Cơm áo không đùa với… nghệ sĩ xiếc Việt

Xiếc Việt một lần nữa lại được vinh danh trên đấu trường quốc tế, tại Liên hoan Xiếc quốc tế lớn nhất Liên bang Nga. Thành tích ấn tượng này của các nghệ sĩ xiếc khẳng định sức sáng tạo và nỗ lực không ngừng của xiếc Việt trong hành trình vươn ra thế giới. Tuy nhiên, vấn đề xiếc Việt ít nhiều còn nan giải do chế độ đãi ngộ với ngành nghệ thuật đặc thù này.

Những thành tích ấn tượng

Tại Liên hoan Xiếc thế giới Idol lần thứ 8 diễn ra ở Moscow, Nga, tiết mục "Đu nón 4 nữ" của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã giành Huy chương Bạc, chiếc huy chương đầu tiên của Việt Nam tại một kỳ liên hoan xiếc quốc tế lớn nhất tại Liên bang Nga. Tiết mục do NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, đạo diễn; nghệ sĩ Đức Tài phụ trách kỹ thuật với phần biểu diễn của 4 nữ diễn viên là Chu Hồng Thúy, Phạm Thị Hướng, Lưu Thị Hường, Lô Ngọc Thúy. Tạo hình trên không với hình chiếc nón truyền thống của nghệ sĩ xiếc Việt Nam đã chinh phục khán giả quốc tế.

Một tiết mục ấn tượng của Liên đoàn Xiếc Việt Nam

Một tiết mục ấn tượng của Liên đoàn Xiếc Việt Nam

Với sự sáng tạo dựa trên chiếc nón lá truyền thống Việt Nam, đạo diễn, NSND Tống Toàn Thắng đã thiết kế đạo cụ biểu diễn theo hình dáng giống chiếc nón lá, để 4 nữ diễn viên biểu diễn đu trên cao không có dây bảo hiểm, đòi hỏi kỹ thuật rất chính xác. Yếu tố đó đã làm cho hầu hết các khán giả xem chăm chú theo dõi từng động tác của các diễn viên như kỹ thuật treo xoay cổ cả 4 người trên đu, động tác trụ, câu treo lẫn nhau bằng tay, bằng chân trụ cắn răng treo đỡ nhau. Khán giả và đồng nghiệp quốc tế tham dự Liên hoan Xiếc thế giới "IDOL" lần thứ 8 được chứng kiến sự quả cảm và bản lĩnh biểu diễn đầy chuyên nghiệp của 4 nữ nghệ sĩ Việt Nam. Có thể nói, 4 nữ nghệ sĩ xiếc Việt Nam với động tác kỹ thuật vô cùng ngoạn mục đã mang tới thành tích lớn cho xiếc Việt Nam.

Nghệ sĩ Ngọc Thúy chia sẻ: "Trên nền nhạc Hello Vietnam, 4 diễn viên thực hiện những động tác đu, treo, xoay người quanh chiếc nón lá được treo trên cao, không có bảo hiểm. Đặc biệt phần kết, chúng tôi treo bằng tóc ở trên không". Sự phối hợp nhịp nhàng của 4 diễn viên, mỗi người ở một vị trí khác nhau cho thấy sự khéo léo, dũng cảm của các nghệ sĩ. Nghệ sĩ Lưu Thị Hường đảm nhiệm vai trò đỡ trọng lượng các bạn diễn ở dưới, còn nghệ sĩ Phạm Thị Hướng lại chịu áp lực từ sức nặng cơ thể và xoay nhiều vòng trên không. Để có được thành tích rực rỡ này, nghệ sĩ Chu Hồng Thúy chia sẻ rằng, tiết mục đu nón đã được biểu diễn nhiều lần và mỗi lần lại tăng độ khó. Đó là kết quả của tình yêu, sự khổ luyện, của mồ hôi và thậm chí cả máu đã đổ xuống sàn tập của các nghệ sĩ để mang vinh quang về cho xiếc Việt Nam.

"IDOL" là liên hoan xiếc thế giới do Liên bang Nga tổ chức tại Moskva State Circus, rạp xiếc lớn nhất tại Moscov, quy tụ nhiều đoàn xiếc nổi tiếng trên thế giới cũng như các tài năng xiếc biểu diễn. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sau 5 năm, Liên hoan được tổ chức lại vào năm 2024.

Tại liên hoan lần này, NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam được mời tham gia Hội đồng giám khảo. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam được mời tham dự làm thành viên Hội đồng giám khảo. NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ: "Tiết mục "Đu nón 4 nữ" của Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao vì có động tác khó, kỹ thuật điêu luyện, đòi hỏi diễn viên phải biến hóa liên tục, đồng thời thực hiện đu tập thể tới 4 nữ càng khó hơn. Đặc biệt là các nghệ sĩ thực hiện động tác đu trên cao nhưng không cần dây bảo vệ. Chúng tôi đã làm nổi bật nét văn hóa Việt Nam cũng như sự tiếp nhận cái mới như âm nhạc hòa tấu violon làm giai điệu biểu diễn".

Đây là thành tích ấn tượng của xiếc Việt bởi Liên hoan xiếc thế giới IDOL lần thứ 8 đã chọn lọc rất kĩ từ các clip, video của các đoàn xiếc nổi tiếng trên thế giới gửi về và lựa chọn 24 tiết mục đặc sắc nhất của 17 quốc gia có nghệ thuật xiếc nổi tiếng thế giới như: Nga, Kazakhstan, Guatemala, Peru, Philippines, Trung Quốc, Bulgaria, Mông Cổ, Việt Nam, Triều Tiên, Ba Lan, Mỹ, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức...

Cũng trong thời gian qua, bộ đôi Hiển Phước - Thanh Hoa vừa đoạt giải Grand Prix trong cuộc thi xiếc ở thành phố Yakutsk, Nga, tiết mục "Khoảnh khắc tình yêu" cũng có nhiều thử thách khi cả hai phải thực hiện nhiều động tác khó như đu, xoay người trên cao. Tiết mục này được hai nghệ sĩ tập luyện từ năm 2016, từng dự thi ở những liên hoan trong nước và quốc tế. Họ không ngừng nỗ lực và sáng tạo thêm nhiều động tác mới và khó để làm mới nội dung cho những lần biểu diễn.

NSƯT Lê Diễn, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, cho biết tiết mục vừa đoạt giải Grand Prix trong Lễ hội Xiếc quốc tế Yakutia 2024, của đôi nghệ sĩ Hiển Phước - Thanh Hoa có ý nghĩa rất lớn vì độ khó cao, kết hợp hài hòa giữa yếu tố kỹ thuật và nghệ thuật. "Cả hai là tấm gương cho thế hệ đàn em noi theo. Dù vất vả, gian khó đến đâu, hai bạn vẫn luôn nỗ lực tập luyện, luôn cố gắng tận dụng những cơ hội để phô diễn khả năng" - NSƯT Lê Diễn nhận xét.

Vẫn băn khoăn chuyện chế độ đãi ngộ cho nghệ sĩ

Những năm gần đây, xiếc Việt liên tục giành được những giải thưởng lớn tại các Liên hoan xiếc Quốc tế uy tín. Năm 2022, nghệ sĩ Chu Hồng Thúy và Phạm Thị Hướng giành giải Vàng tại Liên hoan quốc tế công chúa xiếc (Nga) với tiết mục "Đu son"; nghệ sĩ Hiển Phước - Thanh Hoa đoạt huy chương Vàng với tiết mục "Khoảnh khắc tình yêu" tại Liên hoan nghệ thuật Xiếc quốc tế Kazakhstan 2023; tại Liên hoan Xiếc quốc tế không biên giới (Nga), nghệ sĩ Chu Khánh Huyền giành giải Ngựa đồng với tiết mục "Đế kiếm đu dây lụa"…

Tiết mục "Đu nón 4 nữ" gây chú ý tại Liên hoan Xiếc Thế giới (IDOL) lần thứ 8

Tiết mục "Đu nón 4 nữ" gây chú ý tại Liên hoan Xiếc Thế giới (IDOL) lần thứ 8

Tuy nhiên, theo NSND Tống Toàn Thắng, dù xiếc Việt có những nghệ sĩ giỏi, say nghề nhưng nhân tài xiếc rất hiếm do nhân lực thiếu, người trẻ không mặn mà với bộ môn nghệ thuật vất vả, nguy hiểm và… nghèo này. Vì thế, rất cần sự đầu tư của nhà nước để các nghệ sĩ xiếc có cơ hội giành giải thưởng ở nước ngoài.

"Nhà nước cần hỗ trợ các nghệ sĩ xiếc tham gia các festival, các cuộc liên hoan mang tính chất giao lưu văn hóa. Hiện nay ngân sách cho nghệ sĩ tham gia các cuộc thi quốc tế cũng hạn chế, không phải cuộc thi nào cũng xin được. Mà lỡ mất cơ hội tham gia các cuộc thi quốc tế là lỡ cơ hội cho nghệ sĩ xiếc cọ xát đấu trường quốc tế, học hỏi những cái hay, kỹ thuật mới. Vì vậy, liên đoàn cố gắng tạo mối quan hệ với các đơn vị tổ chức liên hoan xiếc quốc tế để họ đài thọ đưa các nghệ sĩ đi thi có giải, nâng cao vị thế xiếc Việt Nam", ông Thắng chia sẻ.

Theo NSND Tạ Duy Ánh, nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, trong các cuộc thi quốc tế, Ban Giám khảo thường chú trọng tính truyền thống, văn hóa, lan tỏa tinh thần giao lưu hữu nghị giữa các quốc gia. Sự khác biệt trong sáng tạo đạo cụ, nội dung biểu diễn đậm bản sắc dân tộc sẽ được Hội đồng giám khảo đánh giá cao. Đây là một trong những bí quyết thành công của các tiết mục xiếc Việt Nam tại các cuộc thi quốc tế. Xiếc Việt nhiều năm qua luôn nỗ lực đổi mới, nội dung hấp dẫn, dàn dựng công phu, rất nhiều đoàn xiếc quốc tế đã biết đến thương hiệu Xiếc Việt Nam và ngỏ ý muốn hợp tác. Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển xiếc đỉnh cao, từ đó định vị xiếc Việt trên bản đồ quốc tế.

"Nhưng bài toán nan giải vẫn là chế độ đãi ngộ với ngành nghệ thuật đặc thù này. Đời xiếc ngắn ngủi, nguy hiểm, nghệ sĩ luôn cần có phong độ và thể chất tốt. Một kế hoạch cụ thể về chế độ tiền lương, bồi dưỡng, bảo hiểm và sự đầu tư mang tính chiến lược bền vững để phát triển xiếc đỉnh cao đã được Liên đoàn Xiếc Việt Nam nghiên cứu, xây dựng trình lên cấp trên. Nhưng đến khi nào chúng ta mới có những chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời thì vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Xiếc Việt hiện nay vẫn phát triển và đi ra thế giới bằng tình yêu và nỗ lực làm nghề của những người yêu xiếc, coi xiếc là cuộc sống của mình", ông Ánh chia sẻ.

Mỹ Hiền

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/com-ao-khong-dua-voi-nghe-si-xiec-viet-i744951/
Zalo