Con bận trưởng thành mà quên mất cha đang già đi

Sau những ngày vội vã trưởng thành, những tháng dài vùi mình vào công việc, những năm ròng tất bật xa quê,... con trở về bên mái nhà thân thuộc để rồi giật mình nhận ra cha đã già từ bao giờ?

Mất một năm để một đứa trẻ có thể tập đi và ba năm để con trẻ có thể tập nói. Nhưng cha mẹ đã dành rất nhiều kiên nhẫn cho con cái trong suốt cuộc đời mình. Ngày qua tháng, tháng qua năm, con lớn lên, vững chãi và tự tin; con lớn lên, vẫy vùng và không còn muốn nằm yên trong tay cha như thuở bé.

Ngày chiếc xe lăn bánh rời khỏi vùng quê nhỏ - nơi đã nuôi dưỡng con người con suốt 18 năm trời, chứng kiến con từng ngày khôn lớn, che chở con cả một tuổi thơ, cất giữ cho con một bầu trời ký ức - con rời đi không ngoảnh đầu lại nhìn vì chỉ mải lo nghĩ đến nơi phố xá nhộn nhịp ngoài kia, nôn nóng muốn biết miền đất xa có hoa hệ như người ta vẫn kể.

Để rồi, giữa cái náo nhiệt của phố thị, giữa bộn bề của cuộc sống, dưới áp lực của việc học, việc làm, những người con dần xa cách cha mình. Con chẳng thể nhớ đã bao lâu rồi mình chưa gọi điện hỏi thăm cha, lần cuối cùng nói chuyện trực tiếp với cha là khi nào. Con sợ rằng kể chuyện công việc thì cha không hiểu, hỏi thăm lại sợ khách sáo, nhạt nhẽo. Đôi khi, con có thể mất vài tuần để gọi lại sau hàng chục cuộc gọi nhỡ từ cha nhưng lại tìm đủ lý do để cúp máy. Và “bận rộn” dần trở thành cái cớ chính đáng, gọn gàng nhất với những người con.

Thế nhưng, con đâu hay biết, trong những ngày chờ cuộc gọi của con, ngóng con về thăm nhà, cha đã già từ bao giờ?

"Tôi không nhận ra ba mình đã già, cho đến mùa xuân năm rồi trở về từ thành phố, ba đến đón tôi. Ngồi sau xe, tôi giật mình thấy những sợi tóc bạc lòe xòe ẩn hiện sau chiếc mũ sờn ba đội. Và khi trở về căn nhà nhỏ, khi ba dùng bàn tay chi chít vết đồi mồi cởi mũ, tôi mới bàng hoàng: hơn nửa mái đầu của ba tôi đã bạc phơ, trời ơi…

Tôi không nhận ra ba tôi đã già, cho đến khi ngồi với ông, một sớm. Ba tôi bắt đầu uống trà vào sáng sớm, giống như ông nội khi còn. Hớp một ngụm trà và nhìn lên, tôi thấy làn hơi trong cái ly bông của ba bay lên, đậu vào nếp mắt ông nhăn nheo. Làn hơi quẩn quanh nơi những sợi tóc đen còn lại…"

Đó là những chia sẻ đầy xúc động, đan xen chút hối tiếc của tác giả Trần Thị Hân -Trường Đại học Ngân hàng - TP. Hồ Chí Minh gửi đến cuộc thi viết “Cha và con gái”. Chỉ đến khi tự tay mua cho cha chiếc kính lão đầu tiên, khi nghe thấy nỗi cô đơn tuổi già trong cuộc gọi chiều muộn của cha, tác giả mới giật mình nhận ra: "ba nhớ tôi và thương tôi như thế, và ba cô đơn như thế, vậy mà tôi vô tâm…".

Có lẽ, chẳng người cô con gái nào có thể đếm mái tóc cha đã bạc đi bao nhiêu sợi, đuôi mắt có thêm bao nếp nhăn. Con cũng chẳng thể đếm nổi những tiếng thở dài giữa đêm, những lắng lo xen với quan tâm cha không nói ra bằng lời. Và con mãi cũng chẳng thể trả lời chính xác câu hỏi: "Cha già từ bao giờ?".

Bởi trong suy nghĩ của những cô con gái, cha vẫn luôn là người đàn ông to lớn, khỏe mạnh, có thể đèo con trên chiếc xe đạp băng băng qua mọi con dốc những ngày lên 4 lên 5. Dường như với con, thời gian của cha đã "đóng băng" ở thời điểm đó.

"Giá 10 năm qua là một giấc mơ dài. Mở mắt ra, thấy người khéo léo nhóm củi, khói ám đen bồ hóng. Thấy mái tóc ba đen nhánh, đang loay hoay kéo chăn đắp lại cho tôi. Khép mắt lại, kéo chăn lên tận mang tai, ngủ đã cơm thèm. Êm đềm như thế, vậy mà phải gửi lại hết hết cho ngày tháng…", tác giả Trần Thị Hân bồi hồi.

Với nhiều người con khác, họ cũng chỉ kịp nhận ra thời gian cũng đang "chạy" trên vai cha khi cha bắt đầu kể nhiều hơn về những chuyện ngày xửa ngày xưa, về thời niên thiếu của cha, của mẹ, về những ngày nuôi con khó nhọc với những câu chuyện con chưa bao giờ được biết. Càng hoài niệm xa xôi, nghĩa là cha đã già thật rồi.

Trong những khoảng hoài niệm của cha, có đủ chuyện vui lẫn buồn. Đó có thể là câu chuyện về những ngày tháng khó khăn khi cha mẹ mới kết hôn của tác giả Quách Bùi Hoài Thương (TP Hồ Chí Minh): "Ngày mẹ lấy ba, người ta nói đủ thứ. Họ bảo mẹ khờ, ai mà lại đi lấy một ông kiểm lâm nghèo, suốt ngày xa nhà, lang thang ở rừng, lại chẳng giàu có thì có gì mà bám víu..."; đến những lần cãi vã giữa cha và con của tác giả Nguyễn Thị Minh Hồng (Hà Nội): "Nhớ lần cãi nhau năm con lớp mười. Con đòi giày mới, bố bảo không có tiền, con hét: Bố chẳng lo được gì cho con!".

Nhưng đôi khi còn là cả những nỗi đau chẳng thể nguôi ngoai đối với người cha trong tác phẩm "Cho con giữ lại trang nhật ký nhuộm màu ký ức" của tác giả Nguyễn Thị Thùy Trang (Thừa Thiên Huế): "Bốn lần làm cha, ba chỉ có thể ôm trong vòng tay hai đứa trẻ, nhìn các con lớn mỗi ngày và khắc khoải niềm đau về hai sinh linh yểu mệnh giữa đồng không mông quạnh...".

Tất cả những ký ức ấy tưởng như đã phai mờ theo thời gian nhưng cha lại ghi nhớ bởi đơn giản đó đều là những ký ức gắn liền với các con và gia đình.

"Ba bảo thời gian có thể phủ lớp bụi mờ nơi ký ức, nỗi nhớ có thể chênh chao qua năm dài tháng rộng và kỷ niệm dẫu khắc sâu đến đâu cũng có lúc chòng chành cùng nhịp đời nhiều hối hả lắm lo toan. Nên, ba phải ghi lại, để nhớ, thương, nâng niu và trân trọng gìn giữ tưng lát cắt quá khứ đan dệt thành hiện tại", tác giả Nguyễn Thị Thùy Trang tâm sự.

Vậy mới thấy, trưởng thành của con là sự chậm rãi già đi của cha. Cha cứ lặng lẽ già đi trong những câu chuyện cách đây 10, 20, hay 30 năm mà con mãi mãi chỉ biết được trong lời kể; cha già đi khi mắt kém tay run; già đi khi những giấc mơ của cha mãi vẫn là ước mong từ thời ấu thơ, trai trẻ.

Có những điều mãi mãi dở dang, có những điều mãi mãi là nuối tiếc, chỉ duy nhất một thứ vẫn trọn vẹn cho đến hết cuộc đời cha, có lẽ chính là tình yêu dành cho các con.

Thể lệ cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái" lần thứ 3 năm 2025

Quy định về bài dự thi

- Bài dự thi là những bài viết về câu chuyện có thật (người thật việc thật) về những kỷ niệm vui buồn, những khoảnh khắc đáng nhớ, những tình huống yêu thương, sâu sắc khó quên giữa người cha và con gái, giữa con gái với cha mình.

- Bài viết có thể thể hiện dưới dạng thư tâm tình, tản văn, nhật ký viết cho ca (con), khuyến khích có ảnh thật đính kèm)

- Bài dự thi có dung lượng 1.000 - 1.500 từ bằng tiếng Việt, được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.

- Khuyến khích bài dự thi đính kèm video với thời lượng từ 3 - 5 phút thể hiện câu chuyện, khoảnh khắc ấn tượng, đáng nhớ giữa cha và con gái như cùng du lịch, nấu ăn, làm vườn, học tập, khi chăm sóc cha đau con ốm; tự hào khi cùng con gặt hái thành quả trong học tập, trong lao động... Video sử dụng âm nhạc yêu cầu bản nhạc không bị cấm bản quyền.

Đối tượng dự thi

- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước, trong đó khuyến khích học sinh, sinh viên dự thi.

- Người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam (yêu cầu bài dự thi phải dịch ra tiếng Việt).

- Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng 8 thành công và Quốc khánh 2/9, Ban tổ chức khuyến khích và trao giải thưởng riêng cho các tác giả có bài viết hay về cha mình là người đã từng tham gia cuộc cách mạng tháng Tám từ 80 năm trước.

Điều kiện dự thi

- Tác phẩm dự thi là bài viết mới, chưa được đăng/phát trên bất kỳ báo, đài hay trang mạng xã hội nào và chưa từng được gửi dự thi ở các cuộc thi viết khác.

- Tác giả dự thi chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính bản quyền và tính chân thực của tác phẩm dự thi, tuân thủ pháp luật, không vi phạm thuần phong mỹ tục; cấm sao chép dưới mọi hình thức.

- Ban tổ chức được toàn quyền sử dụng bài dự thi và video gửi kèm (kể cả các bài đoạt giải) cho mục đích truyền thông, quảng bá mà không phải chịu bất kỳ khoản chi phí nào, tác giả không được khiếu nại về bản quyền.

- Mỗi tác giả được gửi tối đa 02 (hai) bài dự thi.

- Nhân sự của Ban Tổ chức, Ban giám khảo, các đơn vị tài trợ, đồng hành không được tham gia dự thi.

- Ban tổ chức không chấp nhận các tác phẩm hư cấu, dàn dựng nội dung, nhân vật không đúng sự thật.

Thời gian nhận bài dự thi

- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 14/03/2025 đến ngày 12/06/2025 tính theo dấu bưu điện hoặc thời gian nhận mail.

- Lễ tổng kết và Gala Trao giải dự kiến diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2025.

Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi

- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].

- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam. Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.

Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.

Cơ cấu Giải thưởng

- Giải thưởng gồm:

+ 1 giải nhất, 02 giải nhì và 03 giải ba cho các tác phẩm xuất sắc nhất với giải thưởng gồm tiền kèm hiện vật.

+ 01 giải nhất , 01 giải nhỉ và 01 giải ba cho tác giả dự thi là con gái hoặc tác giả viết về các nhà lãnh đạo cách mạng.

+ 01 giải nhất, 01 giải nhỉ và 01 giải ba dành cho học sinh sinh viên với giải thưởng gồm tiền mặt và hiện vật.

+ Giải thưởng cho người Việt Nam sống ở nước ngoài và người nước ngoài sinh sống học tập và làm việc tại Việt Nam.

+ 05 giải khuyến khích với giải thưởng gồm tiền kèm hiện vật.

- Ngoài giải thưởng tiền mặt, các tác giả đạt giải còn được nhận giấy chứng nhận của Ban Tổ chức.

Ban Giám khảo cuộc thi

- Nhà thơ Hồng Thanh Quang - Trưởng ban giám khảo

- Nhà thơ Trần Hữu Việt

- Nhà văn Nguyễn Một

- Nhà văn, nhà báo Võ Hồng Thu

Thông tin chi tiết về cuộc thi xin liên hệ: Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội. Số điện thoại: 0975.470.476 (Mr Khánh An – Ủy viên Ban biên tập - Tổng TKTS, Phó trưởng Ban tổ chức).

Phương Anh

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/con-ban-truong-thanh-ma-quen-mat-cha-dang-gia-di-d205289.html
Zalo