Còn nơi nào bùng nổ du lịch golf bằng châu Á?
Không chỉ là những cú gạt bóng hoàn hảo, du lịch golf còn gắn liền với việc lưu trú tại điểm đến, phục vụ tệp du khách nghỉ dưỡng, tham quan hoặc công tác.
Theo thống kê từ chuyên trang du lịch Nhật Bản Yamato Gokoro, tính đến 2023, số người chơi golf trên thế giới đạt xấp xỉ 56 triệu người, trong đó có khoảng 26 triệu người ở Mỹ và 8 triệu người ở châu Âu. Những năm gần đây, số lượng golfer tăng nhanh ở châu Á với khoảng 14 triệu người.
So với du khách thông thường, khách du lịch golf ở châu Á chi nhiều hơn khoảng 2,2 lần và có xu hướng ở lại lâu hơn tại các địa điểm. Điều này cho thấy du lịch golf mang lại nguồn thu "khủng" cho điểm đến và nhiều quốc gia đều không muốn bỏ lỡ nguồn khách từ môn thể thao vốn gắn liền với giới thượng lưu này.
Có gì ở sân golf châu Á?
Đối với golfer, địa hình và cảnh quan của sân golf là một trong những yếu tố chính quyết định đến lựa chọn tham gia. Những khu vực có địa hình độc đáo như đồi núi, bãi biển, rừng cây... cũng như khung cảnh đẹp và thời tiết thuận lợi được ưu tiên hơn cả. Các đặc điểm này lại vốn có sẵn ở nhiều sân golf châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á.
▸ Nhật Bản
Xứ sở hoa anh đào là một trong những nước châu Á mở đầu cho ngành du lịch golf. Quốc gia này có gần 2.500 sân golf, nhiều thứ 3 thế giới chỉ sau Mỹ và Anh. Hàng năm, du lịch golf chiếm 6-7% tỷ trọng GDP cả nước, theo Tổ chức Du lịch golf thế giới (IAGTO).
Số lượng khách inbound (quốc tế) đến Nhật Bản không ngừng tăng lên trong những năm gần đây. Phần lớn họ tìm kiếm các sân golf với chất lượng cao và dịch vụ tinh tế. Đặc biệt, du khách từ châu Á dường như bị thu hút bởi vẻ đẹp độc đáo của các sân golf tại Nhật.
Khoảng 70% sân golf ở Nhật Bản có địa hình đồi núi, ngoài ra là các địa hình ven biển, trong rừng...
Một sân golf 18 hố tại Nhật Bản thường có diện tích 450.000-550.000 m2, được quản lý bởi khoảng 7-11 nhân sự. Chi phí vận hành hàng năm của sân bao gồm cả lương cho nhân công ước tính 60 triệu yen. Đối với các sân rộng hơn, có số lượng hố nhiều hơn, chi phí quản lý, bảo dưỡng sân mỗi năm lên đến khoảng trên 100 triệu yen.
Ngoài kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt, các hố golf đa dạng, thách thức, sân golf của Nhật Bản còn sở hữu dịch vụ sang trọng, cung cấp các tiện nghi cao cấp như khách sạn, nhà hàng 5 sao chuẩn quốc tế, spa, tắm suối nước nóng (onsen), trekking và tham quan các điểm du lịch xung quanh,...
Ngày nay, việc áp dụng công nghệ trong quản lý sân golf và trải nghiệm của golfer đang trở thành tiềm năng tăng sự hấp dẫn tại các sân golf Nhật Bản.
Chưa kể việc chính phủ Nhật Bản triển khai nhiều chương trình lịch golf bao gồm các gói tour kết hợp chơi golf và tham quan giúp đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch, thể thao.
▸ Thái Lan
Được mệnh danh "thủ phủ golf châu Á", Thái Lan là một trong những quốc gia dẫn đầu thị trường du lịch golf trong khu vực nhờ cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, giá cả phải chăng và khí hậu thuận lợi.
Theo tờ Thai PBS, giá dịch vụ sân golf ở Thái Lan rẻ hơn so với các nước Đông Nam Á. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp thu hút khách quốc tế đến Thái Lan vừa du lịch và vừa trải nghiệm golf.
Ông Derek McKenzie, tổng giám đốc CLB golf Santiburi Samui, cho biết hiện nay Tây Ban Nha vẫn là quốc gia dẫn đầu về các trung tâm golf, nhưng trong 2-3 năm nữa, Thái Lan sẽ phát triển đến mức vượt Tây Ban Nha nhờ lợi thế du lịch.
Các sân golf tọa lạc tại nhiều điểm du lịch nổi tiếng như Bangkok, Phuket và Chiang Mai đều có tốc trưởng kinh doanh tốt. Chẳng hạn ở tỉnh Phuket, nơi có 6 sân golf, du lịch golf mang lại cho địa phương khoảng 500-600 triệu baht mỗi năm.
Xứ chùa vàng có hơn 250 sân golf, nhiều sân trong số đó đạt đẳng cấp thế giới. khoảng 160 sân golf của khu vực tư nhân được mở cửa cho mục đích thương mại, 40 sân golf khác là của các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp nhà nước.
Đặc biệt, sân golf ở Thái Lan nổi tiếng với dịch vụ chăm sóc khách hàng tận tình và chuyên nghiệp, từ việc chào đón đến hỗ trợ trong suốt quá trình chơi. Nhiều sân golf có nhà hàng, cửa hàng dụng cụ golf, khu vực nghỉ dưỡng hiện đại, cung cấp trải nghiệm toàn diện cho golfer.
Hơn nữa, lợi thế về thời tiết khí hậu nhiệt đới cho phép chơi golf quanh năm. Điều này thu hút nhiều golfer đến du lịch và chơi golf ở Thái Lan bất cứ mùa nào.
Theo thống kê từ Tổ chức Du lịch Thái Lan, golf đóng góp khoảng 8-9% vào tổng thu nhập từ du lịch với khoảng 1,5 triệu lượt golfer quốc tế mỗi năm.
▸ Hàn Quốc
Hiện tại Hàn Quốc có khoảng 500 sân golf và khoảng 3 triệu golfer, trong đó số lượng golfer nữ phát triển mạnh mẽ. Bất chấp đại dịch Covid-19 trong những năm 2020 - 2022, thị trường golf Hàn Quốc vẫn tăng trưởng 16,2% so với thời kỳ trước đại dịch, theo White Paper.
Lee Ho Seung, Giám đốc Văn phòng Chính sách Kinh tế của Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc, nói với Reuters: "Golf khá phổ biến đối với công chúng Hàn Quốc, mặc dù hình ảnh của môn thể thao này mang tính tinh hoa, sang trọng và rất đắt tiền".
Giống như nhiều quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, các sân golf ở Hàn Quốc nổi bật nhờ địa hình tự nhiên. Đất nước này kết hợp golf với các yếu tố du lịch như hồ nước, núi đồi và cây xanh để tạo không gian chơi golf hấp dẫn.
Hàn Quốc cũng là một trong những quốc gia đi đầu và đầu tư nhiều nhất cho công nghệ golf. Các công nghệ hiện tại như tưới tiêu tự động, thiết bị GPS,... giúp duy trì điều kiện sân chơi tốt nhất. Thiết kế hố golf sáng tạo với nhiều chướng ngại vật như bẫy cát và nước, tạo ra nhiều thách thức cho người chơi.
Các sân golf thường có tổ hợp nhà hàng, quầy bar, phòng tập luyện, sân tập putting,... đảm bảo đáp ứng nhiều tiện ích cao cấp cho golfer.
Bên cạnh những thị trường du lịch golf đã thành công kể trên, các địa điểm golf mới cũng đang dần được chú ý, trong đó phải kế đến Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar,...
Tại Việt Nam, theo Tổng cục Thể thao, nước ta có khoảng 80 sân golf 18 hố đang hoạt động, trong đó 32 sân đạt tiêu chuẩn 5 sao gắn liền với khu nghỉ dưỡng sang trọng. Con số 80 dự kiến mở rộng thành 200 sân 18 hố vào năm sau.
Cạnh tranh
Song song với sự phát triển, đường đua du lịch golf tại các nước châu Á cũng đang nóng dần khi điểm đến nào cũng muốn đón nhận dòng khách golfer với mức chi tiêu cao. Bên cạnh việc đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng, mỗi quốc gia đều tận dụng những lợi thế riêng để thu hút du khách.
Sở hữu gần 2.500 sân golf lớn nhỏ, Nhật Bản là quốc gia châu Á có nhiều lợi thế về số lượng sân và tiện ích nhằm phát triển du lịch golf - MICE (du lịch golf kết hợp tổ chức hội nghị, hội thảo).
Trong khi đó, sân golf tại Việt Nam, Thái Lan lại biết khai thác tiềm năng du lịch, chi phí tiết kiệm; còn Hàn Quốc nhắm vào vấn đề cải thiện sức khỏe.
Nhiều quốc gia triển khai các chương trình khuyến mãi và gói tour kết hợp golf với các hoạt động du lịch khác, tạo ra sự hấp dẫn hơn cho du khách. Một số quốc gia như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... thường xuyên tổ chức các giải đầu golf quốc tế, tạo cơ hội cho golfer được trải nghiệm trong môi trường chuyên nghiệp đồng thời quảng bá về ngành du lịch golf của đất nước.
Các dịch vụ được cá nhân hóa, đội ngũ nhân viên song ngữ và các gói du lịch tập trung vào chơi golf đã giúp du khách quốc tế dễ dàng tận hưởng trải nghiệm liền mạch.
Có thể thấy du lịch chơi golf ở Châu Á không chỉ là một xu hướng mà đang trên đà tăng trưởng nhanh của một ngành công nghiệp không khói tiềm năng.
Cảnh quan đa dạng của khu vực, cùng với cơ sở hạ tầng đang phát triển và văn hóa chơi golf đang thay đổi, khiến nơi đây trở thành điểm đến thú vị cho những người chơi golf trên toàn thế giới.