Con chim dương nga và sự hy sinh của mẹ
Trong vở cải lương Nguyệt khuyết dựa theo kịch bản Nắng hoàng hôn của tác giả Linh Quân, do soạn giả Lê Nam Bình chuyển thể cải lương, nhân vật bà Xinh đã từ chối tình cảm của ông Tư, vốn là người giúp việc của gia đình: 'Còn gì nữa mà chú cho là không muộn. Chú Tư ơi, tôi đã trót làm thân chim dương nga hy sinh cuộc sống, mổ thịt mình nuôi con trẻ lớn khôn, mai nay đây chỉ còn lại xương tàn cốt rũ…'. Đó là sự giằng xé nội tâm của bà Xinh khi buộc phải hy sinh cho các con mà không đón nhận tình cảm của ông Tư, dù hai người đã gắn bó, hiểu nhau và yêu thương nhau trong suốt nhiều năm…
Trong vở Tuyệt tình ca nổi tiếng của hai soạn giả Hoa Phượng và Ngọc Điệp, nhân vật bà Lê Thị Lan đã nhắc lại câu nói của người chồng khi gặp lại nhau sau 20 năm xa cách: “Ba con An có nhớ không, khi thấy tôi cực khổ, mình thường ví tôi như loài chim dương nga…”. Nhân vật ông cò Hương đã xúc động đáp: “Phải, mình chính là con chim dương nga ở vùng băng tuyết, sanh con ra đời lúc trời mới vào đông. Chim trống đã cất cánh bay xa vào nơi sương gió mịt mùng, chim mái ở vậy nuôi con cho tròn phận mẹ. Mặt đất trải giá băng, thức ăn không có, chim mẹ phải mổ thịt mình mà nuôi dưỡng các con, rồi mòn mỏi chết đi vì kiệt sức. Trong khi đàn con vẫn còn tiếp tục sống bằng xương, bằng thịt của mẹ hiền. Mùa đông tàn, dương nga con cũng vừa lớn, nối cánh bay cao. Mình ơi, mình là hình ảnh con dương nga cao đẹp…”. Trong câu chuyện này, bà Lan đã một mình nuôi hai con trong điều kiện vô cùng ngặt nghèo khi người chồng đã trở về với người vợ lớn và giữa thời chiến loạn…
Dương nga là một loài chim thuộc họ thiên nga. Dù không phổ biến ở nước ta nhưng qua hình tượng văn học nghệ thuật, chim dương nga trở thành biểu tượng của người mẹ hy sinh cho con của mình và đã trở nên quen thuộc.
Trong thế giới động vật hay trong xã hội loài người, gần như người mẹ nào cũng hết dạ lo lắng, chăm sóc và sẵn sàng hy sinh cho con của mình. Với loài vật, chúng ta thật khó biết đó là bản năng hay tình thương, nhưng với con người, thì rõ ràng đó là tình yêu vô bờ của người mẹ.
Bởi vậy, người Việt có đúc kết: “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”; “Lên non mới biết non cao/ Nuôi con mới biết công lao mẹ hiền”… Nếu chịu khó liệt kê, chúng ta sẽ có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ nói về mẹ với lòng biết ơn và yêu thương sâu sắc. Trong bài thơ Đồng dao trước hoàng hôn, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn đã có những câu được nhiều người nhớ đến: “Thêm một người quả đất sẽ chật hơn/ Nhưng thiếu mẹ thế giới đầy nước mắt”… Nói về mẹ, viết về mẹ thì có biết bao lời, và dù thế nào cũng không diễn tả được hết tình yêu của mẹ!
Gần như bất kỳ người mẹ nào cũng có thể trở thành một con chim dương nga rứt thịt nuôi con, bởi gần như bất kỳ người mẹ nào cũng thương con bằng tình thương bao la và hoàn toàn vô điều kiện. Và chỉ có duy nhất mẹ mà thôi!