trình tọa đàm lấy ý kiến góp ý đối với các dự án luật do Bộ Công an soạn thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 khóa XV năm 2025.

Đại tá Bùi Nghi Lâm phát biểu tại tọa đàm.
Đại tá Bùi Nghi Lâm, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng CSND II, cho biết: Tọa đàm nhằm tuyên truyền, phổ biến cho toàn thể giảng viên, CBCS nhà trường nắm sự cần thiết xây dựng, mục đích, quan điểm, định hướng và nội dung cơ bản của các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV năm 2025 như, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật Dẫn độ, Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi), Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự. Qua đó, phát huy vai trò chủ động của các đơn vị trực thuộc, sức mạnh tổng hợp của tập thể giảng viên, CBCS vào góp ý dự thảo văn bản để hoàn thiện các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV năm 2025…

Các giảng viên tích cực tham gia ý kiến đóng góp tại tọa đàm.
Được biết, chương trình tọa đàm tập trung tuyên truyền, phổ biến những nội dung cơ bản, nhấn mạnh những điểm mới, quan trọng của các dự án luật trên; sự cần thiết xây dựng dự án Luật trình Quốc hội khóa XV năm 2025 để toàn thể giảng viên, CBCS nắm, tạo sự thống nhất trong nhận thức. Các ý kiến tham luận góp ý được tổng hợp đầy đủ, khoa học, khách quan để báo cáo về Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) nhằm hoàn thiện dự thảo các văn bản để hoàn thiện các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV năm 2025.
Tại Vĩnh Long:
Chiều 23/4, Công an tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội thảo tuyên truyền, đóng góp xây dựng các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 9. Hội nghị được tổ chức với hình thức trực tiếp tại Công an tỉnh và kết nối trực tuyến đến điểm cầu hội trường 8 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Vĩnh Long.

Đại tá Phan Ngọc Tính, Phó Giám đốc Công tỉnh Vĩnh Long phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng, tính khả thi đối với các dự án luật do Bộ Công an chủ trì, soạn thảo.
Chủ trì hội nghị, Đại tá Phan Ngọc Tính, Phó Giám đốc Công tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh tầm quan trọng, tính khả thi đối với các dự án luật do Bộ Công an chủ trì, soạn thảo gồm: Dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Dự án Luật dẫn độ; Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi) và Dự án Bộ luật Hình sự.
Các dự án luật trên có ý nghĩa chính trị và pháp lý rất quan trọng, tạo cơ sở, nền tảng vững chắc để lực lượng Công an chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách về an ninh trật tự, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị.

Hội nghị được tổ chức với hình thức trực tiếp tại Công an tỉnh và kết nối trực tuyến đến điểm cầu hội trường 8 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Vĩnh Long.
Tại hội nghị, có 6 tham luận trực tiếp của các đại biểu đối với các dự án luật. Ban tổ chức nhận 48 tham luận của Công an các đơn vị, địa phương đóng góp về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV năm 2025.
Các ý kiến tham luận đều đồng tình, thống nhất về sự cần thiết xây dựng, ban hành các dự án luật nói trên, đồng thời góp ý, bổ sung, làm rõ hơn về những điểm mới, sửa đổi của các dự án luật và đánh giá những tác động đối với thực tiễn công tác đảm bảo an ninh trật tự khi các dự án luật được thông qua và có hiệu lực thi hành.
Kết luận hội nghị, Đại tá Phan Ngọc Tính cảm ơn các ý kiến góp ý rất tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, có chất lượng chuyên môn cao của các đại biểu. Công an tỉnh Vĩnh Long sẽ tập hợp đầy đủ, khoa học, khách quan các ý kiến, tham luận của đại biểu, báo cáo Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện các dự án luật nhằm đảm bảo tính thống nhất, khả thi sau khi được ban hành.