Còn nhiều yếu tố tiềm ẩn tác động đến lạm phát năm 2025

Theo nhận định của Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, vẫn còn nhiều yếu tố tiềm ẩn tác động đến lạm phát năm 2025, nhưng ngoài yếu tố tác động bên ngoài thì còn tiềm ẩn nhiều yếu tố như biến động giá một số mặt hàng thiết yếu, việc điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình.

Mục tiêu lạm phát 4,5% hoàn toàn khả thi

Theo công bố của Tổng cục Thống kê vào ngày hôm qua (6/1) chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2024 tăng 0,29% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 12/2024 tăng 2,94%. CPI bình quân quý IV/2024 tăng 2,87% so với quý IV/2023. Tính chung cả năm 2024, CPI tăng 3,63% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Ảnh tư liệu minh họa.

Ảnh tư liệu minh họa.

Tính chung cả năm 2024, CPI tăng 3,63% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng giá khi giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, thiên tai bão lũ và nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp Lễ, Tết cùng với giá thịt lợn tăng; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng; giá dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế được điều chỉnh tăng theo lương cơ sở.

Đó là hiệu quả từ sự chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo từ Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương với nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát...

Diễn biến CPI qua các năm. Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Diễn biến CPI qua các năm. Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Với kinh nghiệm điều hành giá của Chính phủ trong những năm vừa qua, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Thu Oanh cho rằng, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2025 là 4,5% mà Quốc hội thông qua hoàn toàn có khả thi và sẽ hỗ trợ cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025. Dù vậy, cũng không nên chủ quan bởi theo dự báo của các tổ chức quốc tế, tình hình kinh tế, chính trị của thế giới trong năm 2025 có thể sẽ diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố rủi ro khó lường.

Chính sách thuế quan của Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump trong nhiệm kỳ mới có thể làm xáo trộn các chuỗi cung ứng mà Việt Nam là một mắt xích quan trọng. Nếu Mỹ tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Việt Nam hoặc áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại, chi phí sản xuất của nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng lên. Điều này sẽ tác động đến giá cả hàng hóa trên thị trường, góp phần đẩy lạm phát tăng.

Cụ thể, giá hàng hóa thế giới, đặc biệt là giá nhiên liệu và năng lượng biến động rất khó lường, tiềm ẩn các cú sốc rủi ro cho lạm phát của năm 2025. Hiện nay, xung đột chính trị trên thế giới vẫn leo thang, cạnh tranh thương mại gay gắt ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, chi phí vận chuyển, logistic, từ đó tác động đến giá nhiên liệu.

Ở trong nước, rủi ro về thiên tai, thời tiết bất lợi có thể tác động làm tăng giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương.

Ngoài ra, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì Chính phủ thực hiện các gói kích cầu, hạ mặt bằng lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng, đẩy mạnh đầu tư công, điều này cũng có thể tạo sức ép lên mặt bằng giá nếu nguồn cung tiền không được kiểm soát một cách hợp lý.

Ông Phạm Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá chia sẻ tại họp báo của Bộ Tài chính. Ảnh: Đức Minh.

Ông Phạm Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá chia sẻ tại họp báo của Bộ Tài chính. Ảnh: Đức Minh.

Vẫn tiềm ẩn những yếu tố tác động làm tăng CPI

Chia sẻ tại buổi họp báo cuối năm của Bộ Tài chính được tổ chức chiều 7/1, ông Phạm Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá nhận định, CPI năm 2024 tăng 3,63% là một thành công lớn.

Với vai trò thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, trong quá trình thực hiện điều tiết giá nói chung, Bộ Tài chính nhận thấy năm 2024 có những thành công nhưng trong năm 2025 vẫn tiềm ẩn những yếu tố tác động làm tăng CPI và ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát mà Quốc hội và Chính phủ đề ra là 4,5%.

Ông Phạm Văn Bình cho rằng, có nhiều yếu tố tiềm ẩn tác động đến lạm phát năm 2025, nhưng ngoài yếu tố tác động bên ngoài thì còn tiềm ẩn nhiều yếu tố như biến động giá một số mặt hàng thiết yếu, việc điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình.

Vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị 05/CT-BTC tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, trong đó có một số biện pháp quản lý điều hành giá trong 2025 nhất là dịp Tết Nguyên đán, nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

Cục Quản lý giá đã tổ chức họp Tổ giúp việc và thời gian tới Ban Chỉ đạo điều hành giá sẽ họp để đưa ra kịch bản điều hành giá cho năm 2025.

Theo ông Phạm Văn Bình, năm 2025, để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, cơ quan quản lý tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật; chủ động kịch bản điều hành với từng nhóm mặt hàng, nhất là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Bên cạnh đó, trên cơ sở nắm bắt thông tin thị trường, cung cầu hàng hóa, để lên các kịch bản điều hành phù hợp cho cả năm./.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý tiếp tục sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ quản lý, điều hành, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường nhất là trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Đồng thời, tăng cường thông tin tuyên truyền, tránh lạm phát kỳ vọng.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/con-nhieu-yeu-to-tiem-an-tac-dong-den-lam-phat-nam-2025-168156.html
Zalo