Con cái trở thành 'mặt hàng xa xỉ' ở Mỹ
Ngày càng nhiều người Mỹ từ chối sinh con và gánh nặng tài chính không phải lý do duy nhất. Kỳ vọng xã hội và áp lực đánh đổi cuộc sống cá nhân đang khiến họ chùn bước.
Lớn lên ở vùng nông thôn Michigan, Nina Job đã làm quen với bạn bè và hòa nhập cộng đồng của mình theo một "lộ trình truyền thống".
"Điều đó có nghĩa tôi được kỳ vọng sẽ đi học đại học, kết hôn, có từ 2 đứa con trở lên, bạn biết đấy, sẽ là một mái ấm hạnh phúc với hàng rào trắng bao quanh nhà, kiểu vậy!", cô chia sẻ với CNBC Make It.
Nhưng việc chuyển đến New York đã mang lại cho Job một góc nhìn mới. "Tôi nhớ hồi 20 tuổi, tôi đã rất ngạc nhiên khi gặp những người độc thân lớn tuổi hơn nhiều so với những người thường thấy ở quê nhà, nhưng họ vẫn hạnh phúc".
Người phụ nữ 36 tuổi này cho biết những kiểu gia đình khác nhau mà cô gặp đã giúp "khai mở về việc chúng ta có thể có nhiều lối sống khác nhau và những hình mẫu gia đình không theo truyền thống".
Hiện tại, Job là một phần trong xu hướng ngày càng nhiều người Mỹ lựa chọn sống cuộc sống không con cái. Tỷ lệ sinh của xứ cờ hoa đã giảm xuống mức thấp kỷ lục là khoảng 1,6 ca sinh trên một phụ nữ vào năm 2023, theo Trung tâm Thống kê Y tế Quốc gia.
Trẻ em thành "mặt hàng xa xỉ"
Xã hội cần duy trì tỷ lệ sinh khoảng 2,1 ca sinh trên một phụ nữ để duy trì dân số, nói cách khác là để đảm bảo duy trì lực lượng lao động. Ít trẻ sơ sinh có nghĩa là ít công nhân hơn, ít người nộp thuế hơn và do đó nền kinh tế sẽ suy thoái.
Những thay đổi nhân khẩu học ngày nay trở thành báo động cho các nhà kinh tế, cũng như một số chính trị gia và nhân vật công chúng, những người coi sự suy giảm này là dấu hiệu của sự suy đồi đạo đức. Không muốn có con là "một kiểu sống ích kỷ", Đức Giáo hoàng tuyên bố vào năm 2022.
Tuy nhiên, lý do khiến nhiều người Mỹ nói "không" với việc làm cha mẹ phức tạp hơn vẻ bề ngoài của chúng. Trở thành cha mẹ rất tốn kém, nhưng tiền không phải là lý do số 1 được đưa ra để họ từ chối sinh con.
Trong nhiều trường hợp, người Mỹ chỉ đơn giản là có nhiều lựa chọn hơn và nhận ra rằng họ có thể theo đuổi hạnh phúc theo những cách khác.
"Tôi nghĩ mình chỉ được nuôi dạy theo kiểu 'Thành công trông như thế này', và đó là cách thiết lập gia đình truyền thống. Việc có thể đến thành phố lớn và chứng kiến thành công theo cả nghìn cách khác nhau khiến tôi nhận ra mình có thể đạt được chúng", Job nói.
Thực tế, nhiều người Mỹ muốn có con. Một cuộc khảo sát của Pew Research năm 2023 cho thấy hơn một nửa số người lớn trong khoảng 18-34 tuổi không sinh con cho biết họ muốn có con. Tuy nhiên, phản hồi không phân chia đều theo giới tính: 57% nam giới cho biết họ muốn có con, nhưng chỉ có 45% phụ nữ muốn.
Đối với những người muốn có con nhưng cuối cùng lại trì hoãn hoặc thậm chí từ bỏ việc làm cha mẹ, một câu chuyện phổ biến là nuôi con quá tốn kém. Có lẽ trẻ sơ sinh đã trở thành một "mặt hàng xa xỉ", một bài báo trên tạp chí Vogue năm 2023 nhận định.
Nuôi con ở Mỹ đặc biệt tốn kém và các gia đình không thể trông chờ nhiều vào sự giúp đỡ từ chính phủ.
"Hệ thống phúc lợi của Mỹ hào phóng đối với người già, nhưng lại khá keo kiệt đối với trẻ em. So sánh Mỹ với gần 40 quốc gia khác trong OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ chi ít hơn cho mỗi trẻ em tính theo tỷ lệ phần trăm GDP của họ", podcast Planet Money của NPR gần đây đã đưa tin.
Mỹ nổi tiếng là quốc gia giàu có duy nhất không yêu cầu bất kỳ chế độ nghỉ phép có lương nào dành cho cha mẹ. Theo Planet Money, ở đây chỉ có khoảng 1/4 số người lao động Mỹ, bất kể giới tính, có thể tiếp cận chế độ nghỉ có lương này.
Việc làm cha mẹ ở Mỹ thậm chí ngày càng đắt đỏ hơn trong vài thập kỷ qua. Giá nhà trẻ và trường mẫu giáo tăng vọt khoảng 263% từ năm 1991 đến năm 2024, theo phân tích của KPMG về dữ liệu của Cục Thống kê Lao động.
Tổng chi phí ước tính để nuôi một đứa trẻ vào năm 2023 từ khi sinh ra đến 18 tuổi là hơn 330.000 USD, theo phân tích của Northwestern Mutual.
Tuy nhiên, Pew phát hiện có 36% người trưởng thành không có con dưới 50 tuổi cho biết họ không đủ khả năng nuôi con. Thậm chí còn có 12% người lớn trên 50 tuổi không có con cho biết khả năng chi trả là yếu tố quyết định.
Tiền bạc không phải vấn đề duy nhất
Trong số những người dưới 50 tuổi nói rằng họ không có khả năng sinh con, 57% cho biết đơn thuần chỉ là họ không muốn sinh con. Những lý do chính khác khiến họ không có con cái bao gồm muốn tập trung vào những việc khác (44%) và lo ngại về tình hình thế giới (38%).
Những con số trên tương đối khác so với nhóm lớn tuổi hơn. Trong số những người trên 50 tuổi không có con, 31% cho biết họ không bao giờ muốn có con, theo Pew.
Một nguyên nhân lớn dẫn đến tỷ lệ sinh giảm ở Mỹ là do tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn giảm (giảm khoảng 15% từ năm 2010 đến năm 2019, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh). Nói cách khác, nhiều người không muốn làm cha mẹ có thể tránh được điều đó nhờ vào những tiến bộ trong công nghệ tránh thai và sinh sản.
Và một nghiên cứu riêng của Pew cho thấy ngày càng có nhiều người trưởng thành dưới 50 tuổi nói rằng họ không bao giờ có ý định sinh con. Nhóm này tăng từ 37% vào năm 2018 lên 47% vào năm 2023.
Nếu chi phí không phải là vấn đề quyết định, tại sao những người Mỹ trẻ tuổi lại không muốn có con nhiều như cha mẹ họ? Đối với nhiều người, đó là vì nhu cầu và yêu cầu của việc làm cha mẹ đã thay đổi.
Callie Freitag (33 tuổi) sống tại Madison, Wisconsin, nơi cô làm việc với tư cách là nhà nghiên cứu chính sách công, nhà nhân khẩu học và trợ lý giáo sư tại Đại học Wisconsin. Cô và bạn đời đã đi đến quyết định không sinh con vì "cả hai đều không muốn chịu trách nhiệm chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ".
"Chúng tôi muốn dành thời gian, năng lượng và nguồn lực của mình theo những cách khác. Chúng tôi thích làm dì, làm chú, nhưng không muốn phải túc trực trông con 24/7", cô nói.
Mục tiêu của cô là tiếp tục xây dựng sự nghiệp, đi du lịch và tham gia vào cộng đồng của mình. Cô thừa nhận rằng những điều đó có thể được ưu tiên khi có con nhưng "việc có con sẽ làm tăng sự phức tạp".
"Việc nuôi con rất tốn kém, mất thời gian và mệt mỏi, đặc biệt là ở một quốc gia không ưu tiên đầy đủ cho việc chăm sóc trẻ em hoặc chế độ nghỉ phép có lương cho các cặp vợ chồng", Freitag nhấn mạnh.
Văn hóa nuôi dạy con cái đã thay đổi trong vài thập kỷ qua, trong khi thế hệ Millennials (sinh từ năm 1980 đến 1996) và Gen Z (sinh từ năm 1997 đến 2012) đang lớn lên và hình thành quan điểm của họ về việc làm cha mẹ nên như thế nào. Tư duy của nhiều người trong những thế hệ đó cũng thay đổi theo.
Nỗi sợ trở thành cha mẹ tồi
Paula Fass, một nhà sử học văn hóa và là giáo sư tại Đại học California, Berkeley, chia sẻ với CNBC Make It rằng rủi ro trở thành cha mẹ tồi có vẻ cực cao và mối lo ngại về khả năng xảy ra sự cố là có thật.
"Tôi nghĩ rằng ngay lúc này, có nỗi sợ về việc nuôi dạy con cái và làm cha mẹ, một loại lo lắng chung đang xâm chiếm thế hệ trẻ. Vì vậy, họ đang mâu thuẫn về việc liệu có đáng để có con hay không, khi mà người ta kỳ vọng rất nhiều ở họ với tư cách là cha mẹ", Fass nói.
Cha mẹ ngày nay dành nhiều thời gian cho con cái hơn cha mẹ ngày xưa. Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy các bà mẹ vào năm 2012 dành thời gian cho con cái nhiều gấp đôi (trung bình 104 phút mỗi ngày) so với các bà mẹ vào năm 1965 (54 phút mỗi ngày).
Trong khi đó, các ông bố dành nhiều thời gian gấp 4 lần cho nhiệm vụ chăm sóc con cái vào năm 2012, trung bình 59 phút mỗi ngày, tăng so với 16 phút vào năm 1965.
Kỳ vọng được áp đặt khi một người là cha mẹ có thể gây nản lòng đối với những người trưởng thành vừa muốn có con nhưng cũng muốn tiếp tục theo đuổi sự nghiệp, sở thích hoặc đam mê khác của họ.
Áp lực đó có thể góp phần tạo nên cảm giác rằng những người sắp làm cha mẹ phải sắp xếp lại thứ tự ưu tiên cho cuộc sống của chính họ, và thậm chí định hình lại tính cách của chính họ nếu muốn có con.