Cơn sóng FOMO là gì?
Mỗi một lựa chọn chúng ta quyết định mang trong nó một chi phí cơ hội, bởi khi đã lựa chọn một thứ, đồng nghĩa với việc chúng ta tự động từ bỏ thứ khác.
Vô vàn những lựa chọn chúng ta có được ngày nay có thể là một con dao hai lưỡi. Một mặt, chúng ta chưa từng có nhiều lựa chọn đến thế trong mọi lĩnh vực: Từ nghề nghiệp, lối sống, cho tới điểm đến du lịch và thậm chí cả nhà hàng. Mặt khác, chính sự thừa thãi các phương án lựa chọn đó lại có thể dẫn tới cảm giác tê liệt, không hài lòng hoặc liên tục phải phán đoán, nghi ngờ.
Chưa bao giờ đi đến Fiji lại dễ dàng đến thế. Hoặc cả Tahiti. Hay thậm chí cả rặng san hô vĩ đại Great Coral Reef. Nếu có 7 ngày và 5.000 USD, bạn sẽ lựa chọn đi đâu? Trừ khi ước mơ đã ấp ủ từ lâu của bạn là được đặt chân tới một trong những nơi này, nếu không bạn sẽ bần thần ngồi xuống, bối rối và lắc đầu, có cảm giác bị lôi kéo hơn về phía những lựa chọn mà mình vừa từ bỏ so với phương án bạn đang quyết định lựa chọn. Bạn đã bao giờ cảm thấy như thế chưa?
Nền văn hóa đương đại của chúng ta đã phát minh ra vài từ viết tắt miêu tả cho tình huống được nói đến ở trên. Chúng ta bắt đầu với tư duy lối sống YOLO (1) (bạn chỉ sống một lần trên đời). Điều này có thể dẫn tới cảm giác thôi thúc nóng vội, muốn trải nghiệm càng nhiều càng tốt một cách nhanh chóng.
Do đó, chúng ta quay cuồng khi bị cuốn bởi con sóng FOMO (2) (sợ bỏ lỡ), khiến chúng ta cảm thấy lo lắng rằng mình đang bỏ lỡ một điều gì đó thú vị. Hai trạng thái này có thể làm gián đoạn và cướp đi sự bình an trong tinh thần của chúng ta, thường khiến chúng ta trở nên bối rối như “những con lừa”.
Con lừa mang ý nghĩa gì? Câu chuyện ngụ ngôn về con lừa đưa ra một phép ẩn dụ hoàn hảo cho sự nguy hiểm của tính thiếu quyết đoán. Con lừa không thể quyết định được nên ăn hay uống trước và cuối cùng thì nó chết vì khát. (Vốn dĩ con người chết vì khát nhanh hơn vì đói).
Con người chúng ta cũng có thể rơi vào tình huống tiến thoái lưỡng nan, dở khóc dở cười như con lừa - ở đây tượng trưng cho Fiji hay Tahiti, một khóa học giao tiếp hay học tiếng Trung, ăn đồ Nhật hay đồ Ý... Kết quả thường là giậm chân tại chỗ hoặc chây ì trì trệ, vì nỗi sợ đưa ra lựa chọn sai lầm đã làm họ tê liệt, không thực hiện được hành động.
Một số người thì nhanh chóng đi đến quyết định. Tôi sẽ đi Fiji! Tôi sẽ học tiếng Trung! Tôi sẽ ăn pizza! Và sau đó, khi họ tới Fiji, đọc cuốn sách tiếng Trung cho người mới bắt đầu hay ngấu nghiến chiếc bánh pizza, họ không thể tránh khỏi việc tự hỏi liệu mình có vui vẻ hơn ở Tahiti, học các kỹ năng giao tiếp hoặc ăn món sushi. Họ đắm chìm tới lạc lối trong suy ngẫm về những lựa chọn thay thế mà mình đã bỏ lỡ sau lựa chọn mà họ đã đưa ra. Kinh tế học miêu tả hiện tượng này bằng khái niệm chi phí cơ hội.
Khái niệm về “chi phí cơ hội” chỉ những lợi ích tiềm năng thu được bị bỏ lỡ khi lựa chọn phương án này thay vì phương án kia. Mỗi một lựa chọn chúng ta quyết định mang trong nó một chi phí cơ hội, bởi khi đã lựa chọn một thứ, đồng nghĩa với việc chúng ta tự động từ bỏ thứ khác.
Mọi điều trong cuộc sống đều là một chuỗi những sự đánh đổi. Không cần biết bạn chọn làm gì, ăn, học, hay chi tiêu vào cái gì - mỗi sự lựa chọn sẽ khép lại cánh cửa mở tới vô số những lựa chọn khác. Mặc dù việc đánh giá nhu cầu của mình và ưu tiên chúng là một sự khôn ngoan, nhưng việc liên tục chìm đắm trong những phân tích, cân nhắc đắn đo chi phí cơ hội lại là con đường ngắn gọn dẫn tới căng thẳng, áp lực và kiệt sức. Vậy làm thế nào để có thể tìm được lối thoát khỏi mê cung hỗn độn đầy rẫy những chọn lựa mà không làm mình rối trí?
(1) Viết tắt của “You only live once”.
(2) Viết tắt của “Fear of missing out”.