Con đường gốm sứ 'kỷ lục' ở Hà Nội xuống cấp, nhếch nhác
Con đường gốm sứ là công trình nghệ thuật được Tổ chức kỷ lục Guinness công nhận là bức tranh gốm dài nhất thế giới (gần 4 km), đang xuống cấp và nhếch nhác do rác thải và nạn phóng uế bừa bãi.
Con đường gốm sứ ven sông Hồng đi qua hai quận Hoàn Kiếm và Tây Hồ, từng là niềm tự hào của Hà Nội, một biểu tượng nghệ thuật gắn liền với đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Sau 15 năm, công trình nghệ thuật này đang dần mất đi vẻ rực rỡ, thay vào đó là sự xuống cấp, nhếch nhác...
Ghi nhận của phóng viên, nhiều đoạn bích họa của công trình bị bong tróc, phồng rộp, có đoạn bị mất hẳn, để lộ nền xi măng và gạch đỏ phía sau. Một số đoạn vỉa hè ngổn ngang rác thải sinh hoạt, bao phế thải… và mùi xú uế nồng nặc bởi những người thiếu ý thức phóng uế bừa bãi.

Con đường gốm sứ có diện tích 6.950 m2, dài gần 4 km, được khởi công từ năm 2008, hoàn thiện vào tháng 10/2010, với kinh phí 65 tỷ đồng.

Đoạn bích họa bằng gốm sứ (đầu phố Cầu Đất giao đường Vành đai 1) xuống cấp, nhếch nhác, ngập rác, phế thải...

Dọc công trình, nhiều đoạn bích họa bong tróc, để lộ nền xi măng và gạch đỏ.

Bức tranh gốm sứ hư hỏng, nhếch nhác, gây mất mỹ quan.


Những mảng gốm sứ bong tróc, chưa được thu gom, tiềm ẩn nguy hiểm cho người đi bộ.
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuống cấp như kỹ thuật, thời tiết, ảnh hưởng của lưu lượng phương tiện tham gia giao thông... Các bức tranh gốm được gắn trên 2 bức tường ghép vào nhau, phía dưới là tường bằng bê tông chắn đê trước đó, ở trên là bức tường bằng gạch xây bổ sung trong quá trình ghép tranh. Giữa hai bức tường chỉ gắn kết bằng mạch vữa không có trụ, cột, vì thế việc xảy ra rạn nứt là tất yếu...
Sự xuống cấp của con đường gốm sứ không đơn thuần là vấn đề mỹ quan đô thị mà còn phản ánh một thực tr trong cách bảo vệ các công trình nghệ thuật công cộng. Dù công trình đã từng được tu sửa vào năm 2015 và 2017, song việc thiếu cơ chế quản lý và bảo trì thường xuyên khiến con đường gốm sứ nhanh chóng xuống cấp, nhếch nhác trở lại...
Một người dân thường xuyên đứng chờ xe buýt tại đây chia sẻ: "Con đường gốm sứ từng là niềm tự hào của những người dân sống ngoài đê sông Hồng. Khi bắt đầu xây dựng công trình năm 2008, các nghệ nhân đóng góp chất xám và công sức, còn người dân cũng là chỗ dựa tinh thần, hỗ trợ rất nhiều. Nay công trình hưng hỏng, nhếch nhác... thật đáng tiếc".

Nhiều điểm bích họa gốm sứ bị ám đen, bốc mùi xú uế...

Nhiều điểm "chân rác" tự phát trên con đường gốm sứ gây mất vệ sinh môi trường, mất mỹ quan đô thị.

Bức tranh gốm sứ nghệ thuật bị che khuất bởi hàng hóa, quán nước tự phát trên vỉa hè.

Lần gần nhất con đường gốm sứ được trùng tu là vào năm 2017 với kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng do Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội làm chủ đầu tư.
Theo khảo sát của phóng viên, đa phần người dân sống dọc theo con đường gốm sứ đều bày tỏ mong muốn các cơ quan có thẩm quyền, chính quyền địa phương có biện pháp duy tu, cải tạo kịp thời và hiệu quả hơn để con đường gốm sứ trở lại với vẻ đẹp ban đầu; bên cạnh đó, cần "mạnh tay" xử lý các trường hợp đổ trộm rác thải, phế thải, đốt lửa, phóng uế bừa bãi... để bảo vệ công trình nghệ thuật công cộng này.