Coi nhẹ khám sức khỏe định kỳ, nhiều người thở dài 'giá như...'

Nhiều người chủ quan không khám sức khỏe định kỳ, dẫn đến bỏ lỡ cơ hội phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Không ít người chỉ tìm đến bệnh viện (BV) khi cơ thể phát tín hiệu báo động bằng những cơn đau kéo dài, mệt mỏi bất thường hoặc sút cân không rõ nguyên nhân. Đến lúc này họ mới phát hiện mắc bệnh ở giai đoạn muộn, việc điều trị vì thế cũng trở nên phức tạp, tốn kém.

Giá đi khám sớm thì đâu đến nỗi

Tại hành lang khu khám bệnh BV Lê Văn Thịnh, TP.HCM, anh Nguyễn Quốc Hưng (45 tuổi, ngụ TP.HCM) ngồi lặng lẽ chờ làm thủ tục nhập viện với vẻ mặt mệt mỏi.

 Khoa Khám bệnh tại BV Lê Văn Thịnh. Ảnh: DI LINH

Khoa Khám bệnh tại BV Lê Văn Thịnh. Ảnh: DI LINH

“Lúc đầu chỉ là đầy bụng, ăn không ngon, tôi nghĩ chắc do làm việc căng thẳng, thức khuya nhiều. Ai ngờ càng lúc người càng mệt, sụt cân, đến khi đau bụng không chịu nổi tôi mới đi khám… thì bác sĩ (BS) báo đã ung thư dạ dày giai đoạn 3”, anh kể chậm rãi, giọng khàn đặc.

“BS nói nếu tôi đi khám sức khỏe định kỳ mỗi năm thì có thể phát hiện bệnh sớm hơn, điều trị cũng đơn giản hơn. Còn tình hình như hiện giờ thì phải hóa trị...”, anh Hưng tiếp tục nói.

Tại khu khám chuyên khoa tiêu hóa BV Thành phố Thủ Đức, TP.HCM, chị Nguyễn Thị Kim Dung (40 tuổi, ngụ Đồng Nai) vừa từ phòng khám bước ra, tay cầm xấp kết quả xét nghiệm, vẻ mặt chưa hết bàng hoàng.

“Tôi bị ợ chua, nóng rát vùng ngực hơn 3 tháng nay nhưng cứ ra tiệm thuốc tây mua vài viên uống, thấy đỡ thì thôi. Đến khi đau dai dẳng, có hôm buồn nôn sau ăn, người mệt lả, khó chịu quá tôi mới đi khám, ai dè bị viêm loét dạ dày nặng, có dấu hiệu chảy máu”, chị Dung kể.

BS cho biết tình trạng của chị đã kéo dài, niêm mạc tổn thương sâu, cần điều trị nội khoa tích cực và theo dõi sát để tránh biến chứng nguy hiểm.

“Lúc đầu tôi cứ nghĩ mấy triệu chứng nhỏ thôi, kiểu khó tiêu nóng bụng, mua thuốc uống là xong, không nghĩ lại nghiêm trọng vậy. Giá mà tôi đi khám từ sớm thì đâu đến nỗi…”, chị trầm giọng.

 BS chuyên khoa I Mai Hùng Cường kiểm tra sức khỏe cho người bệnh. Ảnh: DI LINH

BS chuyên khoa I Mai Hùng Cường kiểm tra sức khỏe cho người bệnh. Ảnh: DI LINH

BS chuyên khoa I, Mai Hùng Cường, Trưởng đơn vị Tiêu hóa, khoa Nội tổng hợp, BV Thành phố Thủ Đức, cho biết trong quá trình thăm khám và điều trị hàng ngày ông thường gặp các bệnh nhân đến BV khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng.

“Điều này bắt nguồn từ thói quen của khá nhiều người là chỉ đi khám khi đã có triệu chứng rõ rệt. Điều này rất đáng ngại vì có thể bỏ qua giai đoạn vàng để phát hiện và điều trị bệnh hiệu quả nhất”, BS Cường nói.

Đang khỏe không có nghĩa không cần đi khám

Cũng theo lời BS Cường, hiện vẫn còn rất nhiều người chỉ đi khám khi cơ thể có dấu hiệu bất thường. Tình trạng này không chỉ phổ biến ở vùng nông thôn mà ngay cả ở đô thị.

“Nhiều người nghĩ mình khỏe thì không cần khám. Tuy nhiên, rất nhiều bệnh, đặc biệt là các bệnh mạn tính có thể âm thầm tiến triển trong nhiều năm mà không có triệu chứng rõ ràng. Đến khi xuất hiện dấu hiệu thì bệnh đã chuyển nặng, thậm chí có biến chứng, việc điều trị lúc này trở nên phức tạp, tốn kém và có thể mất đi cơ hội hồi phục hoàn toàn”, BS Cường cảnh báo.

 Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm nhiều bệnh lý nguy hiểm. Ảnh: DI LINH

Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm nhiều bệnh lý nguy hiểm. Ảnh: DI LINH

Theo BS Cường, khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm nhiều bệnh lý nguy hiểm như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, gan – thận, ung thư… Đây đều là những bệnh thường diễn tiến âm thầm ở giai đoạn đầu, nhưng nếu phát hiện sớm, việc điều trị sẽ đơn giản hơn, hiệu quả cao hơn, giảm được gánh nặng tài chính.

“Không chỉ để phát hiện bệnh, khám sức khỏe định kỳ còn giúp mỗi người hiểu rõ các chỉ số sức khỏe của mình, đánh giá được yếu tố nguy cơ để từ đó điều chỉnh lối sống, chế độ sinh hoạt phù hợp, phòng bệnh ngay từ khi chưa xuất hiện triệu chứng”, BS Cường nhấn mạnh.

Khám sức khỏe định kỳ không phải là để “tìm bệnh”, mà là để bảo vệ chính mình. Việc chờ đến khi có triệu chứng rồi mới khám giống như “đợi xe cháy mới tìm bình cứu hỏa". (BS Mai Hùng Cường)

Chẩn đoán sớm bệnh nhờ khám định kỳ

Theo BS chuyên khoa II, Nguyễn Phi Hoàng, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, BV Lê Văn Thịnh, nhận thức của người dân về việc khám bệnh sớm hiện đã cải thiện đáng kể so với trước đây.

 BS chuyên khoa II, Nguyễn Phi Hoàng khám bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: DI LINH

BS chuyên khoa II, Nguyễn Phi Hoàng khám bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: DI LINH

Nếu trước kia đa số chỉ đến BV khi cơ thể có dấu hiệu bất thường rõ rệt, thì hiện nay, ngày càng nhiều người chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ, từ đó giúp phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa và thậm chí cả các tổn thương sớm liên quan đến ô-xy hóa tế bào.

Việc phát hiện sớm có ý nghĩa rất lớn, giúp ngăn ngừa kịp thời các biến chứng nguy hiểm lên những cơ quan đích như tim, thận, não, mắt hoặc mạch máu.

“Ví dụ với bệnh tăng huyết áp hay đái tháo đường, những căn bệnh được ví như "kẻ giết người thầm lặng", nếu người bệnh được chẩn đoán sớm và điều trị theo chỉ định hoàn toàn có thể sống khỏe dù vẫn phải dùng thuốc lâu dài”, BS Hoàng chia sẻ.

Trong quá trình hơn 30 năm công tác, BS Hoàng đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân được chẩn đoán bệnh mạn tính ở giai đoạn sớm nhờ đi khám định kỳ. Những trường hợp này thường có kết quả điều trị khả quan.

“Có người khi mới phát hiện đường huyết tăng nhẹ, chúng tôi chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn, kết hợp vận động và kê thuốc phù hợp là kiểm soát được. Có bệnh nhân về sau thậm chí không cần dùng thuốc nữa, chỉ duy trì lối sống lành mạnh là ổn”, ông nói.

Ở góc độ chuyên môn, BS Hoàng khuyến cáo người dân, dù là người trẻ hay lớn tuổi cũng nên đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng hoặc mỗi năm một lần. Không nên chủ quan cho rằng còn trẻ, khỏe là không có bệnh.

“Làm nghề y, chúng tôi luôn mong người dân chủ động trong khám sức khỏe định kỳ, lắng nghe cơ thể mình để từ đó nếu có bệnh sẽ phát hiện sớm nhằm có hướng xử trí kịp thời, giữ được sức khỏe, chất lượng sống nâng cao hơn”, BS Hoàng chia sẻ.

Toàn dân được khám sức khỏe định kỳ miễn phí từ năm 2026

Theo dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, từ năm 2026, người dân Việt Nam sẽ được khám sức khỏe định kỳ miễn phí ít nhất 1 lần/năm.

Việc khám sức khỏe định kỳ giúp người dân được tiếp cận sớm dịch vụ y tế, chủ động phòng ngừa, phát hiện và điều trị bệnh, từ đó nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe toàn dân, giảm gánh nặng tài chính, hướng tới miễn hoàn toàn viện phí trong tương lai.

Việt Nam cũng đặt mục tiêu giai đoạn 2025-2030, mỗi năm tăng cường ít nhất 1.000 BS về làm việc có thời hạn tại y tế cơ sở, giảm tỉ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của người dân cho y tế xuống còn 30%. Cùng với đó, dự thảo cũng đặt ra mục tiêu mỗi người dân sẽ được lập sổ sức khỏe điện tử để quản lý sức khỏe suốt vòng đời.

Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam hướng tới các chỉ số sức khỏe và độ bao phủ dịch vụ y tế thiết yếu tương đương các nước phát triển. Tuổi thọ trung bình dự kiến đạt hơn 80, số năm sống khỏe tăng lên. Chiều cao trung bình của thanh niên tiệm cận mức trung bình các nước phát triển.

DI LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/coi-nhe-kham-suc-khoe-dinh-ky-nhieu-nguoi-tho-dai-gia-nhu-post860642.html
Zalo