Cội nguồn sức mạnh từ tinh thần đoàn kết

Dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9 năm nay cũng là thởi điểm đánh dấu 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, ngày 17/8/2024. Ảnh: Thanh Hải

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, ngày 17/8/2024. Ảnh: Thanh Hải

Trong đó, tư tưởng của Bác về tinh thần đoàn kết toàn dân vẫn luôn là “kim chỉ nam”, tạo động lực để vượt qua khó khăn hiện tại, hiện thực các mục tiêu phát triển.

Bài học quý giá làm nên thắng lợi

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đoàn kết là sức mạnh, là cội nguồn của chiến thắng, thành công. Trong bản Di chúc, điều quan tâm đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nói về Đảng, trước hết là vấn đề đoàn kết trong Đảng. Người khẳng định: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo Nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

Như các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, tư tưởng đại đoàn kết dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đặc sắc, có giá trị lý luận và thực tiễn hết sức quan trọng. Các tư liệu nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho thấy, Người đã chỉ rõ các nguyên tắc đại đoàn kết toàn dân tộc, đó là phải tin vào dân, dựa vào dân, vì lợi ích của dân, phát động các phong trào thi đua yêu nước; đoàn kết lâu dài, rộng rãi, chặt chẽ, tự giác, có tổ chức, có lãnh đạo; đoàn kết trên cơ sở hiệp thương dân chủ, chân thành, thẳng thắn, thân ái, đoàn kết gắn với đấu tranh, tự phê bình, phê bình và đoàn kết trên cơ sở kế thừa truyền thống yêu nước - nhân nghĩa - đoàn kết của dân tộc. Người đã dày công vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân, từng nói: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch.”

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng), chính tinh thần đoàn kết đã giúp Cách mạng Tháng Tám thành công; đoàn kết đã giúp kháng chiến thắng lợi và đoàn kết sẽ đưa đất nước Việt Nam tiến đến những đỉnh cao mới của thời đại. Sau ngày 2/9/1945, đất nước đứng trước những khó khăn chồng chất, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã vận động Nhân dân cả nước tham gia “Tuần lễ Vàng” và xây dựng “Quỹ Độc lập” (năm 1945). Kết quả là chỉ trong một thời gian ngắn, Nhân dân cả nước đã quyên góp được 20 triệu tiền đồng và 370kg vàng.

Điều này không chỉ giúp Chính phủ cách mạng non trẻ vượt qua những thiếu thốn về tài chính mà còn là minh chứng rõ nét cho sức mạnh vô địch của quần chúng Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định, việc nước là việc chung, mỗi người đều phải có trách nhiệm “gánh vác một phần”. Trong Di chúc, Người một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng hàng đầu của vấn đề đoàn kết: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và Nhân dân ta”

Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam trong 79 năm qua cũng đã chứng minh sức sống của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc. Lịch sử Việt Nam đã bước sang một trang mới của thời đại mở cửa và hội nhập cùng thế giới, như trong các Nghị quyết của Đảng đã nhận định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Bài học đại đoàn kết toàn dân tộc trong tư tưởng của Bác ngày càng mang tính thời sự khi nhiều vấn đề rất cần sự chung sức, đồng lòng của toàn thể Nhân dân.

Tạo sức mạnh nội sinh để phát triển bứt phá

Như các nhà nghiên cứu đã nhận định, một khát khao cháy bỏng của Bác Hồ được nhắc lại trước lúc Người đi xa: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Niềm mong ước đó của Bác đang được Đảng và Nhân dân ta nỗ lực thực hiện theo mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trên cơ sở tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại Nghị quyết 43-NQ/TW “Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc” của Hội nghị T.Ư 8 Khóa XIII đã đặt ra mục tiêu: khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Điều này đã và đang được thể hiện trong thực tiễn. Đặc biệt, trong thời điểm cả nước chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chưa bao giờ từ “đoàn kết” lại được nhắc đến nhiều như vậy và tinh thần đoàn kết toàn dân một lần nữa thể hiện sức mạnh, hiệu quả to lớn. Chính tinh thần đoàn kết đang lan tỏa rộng khắp trong toàn xã hội đúng như tư tưởng của Bác đã tạo thêm nguồn lực cả về vật chất và tinh thần cho việc chống dịch. Thực tế đã cho chúng ta thấy sự đồng lòng, quyết tâm của cả nước nói chung và các tỉnh, TP có dịch bùng phát trong cuộc chiến đấu chống đại dịch, đã đẩy lùi "giặc Covid-19" để đưa đất nước và cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường mới, thúc đẩy tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ sau đó.

Từ thực tiễn thời gian qua cũng cho thấy, việc học tập và làm theo tư tưởng của Bác về tinh thần đoàn kết cũng làm cho hệ thống chính trị các cấp dường như gần dân hơn, xây dựng phong cách làm việc trọng dân, gần dân, vì dân. Việc phát huy khối đại đoàn kết toàn dân đang được các cấp, các ngành thực thi bằng nhiều giải theo đúng tinh thần tư tưởng của Bác về “sức mạnh của lòng dân”.

Như tại Hà Nội, chính quyền từ TP đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo, giải quyết hiệu quả những vấn đề thiết thực đến đời sống của dân; quan tâm lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp xây dựng của Nhân dân, kịp thời điều chỉnh những chủ trương, cách làm không phù hợp, nhất là những vấn đề đang được quan tâm như cải cách hành chính, quản lý đất đai, trật tự đô thị, giải phóng phóng mặt… tạo ra sự đồng thuận cao trong Nhân dân trong thực hiện các việc mới, việc khó.

Đồng thời, đề cao việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu “trên trước, dưới sau”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” của cán bộ, đảng viên. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của Nhân dân với Đảng.

Cùng với đó, các phong trào thi đua yêu nước cũng thúc đẩy thêm tinh thần đoàn kết trong dân, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”… góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong công tác an sinh xã hội, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Đặc biệt, đã tập hợp được toàn dân, khơi dậy, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự lực, tự cường, chung sức, đồng lòng thực hiện khát vọng phát triển.

Trong bản Di chúc thiêng liêng Người để lại đã có 3 đoạn với khoảng 140 từ nói về “đoàn kết”, khẳng định ba quan điểm lớn: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo Nhân dân ta hǎng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”; “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ T.Ư đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”; “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Trần Hà

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/coi-nguon-suc-manh-tu-tinh-than-doan-ket-393306.html
Zalo