Con đường chuyển hóa: Những bài học quý giá từ thầy Thích Pháp Hòa

Nếu quyển 'Chia sẻ từ trái tim' chỉ ra con đường giúp chúng ta tìm được an lạc nội tâm, thì 'Con đường chuyển hóa' của Thầy Thích Pháp Hòa lại đi sâu vào giảng pháp, phân tích các bài kinh, đoạn kệ giúp chúng ta ngộ ra cách chuyển hóa thân tâm, để có đủ khả năng chế tác hạnh phúc cho chính mình và những người chung quanh.

Để tránh khổ, thoát khổ

Đi sâu vào giảng pháp, nhưng vẫn là một phong cách kể chuyện, tâm tình rất “Thích Pháp Hòa”: chân phương, mộc mạc, hóm hĩnh, lôi cuốn, đạo mà rất đời, dễ nghe, dễ thấm. Đặc biệt, “Con đường chuyển hóa” còn cho thấy cái nhìn dung thông của Thầy Thích Pháp Hòa về các pháp tu. Thầy luôn trở về với Phật giáo nguyên thủy để cho thấy không có sự phân biệt giữa Thiền và Tịnh Độ, giữa Tiểu thừa và Đại thừa. Rằng, tất cả các pháp trong Phật giáo dung hợp lại cũng chỉ là một pháp: chỉ ra con đường giải thoát. Kiểu như tu sao cũng được, miễn có chánh niệm, siêng năng theo con đường Phật đã giác ngộ, đã chỉ ra.

Quyển sách bắt đầu với bài giảng kinh “Chánh tri kiến”. Tức là thấy biết các điều thiện và bất thiện để làm và để tránh - một trong những cách tu sửa bản thân rất cụ thể. Theo Thầy Pháp Hòa, có mười điều bất thiện: sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lưỡi hai chiều, nói lời thô ác, nói lời phù phiếm, tham, sân, và tà kiến. Thân, khẩu, ý, ba nghiệp này tạo ra mười điều bất thiện. Cái gốc của những điều bất thiện là tham, sân, si nhưng thật ra đều từ si (là không biết rõ, là thấy sai, là vô minh). Vì vậy, phải có chánh tri kiến để thấy được điều thiện, điều bất thiện, nguồn gốc của thiện và bất thiện để đoạn trừ nguồn gốc của bất thiện, để tránh khổ, thoát khổ.

Cứ thế, Thầy Thích Pháp Hòa dẫn dắt người đọc đến con đường chân chánh của đạo đưa con người đến chỗ an vui, giải thoát. Đó là bát chánh đạo (chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh định, chánh tinh tấn và chánh niệm).

Hiểu thì không khó. Thực hành mới gian nan. Nên Thầy Thích Pháp Hòa “kể” những câu chuyện dung dị, thực tế để mọi người dễ thực hành. Như phải mưu sinh chân chánh, điều thiện nhỏ vẫn làm, nói nhiều không bằng nói đúng, phải biết định tĩnh, phải có chánh niệm (khả năng sống với những gì đang xảy ra trong phút giây hiện tại) trong mọi việc làm (biết mình đang ở đâu, đang làm gì… chứ không phải ngồi làm việc này mà trí óc “chạy chơi” chỗ khác)…

Và Thầy tóm lại: mục đích tối hậu của đệ tử Phật là thấy rõ những cái xấu, dở nơi mình để mình chuyển hóa những cái đó, như vậy gọi là tu. Ai cũng có những cái xấu cần chuyển hóa. Còn với những cái thiện đã có, mình phải làm cho nó tăng trưởng. Đạo Phật chỉ cho mình cách sống như thế nào mà không làm mình khổ, không làm người khổ và xã hội an ổn.

Ai cũng có một góc trời riêng

Thầy Thích Pháp Hòa đã giảng về cõi tịnh độ thật gần gũi như vầy: “Bây giờ Pháp Hòa thưa với đại chúng như vầy, có phải tất cả quí vị ngồi đây đều có Tịnh độ của mình không? Những lúc ngồi tĩnh lặng, mình cũng có sự bình an của riêng mình chứ, phải không? Ai cũng có một góc trời riêng hết…”

Để dễ “nhận diện” Tịnh độ của mình, Thầy Thích Pháp Hòa dùng hình ảnh “lòng mình là tịnh độ”. Thầy giải thích: Nói đến pháp môn Tịnh Độ, điều chính yếu của Phật pháp là trị tâm vọng tưởng. Con người mình tưởng nhiều lắm. Ai đó chỉ cần nói đến một vấn đề gì thôi là mình bắt đầu tưởng tượng đủ thứ hết. Cho nên, đa số suy nghĩ của mình là vọng tưởng chứ không thật… Mình phiền muộn là do mình suy tư đủ thứ… Cho nên bây giờ mình tu để tâm mình tịnh lại.

Theo pháp môn Tịnh độ, tịnh là lắng, lắng cho sạch, còn độ là quốc độ. Nếu nói về cõi giới thì có một cõi giới, một quốc độ tên là Tịnh độ. Nhưng nếu nói về lý thì lòng mình là Tịnh độ. Mình trở về với Tịnh độ của mình. Thầy giải thích thêm, cõi lòng tức là nơi chốn của tâm, và cõi tâm của mình phải tương đồng với cõi Tịnh độ. Hễ lòng mình thanh tịnh thì đó là cõi Tịnh độ của Phật. Lấy ví dụ đơn giản, mình giận ai đó, rồi bữa nào hết giận là cõi lòng mình tự nhiên nhẹ liền; hoặc có một việc khiến mình lo lắng, căng thẳng lắm, nhưng khi việc đó được thu xếp ổn thỏa, mình thở phào, lúc đó mình thấy ngay Tịnh độ.

Cho nên, Tịnh độ vốn có sẵn nơi chân tâm mình, và Di Đà vốn là tự tánh của mình. Tịnh độ hay Di Đà đều từ trong cõi tâm của mình.

Theo Thầy Thích Pháp Hòa, đã tu tập là phải đi đến chỗ tự tại và giải thoát. Nếu mình không thoát được cái đó tức là mình còn chấp. Chấp là gì? Là phiền não. Mà đã phiền não thì không có Tịnh độ. Tịnh độ là cõi sạch. Ai cũng muốn về Tịnh độ sau khi chết, nhưng ngay trong đời sống mình cũng chưa có Tịnh độ, chuyện gì mình cũng giận, cũng phiền não được hết. Vậy thì mình và cõi Tịnh độ đâu có tương đồng? Thầy nhắc: Nếu cõi lòng không an thì mình làm sao có cõi Phật, có cõi Tịnh độ? Chính vì vậy mà Đạo Phật mang đến cho mình pháp tu, để thanh lọc cõi lòng.

Những điều Thầy Thích Pháp Hòa đúc rút rất đáng để chúng ta chiêm nghiệm: Khi học Phật, chúng ta phải hiểu chủ đích của đạo Phật là hướng dẫn chúng ta quay về bên trong, bởi chỉ khi quay về bên trong, chúng ta mới bình an được. Chúng ta đến với đạo không phải vì niềm tin thuần túy. Phải có niềm tin, nhưng chúng ta không tin Phật như một vị thánh mà tin Phật như một bậc giác ngộ, một bậc tỉnh thức, và lời dạy của Ngài sẽ dẫn mình đi tới tỉnh thức, giác ngộ.

Càng đọc, có lẽ chúng ta sẽ càng thấm những điều Thầy Thích Pháp Hòa muốn gởi gắm: Chúng ta tu là để có đủ khả năng chế tác hạnh phúc. Chúng ta tu là để trở thành chính mình, tìm về Tịnh độ ngay bên trong mình.

First News - Trí Việt

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/van-hoc/con-duong-chuyen-hoa-nhung-bai-hoc-quy-gia-tu-thay-thich-phap-hoa-post1139790.vov
Zalo