Con gái NSND Thụy Vân tiết lộ cảnh quay đốt 10 ngón tay trong phim 'Nổi gió'

Hình ảnh chiến sĩ tên Vân kiên trung, vượt lên nghịch cảnh trong 'Nổi gió' đã trở thành hình ảnh kinh điển về hình tượng người phụ nữ trong chiến tranh.

Nổi gió của đạo diễn Huy Thành vừa xuất hiện trong chương trình Cine7 - Ký ức phim Việt phát trên VTV. Đây là tác phẩm đầu tiên của điện ảnh cách mạng nói về chiến tranh với bối cảnh miền Nam. Được chuyển thể từ vở kịch cùng tên của Đào Hồng Cẩm, phim khắc họa vấn đề thời sự cuối những năm 1960. Trong phim, Phương (do NSND Thế Anh đóng) gặp lại chị gái Vân (do NSND Thụy Vân đóng) là chiến sĩ trong đội ngũ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam sau nhiều năm xa cách.

Sự thật ám ảnh cảnh quay một lần duy nhất

Không chỉ hấp dẫn bởi sự kịch tính và lựa chọn khắc nghiệt của những người con, Nổi gió còn gây ấn tượng mạnh bởi khả năng khắc họa hình tượng người phụ nữ trong chiến tranh. Vân - người chiến sĩ cách mạng hứng chịu nỗi đau đến điên dại: mất gia đình, em trai và người con trai 3 tuổi trong tù nhưng cô vẫn vượt qua và dùng vỏ bọc người điên để hoạt động cách mạng trong tù. Theo nhà phê bình điện ảnh Ngô Phương Lan, với điều này, Nổi gió đã thể hiện rõ nét một yếu tố đặc sắc của “tính nữ” trong điện ảnh Việt.

TS Ngô Anh Đào, con gái NSND Thụy Vân kể những câu chuyện về mẹ trong ‘Nổi gió’.

TS Ngô Anh Đào, con gái NSND Thụy Vân kể những câu chuyện về mẹ trong ‘Nổi gió’.

Bức ảnh kỷ niệm của cố NSND Thụy Vân với Bác Hồ nhân dịp nghệ sĩ được vào Phủ Chủ tịch chiếu phim ‘Nổi gió’.

Bức ảnh kỷ niệm của cố NSND Thụy Vân với Bác Hồ nhân dịp nghệ sĩ được vào Phủ Chủ tịch chiếu phim ‘Nổi gió’.

Mặc dù sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, cố NSND Thụy Vân đã hóa thân xuất sắc vào vai người phụ nữ Bến Tre trong Nổi gió. NSND Thụy Vân tự đóng hàng loạt cảnh bị đánh đập, tra tấn. Một trong những cảnh quay gây ám ảnh nhất là khi nhân vật bị quấn băng gạc tẩm cồn vào 10 đầu ngón tay rồi châm lửa đốt. Trước ngọn lửa cháy rực trên hai bàn tay, ánh mắt cương nghị, gương mặt không chút biến sắc của Thụy Vân khiến quân thù sợ hãi.

Trích đoạn cảnh quay đốt 10 ngón tay trong phim:

Chia sẻ về cảnh quay này, TS Ngô Anh Đào - con gái của cố NSND Thụy Vân cho biết mẹ bà phải quấn một lớp gạc vào 10 đầu ngón tay rồi chồng lên một lớp thạch cao, ngoài cùng là lớp bông tẩm dầu và châm lửa đốt. “Khi tôi hỏi mẹ có sợ không, chứ con trông nguy hiểm lắm, mẹ chỉ đáp: ‘'Không. Trong khoảnh khắc đó, mẹ là chị Vân chứ không là mẹ nữa'', con gái NSND Thụy Vân chia sẻ.

Bối cảnh miền Tây sông nước “ra đời” tại Hải Phòng

Bộ phim được sản xuất năm 1966, khi chiến tranh diễn ra khốc liệt. Mặc dù khắc họa cuộc chiến của đồng bào miền Nam nhưng đoàn phim phải quay tại bối cảnh của nông trường Quý Cao tại Hải Phòng - nơi tập trung đông đảo đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc. Chính bà con tại đây góp sức làm nên bối cảnh miền Tây sông nước từ tái tạo kênh rạch, nhà lá từng bộ ấm chén trong nhà đến làm cầu khỉ… Nhờ thế, một bối cảnh Bến Tre đậm chất miền Tây ra đời ngay tại Hải Phòng.

Cố NSND Thế Anh trong phim ‘Nổi gió’ từng làm khán giả say mê.

Cố NSND Thế Anh trong phim ‘Nổi gió’ từng làm khán giả say mê.

Vợ cố nghệ sĩ chia sẻ về thời điểm NSND Thế Anh nhận vai Phương: “Bộ phim đã quay mà nhân vật Trung úy Phương là người khác đóng. Dù đã được chụp hình nhưng mãi đến khi thử phục trang quân ngụy, đạo diễn Huy Thành và cả đoàn phim mới thấy đây mới là Trung úy Phương”.

Vợ cố nghệ sĩ chia sẻ về cách NSND Thế Anh trở thành “nam thần trong mộng” của khán giả:

Với những nỗ lực hết mình của dàn diễn viên tên tuổi gồm NSND Thụy Vân, NSND Thế Anh, Lâm Tới…, nhân vật Vân và Trung úy Phương trở thành những vai diễn để đời trong lòng nhiều thế hệ khán giả. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, Nổi gió vẫn được đánh giá truyền cảm hứng và tinh thần cho công cuộc giải phóng miền Nam năm 1975. Phim giành giải Bông Sen Vàng cho hạng mục Phim truyện nhựa tại Liên hoan phim Việt Nam lần đầu tiên.

Thanh Trúc

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/con-gai-nsnd-thuy-van-tiet-lo-su-that-dang-sau-canh-quay-trong-phim-noi-gio-2390613.html
Zalo