Con trai của vợ chồng thương binh trở thành bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho đồng đội bố mẹ mình
Sinh ra trong một gia đình có bố mẹ đều là thương binh mù cả hai mắt, tuổi thơ của Đào Đình Quân trải qua bao gian khó để tự mình vượt lên để trở thành một bác sĩ tận tình chăm sóc những thương bệnh binh.
Người bác sĩ ấy đang ngày ngày lặng thầm thực hiện mơ ước của đời mình là được phục vụ cho những thương binh đồng cảnh như bố mẹ anh mặc dù ước mơ đó được "thắp lên" trong một môi trường điều trị bệnh nhân hết sức đặc biệt… Bác sĩ đó là Đào Đình Quân, 44 tuổi - bác sĩ duy nhất của Khu điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An.
Dắt mẹ đi bán rau dạo
Gần 40 năm trôi qua, hình ảnh người mẹ nghèo bị mù cả đôi mắt lần mò từng bước chân để bán mớ rau, quả trứng vẫn hằn in trong tâm trí của bác sĩ Đào Đình Quân. "Năm mới lên bốn tuổi, tôi thường dắt mẹ đi bán rau dạo xung quanh các xóm nghèo và cổng trường học ở xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc cũ, nay thuộc thành phố Vinh. Nhờ những mớ rau đó đã cho tôi cuộc sống của ngày hôm nay", bác sĩ Đào Đình Quân mở đầu câu chuyện.
Mẹ của bác sĩ Quân là bà Cao Thị Hải, bị mù cả hai mắt. Nhắc đến chi tiết này, bác sĩ Quân bồi hồi xúc động bởi khi lớn lên anh mới biết mẹ là nữ chiến sĩ thanh niên xung phong bị thương năm 1971 tại mặt trận Quảng Trị do bom Mỹ rải xuống khi đang lấp hố bom trên đường 9. Trận bom khiến nữ chiến sĩ Cao Thị Hải bị vỡ cổ họng, mất ba ngón tay, bốn cái răng và mù cả hai mắt. Năm đó, mẹ anh 19 tuổi.
Nhắc đến người bố, bác sĩ Quân lại xúc động khi nhớ lại những mất mát thời chiến tranh: "Bố tôi là Đào Xuân Tình. Bố bị thương năm 1978, khi đang hành quân lên một đài quan sát để chuẩn bị cho một trận đánh Pol Pot của Quân đoàn 4 tại chiến trường Campuchia. Bố tôi và đồng đội bị một trận bom quái ác của địch dội xuống. Cánh tay trái của bố tôi bị cắt cụt. Hai mắt bị mù. Nếu tỉ lệ thương tật của mẹ tôi là 100% thì bố tôi là 96%. Cả hai bố mẹ đều là thương binh nặng (1/4)".
Bác sĩ Quân rời phòng làm việc, dẫn chúng tôi về ngôi nhà cấp bốn của bố mẹ trong dãy nhà tập thể của Trung tâm điều dưỡng thương binh Nghệ An (sát cạnh Khu điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An). Tại đây, bác sĩ Quân đứng nhìn mãi ngôi nhà cũ màu sơn đã vắng mẹ (mẹ anh mất năm 2022), vườn rau đang lên xanh và lối đường nho nhỏ của dãy nhà tập thể. Ánh mắt, cử chỉ và câu chuyện của bác sĩ Quân giúp chúng tôi cảm nhận được tình cảm của anh với nơi anh sinh ra và lớn lên trong bao nỗi gian khó, nhọc nhằn.
Anh nói về kí ức thứ hai mà anh khó quên: "Lúc lên 7 tuổi, hai cha con muốn về quê nội, quê ngoại nhưng xe cộ, đường xá thời đó khó khăn lắm. Vậy là, bố bế đặt tôi ngồi lên yên xe đạp. Tôi với hai tay ra phía trước để cầm lái. Bố ngồi sau gác ba ga để đạp. Hai bố con "tải" nhau dích dắc đường trường lấm bụi rồi cũng đi qua hơn 40 cây số về Diễn Châu, quê ngoại và gần 50 cây số vào Hà Tĩnh, quê nội".
Bác sĩ của những bệnh nhân đặc biệt
Mặc dù ông sống trong cảnh khó khăn nhưng vợ chồng ông Tình bà Hải luôn động viên con trai cố gắng học hành. Không phụ lòng bố mẹ, tốt nghiệp THPT, anh Quân thi vào Trường Cao đẳng Y tế Nghệ An, chuyên ngành điều dưỡng. "Học xong, năm 2004 tôi xin về Khu điều dưỡng này. Năm 2010, tôi thi vào Đại học Y khoa Vinh, học lớp trung cấp y sĩ. Sau 7 năm phục vụ tại Khu điều dưỡng, năm 2017 cũng tại Đại học Y khoa Vinh, tôi học lớp bác sĩ Đa khoa. Năm 2022 tốt nghiệp và trở về đây, đúng như nguyện vọng ban đầu. Bố mẹ tôi rất vui khi có một đứa con đã trưởng thành, làm bác sĩ phục vụ cho đồng đội của mình", bác sĩ Quân chia sẻ.
Trong Khu điều dưỡng, phía trước câu khẩu hiệu "Chăm sóc, nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh là tình thương và trách nhiệm" nổi lên bức tranh bộ đội hành quân được vẽ trên bức tường còn sáng màu vôi vàng, đề hàng chữ "Bác cũng chúng cháu hành quân". Phía sau câu khẩu hiệu là một số bệnh nhân đang chơi đùa, xem ti vi hoặc đi lại cười hát. Với cử chỉ ân cần, bác sĩ Quân thăm hỏi, trò chuyện với một số bệnh nhân. "Thời điểm này là yên bình nhất trong ngày. Nhiều lúc các bác không làm chủ được hành vi thì xảy chuyện đập đánh, ném đá. Nhân viên y tế nhiều phen phải đi viện là chuyện bình thường", bác sĩ Quân kể.
Bàn sâu thêm về thực trạng bệnh lý tâm thần diễn ra hàng ngày tại đây, bác sĩ Quân lộ vẻ trầm ngâm: "Mỗi người một mã bệnh. Người hoang tưởng, hoang tưởng ảo giác, kích động, lo âu, trầm cảm rối loạn hành vi tâm thần... Khi lên cơn, có người chửi bới, la hét, có người không để lộ biểu hiện gì nhưng bất thình lình lao tới đập người và phá không có nguyên nhân", bác sĩ Đào Đình Quân tâm sự.
Gặp tình cảnh này, bác sĩ Quân phải thường xuyên thay đổi phác đồ điều trị. Nếu thuốc không đáp ứng, bác sĩ Quân kiên trì thay đổi phác đồ tiếp. Để có những phác đồ thích hợp, đêm đêm bác sĩ Quân phải thức khuya để tranh thủ đọc sách, tham khảo nhiều tư liệu trong, ngoài nước, kể cả việc nhờ các bác sĩ chuyên khoa có trình độ cao hơn mình tư vấn, đưa đến cho bệnh nhân phương án điều trị tốt nhất. "Việc kết hợp thuốc trong điều trị để cắt cơn cho bệnh nhân đã nhờn thuốc không phải dễ. Bây giờ xuất hiện nhiều loại thuốc mới. Nếu mình vô tâm một chút thì cứ dùng thuốc cũ hoặc bị "lạc" thuốc. Khi đó, bệnh nhân tâm thần cam tâm hứng chịu mà không một ai hay", bác sĩ Quân nói.
Riêng nhân viên y tế ở đây đã quen cách đề phòng những sự cố xảy ra từ phía bệnh nhân tâm thần nhưng những sự cố bất ngờ vẫn không thể tránh được. "Hồi tháng 6/2024, nữ y sĩ Lê Thị Mai đang chia các khẩu phần cơm trưa bất ngờ bị bệnh nhân đứng cạnh đánh. Y sĩ Mai phải đi bệnh viện Quân y 4 khâu 6 mũi. Tương tự, anh Nguyễn Đình Hoan, cán bộ phục vụ của Khu điều dưỡng đang rửa bát bị bệnh nhân ném đá vào đầu, cũng phải đi bệnh viện điều trị", bác sĩ Quân kể.
Trước khi rời trung tâm điều trị, bác sĩ Quân đưa tay khóa cánh cổng. Anh bảo, cổng phải thường xuyên khóa bởi thi thoảng bệnh nhân đồng loạt lên cơn kích động, họ phá phách rồi vượt tường, bỏ trốn. "Những "pha" như thế khiến toàn thể cán bộ, nhân viên chia nhau các ngả đi tìm cho bằng được. Tốp ra ga tàu, cổng chợ. Tốp đến nhà người quen của bệnh nhân…Tìm được bệnh nhân là may mắn lắm. May mắn ở chỗ, những bệnh nhân tâm thần được quay trở lại Khu điều dưỡng để tiếp tục điều trị, không thì căng lắm, tội lắm", bác sĩ Đào Đình Quân chia sẻ.
Ông Nguyễn Thiếu Lâm, Giám đốc Khu điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An cho biết, Quân là bác sĩ đầu tiên của đơn vị, là con trai của hai vợ chồng thương binh nặng, đang phục vụ cho những thương binh nặng, rất nặng. Khu điều dưỡng có 74 bệnh nhân, trong đó có 36 thương bệnh binh, 4 bệnh nhân con liệt sĩ, 9 bệnh nhân con cựu binh bị nhiễm chất độc hóa học từ các chiến trường trong chiến tranh, 20 đối tượng bảo trợ xã hội và 5 đối tượng hưu trí, mất sức.
Chúng tôi nêu câu hỏi, vì sao cả Khu điều dưỡng những bệnh nhân tâm thần lại chỉ có một bác sĩ. Ông Lâm lặng nói: "Đơn vị cần có thêm bác sĩ lắm chứ nhưng việc tuyển dụng bác sĩ về đây không dễ một chút nào bởi môi trường điều trị "đặc biệt" này cứ ám ảnh nhiều người. Muốn có thêm bác sĩ, chúng tôi phải tự tạo nguồn, bắt đầu từ y sĩ. Bác sĩ Quân là một trường hợp "đặc biệt" như thế".