Con bị trường 'dừng đào tạo' vì bố thắc mắc về chương trình học

Phụ huynh Nguyễn Đăng Bằng (Đông Anh, Hà Nội) bức xúc về việc Trường THPT Ngô Quyền - Đông Anh (Hà Nội) ra quyết định 'dừng đào tạo' với con, ngay sau khi ông đại diện hội phụ huynh ý kiến về chương trình đào tạo lớp chất lượng cao.

Ông Nguyễn Đăng Bằng là phụ huynh của nữ sinh N.H và theo kế hoạch ban đầu năm học tới đây sẽ lên lớp 12A5 của Trường THPT Ngô Quyền.

Chia sẻ với VietNamNet, ông Bằng cho biết, ngày 7/7, Hội phụ huynh lớp 11A5 được Trường THPT Ngô Quyền - Đông Anh mời đến trường trao đổi về định hướng tổ chức lớp 12A5 chất lượng cao ở năm học 2024-2025.

“Ban giám hiệu trường chỉ nói chung chung về định hướng của lớp chất lượng cao và có đề nghị phụ huynh chúng tôi làm đơn đăng ký cho con em mình vào lớp, chúng tôi cũng rất ủng hộ chương trình này của nhà trường và đã làm đơn đăng ký cho con. Tuy nhiên, do còn một số vấn đề vẫn thắc mắc nên hội phụ huynh lớp có đề nghị tôi đại diện lên lịch hẹn gặp nhà trường để trao đổi cụ thể”.

Sau 2 tuần, Ban giám hiệu trường đã mời ông Bằng đến để làm việc. Vị phụ huynh cho hay chiều ngày 8/8 đã làm việc với thầy Nguyễn Như Tuân - Phó hiệu trưởng nhà trường.

Các câu hỏi ông Nguyễn Đăng Bằng đại diện cho hội phụ huynh lớp 12A5 thắc mắc, muốn nhà trường giải đáp. Ảnh: Phụ huynh cung cấp.

Các câu hỏi ông Nguyễn Đăng Bằng đại diện cho hội phụ huynh lớp 12A5 thắc mắc, muốn nhà trường giải đáp. Ảnh: Phụ huynh cung cấp.

“Trước các câu hỏi ban phụ huynh chúng tôi đưa ra, thầy Tuân trả lời rất vòng vo và liên tục nhấn mạnh về việc nếu phụ huynh nào thấy môi trường này không phù hợp, chuyển con sang môi trường khác. Kết thúc buổi làm việc, thầy Tuân không ký vào biên bản làm việc và có nói là sẽ báo cáo lại nội dung làm việc ngày hôm đó với Hội đồng nhà trường và sẽ trả lời lại các câu hỏi của phụ huynh vào buổi làm việc tiếp theo”, ông Bằng nói.

Ông Bằng cho biết thêm, đến ngày 10/8, ông nhận được giấy mời đến trường để làm việc với nội dung “gặp mặt với Hội đồng trường để trao đổi về chương trình học tập lớp chất lượng cao”.

“Ông Đồng Xuân Hưng, được giới thiệu là Chủ tịch Hội đồng trường nói rằng những câu hỏi của tôi đưa ra là không tin tưởng nhà trường và không tôn trọng giáo viên. Vì vậy, Hội đồng trường sẽ quyết định dừng đạo tạo con tôi ngay ngày 10/8”.

Chiều cùng ngày, ông Bằng cũng được giáo viên chủ nhiệm lớp 12A5 gửi thông báo quyết định của nhà trường.

Vị phụ huynh bức xúc cho rằng, việc trường ra quyết định dừng đào tạo với học sinh như vậy là “không đúng luật và không đúng tiêu chí của ngành giáo dục”.

“Việc tôi thắc mắc về chương trình đào tạo là chuyện giữa phụ huynh và nhà trường, vậy lý do gì trường lại buộc con tôi phải nghỉ học? Việc phụ huynh có thắc mắc là chính đáng, nhưng sao nhà trường lại ra quyết định phản giáo dục như vậy.

Chưa kể, tôi đang đại diện cho ý kiến của tập thể hội phụ huynh lớp 12A5 để trao đổi các thắc mắc chung tới nhà trường. Những thắc mắc của phụ huynh là chính đáng trước khi đưa ra quyết định có cho con tham gia lớp chất lượng cao hay không, chứ không hề thể hiện sự thiếu tin tưởng nhà trường và cũng không có câu nào thiếu tôn trọng giáo viên của trường.

Nhà trường ra quyết định dừng đào tạo đối với con tôi là bất hợp lý vì tôi đại diện cho hội phụ huynh để làm việc với trường chứ không phải cá nhân tôi”, ông Bằng bức xúc.

Theo ông Bằng, gia đình ông trước đó không hề có ý định chuyển trường cho con. Việc nhà trường bất ngờ ra quyết định “dừng đào tạo” ngay trước thềm năm học mới, đặc biệt trước khi các con sắp sửa bước vào năm lớp 12 cuối cấp, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của con. “Sau khi nhận quyết định của nhà trường, con tôi rất buồn và xấu hổ với bạn bè”, ông Bằng nói.

Trong quyết định của Trường THPT Ngô Quyền - Đông Anh về việc dừng đào tạo đối với học sinh N.H, trường này nêu lý do: “Nhà trường không đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu đào tạo theo yêu cầu của phụ huynh học sinh. Thời gian dừng đào tạo bắt đầu từ ngày 10/8”.

Ông Nguyễn Đăng Bằng nhận được quyết định "dừng đào tạo" đối với con mình ngay sau khi ông đại diện hội phụ huynh có ý kiến với nhà trường về chương trình đào tạo lớp chất lượng cao.

Ông Nguyễn Đăng Bằng nhận được quyết định "dừng đào tạo" đối với con mình ngay sau khi ông đại diện hội phụ huynh có ý kiến với nhà trường về chương trình đào tạo lớp chất lượng cao.

Ông Bằng cho biết, nhà trường thông báo, trong trường hợp nếu muốn rút học bạ để chuyển trường khác, phụ huynh phải làm đơn gửi về trường.

Theo ông Bằng, ngày 13/8, gia đình đã mang đơn theo mẫu đến trường để xin rút học bạ. “Ở phần lý do, gia đình ghi rõ xin rút học bạ để chuyển trường theo Quyết định số 41 - do nhà trường ra quyết định dừng đào tạo. Tuy nhiên, ban đầu, bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Trường THPT Ngô Quyền - Đông Anh từ chối nhận đơn này vì cho rằng lý do viết trong đơn là không hợp lệ.

Bộ phận tiếp nhận hồ sơ yêu cầu viết lý do là ‘gia đình tự nguyện xin rút hồ sơ học bạ để chuyển trường cho con’. Tuy nhiên gia đình tôi không đồng ý vì chúng tôi không tự nguyện cho con nghỉ học tại trường, mà trường đơn phương ra quyết định dừng đào tạo trước, mới phải chuyển con sang trường khác”, ông Bằng nói.

Trao đổi với VietNamNet sáng 15/8 về sự việc này, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Sở đã nắm được thông tin và sẽ nhanh chóng xác minh, xử lý vụ việc.

“Sở GD-ĐT đã yêu cầu Trường THPT Ngô Quyền - Đông Anh rà soát, báo cáo về sự việc này”, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội nói.

Đến nay, Luật giáo dục và các văn bản luật chưa có quy định cụ thể về việc ‘’dừng đào tạo” học sinh.

Theo điểm c, khoản 2, điều 38 Thông tư 32/2020, nhà trường chỉ có thể "tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ GD-ĐT" nếu học sinh vi phạm các hành vi bị cấm quy định tại Điều 37, Thông tư 32. Các hành vi đó bao gồm:

- Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác.

- Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh.

- Mua bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện, các chất kích thích khác và pháo, các chất gây cháy nổ. - Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.

- Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng. - Sử dụng, trao đổi sản phẩm văn hóa có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; sử dụng đồ chơi hoặc chơi trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của bản thân.

- Học sinh không được vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, trong khoản 4 và 8 Điều 83 Luật giáo dục quy định người học có quyền được học tập trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh; được trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp của mình kiến nghị với cơ sở giáo dục các giải pháp góp phần xây dựng cơ sở giáo dục, bảo vệ quyền, lợi ích của người học.

Thanh Hùng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/con-bi-truong-dung-dao-tao-vi-bo-thac-mac-ve-chuong-trinh-hoc-2312051.html
Zalo