Còn nước còn tát
Hình ảnh người nông dân bất lực khi cây trồng, vật nuôi ra đi theo bão khiến ai thấy cũng xót xa.
Bưởi rụng lã chã, nước mắt nông dân cũng lã chã rơi. Không rơi sao được khi đó là của nả, vốn liếng họ đã đầu tư cả năm trời. Bao hi vọng thắng lớn về vụ bưởi bội thu của người nông dân bỗng chốc tan biến chỉ sau một đêm lũ lớn. Nước ngập đường, ngập nhà, đồng ruộng, ngập cả vườn bưởi có giá hàng trăm triệu đồng. Khi nước rút, họ thở phào vì cuộc sống, sinh hoạt trở lại bình thường nhưng cái theo lũ ra đi không thể lấy lại. Một vụ bưởi trắng tay, nỗi lo miếng cơm manh áo chưa nguôi thì những khoản nợ ngân hàng lại thêm đè nặng hơn.
Bi kịch không kém khi người chăn nuôi cá cũng đang khóc ròng khi cả bè cá theo dòng nước ra đi. Giằng, néo cho chặt ấy vậy mà không thắng nổi dòng nước xiết cứ cuồn cuồn đổ về. Cá đi đằng cá, lồng bè đi lồng bé. Cái còn lại là ánh mắt thẫn thờ của ngư dân. Vẫn biết nghề làm nông phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nhưng trận lũ lịch sử như năm nay thì nhiều nông dân chưa thể ngờ thế. Chẳng thế mà có chủ trang trại chăn nuôi bò, ngựa đã khóc nghẹn khi tất cả bị lũ cuốn trôi sau một đêm. Một vài con còn lại cũng chết dần, chết mòn. Một tỷ, hai tỷ và hơn nữa… Anh thẫn thờ khi chỉ trong một đêm mà tất cả vốn liếng bay sạch, nợ nần vây hãm.
Lâu nay, những tưởng mọi thứ đã trong tầm kiểm soát của nông dân bởi họ thực hiện đúng phương châm: Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống. Và họ đã có những mùa bội thu. Nhưng năm nay họ mất trắng vì yếu tố khách quan là lũ lụt. Hoa màu bị nhấn chìm trong lũ. Có chăng, vài thửa ruộng nước rút nhanh người dân cố vớt vát lại. Vài con lợn, con gà, con trâu được di chuyển ra khỏi vùng lũ. Nhưng tất cả chẳng thấm là bao mà chỉ là sự báo hiệu cho mùa đói giáp hạt sau lũ.
Bao giờ nông dân hết khổ là câu hỏi không dễ trả lời.
Chiến lược liên kết "ba nhà": nhà nước, nhà khoa học, nhà nông; đến “bốn nhà”: nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà buôn và hiện tại là năm nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà buôn, nhà băng được thực hiện và từng bước giải quyết những tồn tại trong sản xuất nông nghiệp. Thế rồi, chương trình mỗi xã một sản phẩm cũng mở ra triển vọng phát triển kinh tế nông nghiệp ở từng vùng, từng địa phương. Rồi hàng loạt những chính sách ưu đãi của nhà nước đối với phát triển kinh tế hàng hóa, cây ăn quả, chăn nuôi được dành cho nông dân.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang khi nông nghiệp nước ta phụ thuộc hầu như 100% vào thời tiết. Ông trời nổi giận là trắng tay. Cay đắng hơn, nếu không có lụt, thì lại là cảnh “được mùa mất giá”. Và những chuyến hàng giải cứu nông sản những năm gần đây ngày càng dày đặc hơn đã khiến những chủ trạng trại sản xuất cầm chừng. Đỉnh điểm, có vụ cam sành, nhiều hộ không buồn thu hoạch vì công thuê người hái tính ra còn cao hơn cả tiền bán cam. Vậy là họ đành để cam rụng, chờ mùa cam sau.
Tuy nông dân không biết bao giờ hết khổ nhưng chắc chắn họ không đầu hàng. Bởi còn nước thì còn tát. Nông dân vẫn còn đất đai, thua keo này họ lại bày keo khác. Nông dân tin họ sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất vì họ không đơn độc. Và Công điện của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ đã lóe lên tia hi vọng cho nông dân. Bởi những chỉ đạo của Thủ tướng về việc rà soát, thống kê thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp; huy động các nguồn lực để hỗ trợ đối với các đối tượng bị thiệt hại đã bước đầu làm an lòng nông dân.
Cùng với đó là sự vào cuộc của ngành Nông nghiêp trong việc cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi, tổ chức sản xuất theo hướng linh hoạt, hiệu quả, thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, nhất là bảo đảm chuỗi cung ứng giống cây trồng, vật nuôi khắc phục hậu quả bão, lũ… đã mở ra cơ hội lớn để nông dân vực dậy sau lũ. Nếu như trong và sau lũ, người nông dân được hỗ trợ kịp thời cái ăn, cái mặc thì giờ đây, họ đang được hỗ trợ giống cây trồng, phân bón để làm lại từ đầu. Họ đang hi vọng về những tốt đẹp ở phía trước bởi trách nhiệm của cơ quan chức năng, bởi nghĩa đồng bào của người Việt Nam.