Con dâu vô sinh, mẹ chồng có quyền yêu cầu hủy kết hôn không?

Người con dâu biết mình bị vô sinh từ trước khi cưới nhưng không cho gia đình chồng biết. Liệu mẹ chồng có quyền yêu cầu Tòa án hủy đăng ký kết hôn.

Tình huống của bạn đọc N.T.V: Vợ tôi biết mình bị vô sinh trước khi cưới, nhưng vẫn kết hôn với tôi (khi đó tôi không biết). Đến nay, mẹ tôi biết được sự việc và muốn ra Tòa án hủy kết hôn.

Vậy tôi muốn hỏi: Mẹ tôi có quyền yêu cầu hủy kết hôn không?

Luật sư Hoàng Văn Hà – giám đốc công ty luật ARC Hà Nội.

Luật sư Hoàng Văn Hà – giám đốc công ty luật ARC Hà Nội.

Luật sư Hoàng Văn Hà – giám đốc công ty luật ARC Hà Nội, phúc đáp như sau:

Tự nguyện là một trong những nguyên tắc quan trọng trong việc kết hôn và duy trì hạnh phúc của hôn nhân và gia đình. Vì vậy, các hành vi lừa dối kết hôn – tức là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch và dẫn đến việc đồng ý kết hôn; nếu không có hành vi này thì bên bị lừa dối đã không đồng ý kết hôn, là những hành vi bị cấm và không được pháp luật công nhận. Trường hợp này, các cá nhân, tổ chức có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, cụ thể:

“Điều 10. Người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật

1. Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Luật này (Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định).

2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này:

a) Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.

Như vậy, đối với trường hợp kết hôn do bị lừa dối, thì chỉ có người bị lừa dối có quyền yêu cầu độc lập Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp. Trường hợp những cá nhân, tổ chức khác quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quyền yêu Tòa án tuyên bố hủy việc kết hôn trái pháp luật, khi có đề nghị của người bị lừa dối kết hôn.

Như vậy, với trường hợp của anh V., mẹ chồng không có quyền yêu cầu Tòa án hủy đăng ký kết hôn của vợ chồng anh nếu không có đề nghị của chính bản thân anh.

Giải đáp thắc mắc, tư vấn pháp luật miễn phí: 0941.645.680

Hoặc gửi về email: toasoan.phunuphapluat@gmail.com

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/con-dau-vo-sinh-me-chong-co-quyen-yeu-cau-huy-ket-hon-khong-9210.html
Zalo