Còn nhiều vấn đề cần tiếp tục làm rõ về cải cách tiền lương

Cuối phiên họp sáng 17-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe trình bày các tờ trình, báo cáo về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội và cho ý kiến về vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội

"Hiện chưa có đầy đủ căn cứ để đề xuất liệu năm 2026 có điều chỉnh lương và trợ cấp hay không, điều chỉnh như thế nào. Chính phủ xin báo cáo sau", Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ.

Nêu quan điểm thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội cho rằng, nội dung cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang còn thiếu nhiều số liệu như số lượng cán bộ, công chức, viên chức theo từng cấp, từng khu vực, theo địa phương… tương ứng với số kinh phí chi trả tiền lương để có đánh giá tổng thể, thực chất về tỷ trọng chi tiền lương trong tổng chi ngân sách nhà nước một cách chính xác.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp

Bên cạnh đó, qua thực tế tiếp xúc cử tri, khảo sát tại một số địa phương, phản ánh của cử tri, phương tiện thông tin đại chúng, có thể nhận diện những khó khăn nhất định, ông Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ.

Chẳng hạn, việc chi trả phần tăng thêm sau khi điều chỉnh mức lương cơ sở (tăng lên 2.340.000 đồng) ở một số địa phương, cơ quan còn chậm. Một số nơi phải tạm ứng, “vay” từ nguồn khác để chi trả lương khi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở. Kinh phí thực hiện điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng theo Nghị định số 77/2024/NĐ-CP ngày 1-7-2024 của Chính phủ chưa được cấp có thẩm quyền bổ sung dự toán năm 2024 kịp thời khiến người có công với cách mạng tâm tư, phản ánh tại các cuộc tiếp xúc cử tri.

Cùng với đó, trong quá trình thực hiện cải cách tiền lương, nhất là trong đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện tự chủ tài chính, có một số bất hợp lý phát sinh trong thực hiện chế độ tiền lương đối với một số đối tượng, ngành nghề (viên chức ngành giáo dục, y tế...), đề nghị có báo cáo rõ về kết quả giải quyết việc này.

Một số đơn vị chậm thực hiện chi trả theo chế độ tiền lương mới nên việc đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cũng bị ảnh hưởng nhất định. Bên cạnh đó, một số đối tượng không phải là đối tượng thuộc khu vực công nhưng lại bị tác động bởi chính sách này (do ảnh hưởng của việc tăng mức đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện).

 Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Về nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương, Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội đề nghị Chính phủ làm rõ số kinh phí tích lũy để thực hiện chế độ tiền lương và tổng số kinh phí đã chi từ các nguồn để thực hiện chế độ tiền lương đến thời điểm 31-12-2024 để có thể đánh giá được tổng thể.

Về hoàn thiện cơ chế chính sách đặc thù về tiền lương đối với cơ quan, đơn vị đang được áp dụng cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù, Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội chia sẻ với những khó khăn của Chính phủ trong bối cảnh các bộ, ngành đang khẩn trương sắp xếp lại tổ chức, bộ máy và có 26/34 cơ quan, đơn vị, chiếm 76,5% số cơ quan, đơn vị đang áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù phải thực hiện sáp nhập, chia tách hoặc tổ chức lại. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn cần báo cáo rõ hơn về việc thực hiện nội dung này trên thực tế.

Đối với đối tượng bảo trợ xã hội, Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội đề nghị Chính phủ làm rõ với số liệu và kết quả đạt được trong việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội, đánh giá mức trợ cấp và mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng để thấy được sự phù hợp. Đồng thời, cần định kỳ rà soát, xem xét nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội để từng bước tiệm cận và tiến tới có thể bảo đảm mức sống tối thiểu cho người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội đặc thù này và sớm thực hiện chính sách trợ cấp xã hội cho hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/con-nhieu-van-de-can-tiep-tuc-lam-ro-ve-cai-cach-tien-luong-post791052.html
Zalo