'Cơn sốt' xé túi mù
Thời gian gần đây, trào lưu xé túi mù trở thành cơn sốt trong giới trẻ cả nước, trong đó có Hải Dương. Trào lưu này đang có nhiều tranh cãi bởi gây lãng phí và ảnh hưởng tới môi trường.
Kích thích tính tò mò
Có trong tay đủ bộ sưu tập Labubu cùng nhiều nhân vật hoạt hình khác, em Nguyễn Thị Lan ở thị trấn Nam Sách tỏ vẻ hãnh diện với bạn bè. Thành quả này là nhờ chạy theo trào lưu xé túi mù.
Sau những giờ học mệt mỏi, Lan thường giải trí bằng việc lướt điện thoại. Ban đầu, chỉ là các video bình thường, sau đó là các video xé túi mù xuất hiện ngày càng nhiều gây cảm giác kích thích. Có những buổi Lan dành cả tiếng đồng hồ chỉ để xem video trên mạng xã hội. Xem video đã cuốn hút nhưng tự tay xé những túi mù lại càng kích thích tính tò mò hơn nên Lan chi tiền mua. Không chỉ dừng lại ở xé túi, Lan nhanh chóng bắt mối với những đại lý và bắt đầu kinh doanh mặt hàng này trên mạng xã hội.
Em Lan cho biết: “Khi mua, bạn sẽ không thể biết ở bên trong túi mù là gì cho đến khi xé nó ra. Điều này tạo nên cảm giác gay cấn, hồi hộp. Em tin chắc có nhiều người cũng thích cảm giác tò mò khi xé túi mù như em nên em mua số lượng lớn và bán lại. Giá của mỗi túi không cao, chỉ khoảng 2.000 đồng, càng mua nhiều giá càng rẻ. Em đã bán được khoảng 1.000 túi và hiện trào lưu này vẫn đang thu hút được nhiều người trẻ”.
Không chỉ thu hút người trẻ, trào lưu này còn lan tới cả các em nhỏ tuổi. Mỗi lần được cô giáo khen hoặc được điểm tốt trong học tập, em Nguyễn Thị Ánh Ngọc, lớp 2 Trường Tiểu học Phú Thái (Kim Thành) lại đòi bố mẹ thưởng bằng túi mù. Ánh Ngọc cho biết, ở trong lớp, bạn nào cũng có bộ sưu tập các nhân vật hoạt hình, đồ chơi lên đến hàng chục con. Nhiều lớp, cô giáo cũng tặng túi mù để động viên, khuyến khích tinh thần học tập của học sinh.
Từ khi xuất hiện, trào lưu túi mù đã trở thành “cơn sốt” không những ở thành phố lớn mà lan ra nhiều địa phương. Tại nhiều nhà sách trong tỉnh như Tiền Phong, Đỗ Gia… những túi mù được bày bán ở những vị trí dễ quan sát nhất với mẫu mã đa dạng và màu sắc bắt mắt. Điều này thể hiện được độ “hot” của trào lưu. Tại các quán tạp hóa, cửa hàng quanh khu vực các trường học ở vùng nông thôn, mặt hàng túi mù cũng luôn thu hút trẻ, nhiều thời điểm còn “cháy hàng”.
“Mỗi túi mù chỉ có giá từ 3.000-10.000 đồng. Nhiều học sinh hoặc phụ huynh đến mua sách vở, đồ dùng học tập đều tiện tay mua một vài túi mù. Sự hấp dẫn của túi mù nằm ở yếu tố bất ngờ, tạo nên cảm giác thích thú và hồi hộp khi mở ra. Do vậy, mặt hàng này bán rất chạy ở nhà sách”, một nhân viên ở nhà sách Tiền Phong (TP Hải Dương) nói.
"Phía sau" trào lưu
Túi mù còn được gọi với cái tên "blind bag" hoặc túi bất ngờ. Thông thường, trong mỗi bộ sưu tập sẽ có một túi phiên bản giới hạn, điều này càng kích thích trí tò mò và tính sở hữu của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, giá trị mỗi túi mù hay một bộ sưu tập theo chủ đề của các thương hiệu lớn lại có giá trị khá cao khiến nhiều người e dè. Thế nên, trong thời gian gần đây những túi mù phiên bản nhỏ và có giá trị thấp hơn được nhiều người trẻ ưa chuộng.
Khi mua túi mù, người tiêu dùng chỉ có thể biết được chủ đề của túi, không biết rằng cụ thể trong túi sẽ là món đồ với chi tiết như thế nào. Những túi phổ biến hiện nay thường là những con vật đồ chơi bằng nhựa, hình rất thú vị, có thể phát sáng hoặc không.
Có con gái nhỏ đam mê túi mù nên anh Nguyễn Văn Sơn ở thị trấn Phú Thái (Kim Thành) bày tỏ quan điểm: “Trào lưu này không chỉ gây lãng phí mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của giới trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ”. Anh cho biết, khi xé túi mù, bên trong có những đồ vật không đúng sở thích, con gái anh thường có cảm giác thất vọng và hụt hẫng. Điều này có thể khiến người chơi buồn chán, gây ra những cảm xúc tiêu cực và đòi bố mẹ mua thêm nhiều túi mù khác để tăng cơ hội trúng được những món đồ yêu thích.
"Ngay từ khi trào lưu này xuất hiện mình đã nghĩ ngay nó sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Ngoài các túi ni lông thì các con vật bằng nhựa trong túi cũng không thể dùng để trang trí mãi. Khi hết trend, cả tấn rác thải nhựa thải ra ngoài môi trường mà phải mất hàng trăm năm mới có khả năng phân hủy", chị Mạc Thị Mai ở xã Cẩm Chế (Thanh Hà) nói.
Trên thực tế, việc chơi túi mù còn tạo ra thói quen tiêu dùng bốc đồng của giới trẻ. Mặc dù giá trị của mỗi túi mù không cao, chỉ từ vài nghìn đồng, nhưng khi mua, người chơi thường mua hàng chục, thậm chí hàng trăm túi mù cùng lúc. Người chơi thường khó kiểm soát bản thân trước những sản phẩm mới, hấp dẫn, dẫn đến việc chi tiêu một cách lãng phí, nhất là khi những sản phẩm đồ chơi trong túi mù chỉ để trưng bày. Sau khi hết độ “hot”, những túi mù này nhanh chóng trở thành rác thải nhựa và gây áp lực lên môi trường.
Một vấn đề đáng lo ngại khác là chất lượng của những túi mù trên thị trường. Với mức giá rẻ, đa phần túi mù đều được sản xuất tại Trung Quốc, với các nguyên vật liệu không rõ nguồn gốc. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, nhiều nhà sản xuất đã lợi dụng cơ hội này để làm hàng giả, hàng nhái với chất lượng kém, gây tổn hại cho người tiêu dùng.
Để tránh những ảnh hưởng xấu, người tiêu dùng cần tỉnh táo, cân nhắc kỹ trước khi quyết định bắt trend trào lưu xé túi mù.