'Con rồng tơ' trong nghệ thuật thêu cổ truyền xứ Việt
Trong vô vàn những đồ án mỹ miều được thể hiện dưới ngón tay tài tình của nghệ nhân Đại Việt, con rồng Việt Nam vẫn là hình ảnh sinh động nhất trong cả tạo hình lẫn hòa sắc.
Con rồng là linh thú duy nhất của hệ tứ linh được xếp vào “thập nhị chi”, và cũng là biểu trưng tối cao của tín ngưỡng và quyền lực từ thuở xa xưa trong văn hóa Việt Nam. Giữa dòng xuân phong Giáp Thìn đương tới, người người nhà nhà lại vẽ rồng, nói về rồng, đan xen trong những câu chuyện trên trời dưới bể về văn hóa Tết, nhưng vẫn còn một đề tài thú vị đang đón chờ ta luận bàn, đó chính là “con rồng tơ” trong nghệ thuật thêu cổ truyền xứ Việt.
Dưới triều Nguyễn, nghề thêu phát triển đỉnh cao, nắm thị trường tại vùng Đông Dương. Tệp khách hàng này không chỉ giới hạn trong nước mà còn mở rộng ra các vùng lân cận như: Cao Miên, Lào, Nam Dương, và cả châu Âu. Đã nhiều lần trong quá trình nghiên cứu hình xưa, tôi bắt gặp những bức tranh gà chọi đầy sinh khí trong tiết Tân hôn của người Bà Ba xứ Mã Lai, hay những tấm tranh rước sắc thần, tranh rồng uốn lượn trang trọng trong một thư phòng giữa trời Tây. Trong vô vàn những đồ án mỹ miều được thể hiện dưới ngón tay tài tình của nghệ nhân Đại Việt, con rồng Việt Nam vẫn là hình ảnh sinh động nhất trong cả tạo hình lẫn hòa sắc.
Mỗi một văn hóa trong khối đồng văn (Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên), tạo hình rồng có những đặc trưng riêng biệt, không chỉ gói gọn trong lãnh thổ quốc gia mà còn thay đổi theo từng thời kỳ. Tuy nhiên, bởi tính chất mỏng manh của chất liệu vải vóc và sự hạn chế trong tiến trình khai quật khảo cổ, hiện ta chỉ có thể giới hạn nghệ thuật thêu Việt Nam trong giai đoạn giữa thế kỷ 19 đổ về sau.
Nhìn chung, tạo hình con rồng trong văn hóa Việt Nam dưới Nguyễn triều có tính ổn định và phong thái hiền hòa, ít dữ tợn hơn con rồng nhà Thanh cùng thời kỳ. Rồng Việt giai đoạn này nổi bật với thân hình đầy đặn, khuôn mặt nhiều góc tròn với hình dáng như cái khánh (một loại nhạc khí xưa), hoặc dễ hình dung hơn là dáng huân chương kim khánh của các công thần nhà Nguyễn, phần trán gồ cao, khẩu hình lớn tựa đang cười khoái chí. Ngoài dáng rồng đuôi xương tuy rất phổ biến nhưng dễ bị nhầm lẫn với người hàng xóm Trung Hoa, tạo hình con rồng đuôi xoắn vẫn nổi tiếng hơn cả, và xuất hiện trễ nhất từ thời Lê Trung Hưng thông qua những tấm sắc phong mà ta may mắn lưu giữ được. Đây có thể xem là đặc điểm dễ nhận dạng nhất của hình tượng rồng Việt Nam.
“
“Ra khỏi khuôn khổ cung trang, con rồng được chuyển hóa thành những tú phẩm trang trí cao cấp thể hiện quyền lực của gia chủ, và đương nhiên, dưới sự quản lý và giám sát gắt gao.”
Về y phục, hình tượng rồng thời Nguyễn thường gắn liền với phái nam, mà điển hình nhất vẫn là long bào, mãng bào các cấp. Hiếm khi nào ta thấy hình tượng rồng được thêu, dệt trên đồ phái nữ, mà thay vào đó là phụng, hoa các thức trang nhã. Đối với đồ nội cung, chất liệu thêu rồng trên long bào không chỉ dừng lại ở chỉ tơ hay kim tuyến, mà còn có xâu kết châu ngọc và cườm san hô li ti mà thành. Thông qua Đức Nicolas, một chuyên gia mỹ thuật Việt Nam nổi tiếng ở Paris, Pháp (đang điều hành kênh Instagram: @vietnameseartinparis), chúng ta được tiếp cận chi tiết này trên một bộ long bào Việt Nam (thuộc nửa sau thế kỷ 19) [6] từng được đấu giá 2 lần tại Pháp và Mỹ [7], nguyên thuộc sở hữu của bà Phạm Lan Hương.
Tuy nhiên, y phục thêu rồng có thể nói là đặc quyền của hoàng gia và các đại công thần, hoặc thiểu số gồm những cá nhân được triều đình đặc ân, rất hiếm có cơ hội xuất hiện ngoài dân gian. Ra khỏi khuôn khổ cung trang, con rồng được chuyển hóa thành những tú phẩm trang trí cao cấp thể hiện quyền lực của gia chủ, và đương nhiên, dưới sự quản lý và giám sát gắt gao. Rồng Nguyễn thường xuất hiện ở hình thái 4 móng, gọi là con mãng (蟒), phải tới những dòng cuối của lịch sử hoàng triều, con rồng 5 móng mới xuất hiện trong đồ thêu đại trà và xuất khẩu, bởi lẽ triều đình đã nới lỏng rất nhiều quy định vốn rất nghiêm ngặt ở các đời trước (chẳng hạn không cho phép quan, dân sử dụng con rồng 5 móng, tiếm dụng các màu chính hoàng, màu hỏa hoàng (cam), màu hương (màu cỏ úa), v.v. – theo luật “Tiếm dụng Long Phụng văn” ghi chép trong “Hoàng Việt Luật lệ”, quyển 9[8]).
Các làng thêu nổi tiếng thời kỳ này phải kể đến hai vùng Bắc Ninh và Hà Nội – được xem là thủ phủ đồ thêu Việt Nam giai đoạn từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Tuy gọi là “tranh thêu” nhưng các tác phẩm này không gói gọn trong khái niệm “tranh treo tường”, mà còn là vỏ gối, khăn phủ sập, bàn, tráp; hoặc thậm chí dùng lót ghế trong những dịp rất trọng đại.
“
“Nghề thêu thoi thóp trong một khoảng lặng hàng thập kỷ. Suốt những năm đó, các nghệ nhân lão làng cũng lần lượt viễn du tiên cảnh, cưỡi hạc về trời, những con long phụng, lân quy tinh nhã vui vờn trên những tấm lụa thuở nào cũng lần lượt “tề phi” rời khỏi nhân gian.”
Trong quá trình nghiên cứu và sưu tầm, có 4 kiểu thêu rồng phổ biến:
1. Thêu độn gòn kết hợp lối xếp gạch
Đây là kỹ thuật có thể nói là thịnh hành nhất. Thân con rồng được độn một lớp bông/rơm mịn, cố định bằng các dây cotton bản lớn ở các vị trí: lưng, bụng, trán, bốn chân, thậm chí là các đồ án mây núi xung quanh. Sau đó, nghệ nhân sử dụng lối thêu xếp gạch đi hết toàn bộ thân rồng, còn các bộ phận khác thì sử dụng lối thêu đâm xô, bó bạt thông thường, nhưng rất sát và tỉ mỉ. Khác với trang phục thêu, các thức tranh nội thất được độn rất cao vì không cần quan tâm công năng, vì vậy độ nổi khối vô cùng rõ rệt, có những đoạn hình thêu cao hẳn khỏi nền vải tới gần 2 centimet. Khi treo lên tưởng chừng như đàn rồng chỉ chực chờ thiên thời địa lợi mà “xuất họa đằng phi”.
2. Thêu bắt chỉ bó
Tương tự như thêu độn gòn, nhưng thay vì thêu phủ bằng chỉ tơ thuần túy, các nghệ nhân sẽ chập đôi sợi tơ rồi se thành một dạng “thừng bện”. Các sợi “thừng” này sẽ được tiếp tục bắt (couch) trên bề mặt gòn đã độn trước đó. Hiệu ứng cuối cùng sẽ cho ra độ chuyển màu rất trang nhã và nhìn từ xa lại giống như thêu sa hạt (vốn là một lối thêu vô cùng kỳ công, phải thêu từng mối tròn nhỏ li ti như điểm ảnh). Nghệ thuật thêu Trung Hoa không mấy khi áp dụng kỹ thuật bắt chỉ bó này, nên có thể nói đây là một nét đặc trưng của nghệ thuật thêu Việt Nam.
3. Thêu bắt tơ vàng
Còn gọi là thêu kim tuyến. Kim tuyến tức vàng lá dán lên một mặt giấy chuyên dụng, phơi khô hoàn toàn rồi xắt mỏng thành sợi với độ rộng chỉ khoảng một milimet; sau đó, một nghệ nhân lành nghề sẽ se các sợi vàng này quanh một lõi tơ để tạo nên các “dây vàng” (kim tuyến) phục vụ việc thêu, dệt. Lõi tơ dày hay mỏng cũng quyết định thành phẩm kim tuyến với các kích cỡ khác nhau. Ngày xưa đều hoàn toàn thủ công nên kim tuyến thường được ứng dụng trong việc thêu viền, nếu thêu toàn bộ cả tranh bằng chất liệu này sẽ vô cùng đắt đỏ, nhưng đồng thời lại càng thể hiện sự phú quý của gia chủ. Bên cạnh vàng, còn có bạc và hợp kim đồng cho ra ngân tuyến (ánh bạc) và đồng tuyến (ánh nâu đen). Ngoài lối thêu phẳng (thêu xếp vảy bán nguyệt) thì lối nhồi/độn gòn đan xen xếp gạch đề cập ở trên cũng có thể thực hiện với kim tuyến cho ra thành phẩm bắt mắt vô cùng. Các đồ án thường thấy là “Long vi thọ” (rồng cuộn chữ thọ), “Tứ linh”, “Long phụng tề phi” (rồng phụng cùng bay)...
4. Thêu thuần tơ
Đây là dòng cơ bản nhất, chỉ sử dụng tơ tằm các màu các cỡ mà tạo hình. Chính vì đơn giản như vậy nên độ tinh mỹ của tác phẩm hoàn toàn dựa vào kỹ thuật và kinh nghiệm của thợ thêu. Nổi trội nhất có lẽ là các xưởng thêu Hà Nội, với mũi thêu nhỏ như hạt mè nhưng đều tăm tắp đến kinh ngạc. Dưới sự du nhập của các phẩm màu Tây phương và Trung Hoa, điển hình là phẩm màu hồng, hòa sắc của các xưởng Hà Nội thường vui nhộn, đặc biệt một số tác phẩm sử dụng tông màu pastel vừa phảng phất hồn cốt truyền thống vừa phô bày một làn gió mới lạ.
Sau khi nhà Nguyễn cáo chung vào năm 1945, các làng thêu vẫn còn duy trì được một thời gian cho tới thời kỳ binh chiến khốc liệt, nhu cầu trang hoàng nhà cửa bằng vải vóc suy giảm nghiêm trọng. Nghề thêu thoi thóp trong một khoảng lặng hàng thập kỷ. Suốt những năm đó, các nghệ nhân lão làng cũng lần lượt viễn du tiên cảnh, cưỡi hạc về trời, những con long phụng, lân quy tinh nhã vui vờn trên những tấm lụa thuở nào cũng lần lượt “tề phi” rời khỏi nhân gian. Các thức thêu về sau cũng khó mà nắm được cái hồn cốt hoàng triều vàng son, có lẽ, con rồng giờ đây chỉ còn là những mảnh vụn ký ức chắp vá đan xen hình ảnh con rồng “ngoại” du nhập vào nước ta suốt mấy thập kỷ đằng đẵng.
Nguồn:
[1] manhhai/flickr; hoặc Gallica – BnF, [50 photos. de paysages et cérémonies officielles en Indochine en 1929–1930,…] – tạm dịch: 50 hình ảnh về thắng cảnh và nghi lễ ở Đông Dương những năm 1929–1930.
[2] manhhai/flickr.
[3] “Cận cảnh đạo sắc phong cổ, quý hiếm thời Lê ở Hà Tĩnh” (05.2018), báo An ninh Tiền tệ.
[4] An imperial apricot-ground embroidered silk twelve symbol ‘dragon’ robe, Guangxu period (1875–1908) – Christie’s, Important Chinese Art (11.2020).
[5] “Câu chuyện về chiếc long bào triều Nguyễn” (6.2021) – Bảo tàng Lịch sử TP. HCM.
[6] Đức Nicolas (IG: vietnameseartinparis), “Emperor’s formal dress. Nguyễn dynasty, late 19th – early 20th century” (12.2020).
[7] An unusual Vietnamese emperor’s court robe, longpao Nguyên Dynasty (1802–1945), early 20th century – Bonhams New York, The Martin Cohen Collection – Final Chapter (10.2020).
[8] Hà Thành Hiên và Hách Đình Đình, “Ảnh hưởng của Nho gia đối với Hoàng Việt luật lệ”, Phạm Ngọc Hường dịch – Tạp chí Hán Nôm, số 3(88) 2008, trang 3–17 (hannom.org.vn/26.1.2010).