Cội nguồn không nằm ở ranh giới hành chính

Người dân của nơi sáp nhập sẽ mang theo tình yêu quê hương để tiếp tục vun đắp bản sắc, để dù địa giới có thay đổi, ký ức văn hóa, cội nguồn vẫn không phai nhạt.

Nhân dân đến dâng hương, chiêm bái ở Đền Thượng trong khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ). Ảnh: VĂN TUẤN

Nhân dân đến dâng hương, chiêm bái ở Đền Thượng trong khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ). Ảnh: VĂN TUẤN

Tháng ba về, đất trời vào độ giao mùa, lòng người Việt cũng chộn rộn hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương - ngày con cháu Lạc Hồng khắp muôn phương cùng tưởng nhớ cội nguồn. Nhưng năm nay, giữa những làn khói hương nghi ngút nơi Đền Hùng, giữa những lời nguyện cầu vọng lên từ triệu trái tim, có những nỗi niềm khác, khi nhiều vùng quê sắp bước vào một giai đoạn mới là sáp nhập, đổi thay để phù hợp với sự phát triển chung của đất nước.

Việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính các cấp là điều tất yếu trong dòng chảy đổi mới, là cách để tinh gọn bộ máy, thúc đẩy sự phát triển bền vững, phù hợp với sự tiến bộ của thế giới. Nhưng bên cạnh những con số thống kê, những kế hoạch điều chỉnh địa giới, có một thứ quan trọng hơn cần được gìn giữ, đó chính là hồn cốt, bản sắc và ký ức văn hóa của từng vùng đất.

Nhìn từ Giỗ Tổ Hùng Vương, bài học về giữ gìn cội nguồn vẫn vẹn nguyên giá trị. Các vua Hùng xưa kia đã dày công dựng nước, đặt nền móng cho một dân tộc thống nhất, nhưng không quên tôn trọng những sắc thái văn hóa riêng biệt của mỗi vùng, miền.

Làng quê Việt Nam không chỉ là những con đường, những mái đình mà còn là nơi lưu giữ những câu chuyện dân gian, những lễ hội truyền thống, phong tục sinh hoạt gắn bó với đời sống của biết bao thế hệ. Nếu một cái tên hành chính biến mất, liệu những câu ca, điệu hò của vùng đất ấy có còn được gìn giữ? Nếu một địa phương nhập vào một nơi lớn hơn, liệu những giá trị văn hóa lâu đời có bị mai một theo thời gian?

Trường Tiểu học Yết Kiêu (Gia Lộc) giáo dục truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước cho học sinh tại ngôi đền thờ danh tướng Yết Kiêu trên quê hương. Ảnh: THẾ ANH

Trường Tiểu học Yết Kiêu (Gia Lộc) giáo dục truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước cho học sinh tại ngôi đền thờ danh tướng Yết Kiêu trên quê hương. Ảnh: THẾ ANH

Thực tế đã chứng minh dù địa giới hành chính có thay đổi, nhưng nếu người dân vẫn giữ gìn bản sắc quê hương thì giá trị văn hóa của một vùng đất vẫn còn mãi. Năm 2008, Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội. Sự kiện này từng khiến nhiều người lo lắng rằng bản sắc của vùng đất xứ Đoài sẽ bị mờ nhạt giữa đô thị phồn hoa. Nhưng thực tế, dù trên bản đồ hành chính, Hà Tây không còn tồn tại thì những giá trị văn hóa nơi đây vẫn sống động. Làng lụa Vạn Phúc vẫn rộn ràng tiếng thoi dệt, trở thành niềm tự hào của người Hà Nội. Chùa Hương vẫn là điểm đến tâm linh quan trọng, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Người dân xứ Đoài vẫn giữ thói quen uống trà xanh, thưởng thức bánh tẻ Phú Nhi, gìn giữ nếp sống chân phương, mộc mạc…

Năm 1997, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách thành tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Tưởng chừng sự tách biệt hành chính sẽ làm mất đi bản sắc văn hóa, nhưng thực tế, Đà Nẵng vẫn giữ nguyên phong vị xứ Quảng trong đời sống hằng ngày. Người Đà Nẵng vẫn nói giọng Quảng đặc trưng, vẫn tự hào với món mỳ Quảng, bánh tráng cuốn thịt heo. Chân thành, thẳng thắn, nghĩa tình của người Quảng vẫn là nét đặc trưng trong tính cách người Đà Nẵng...

Trường Tiểu học Duy Tân (Kinh Môn) giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh tại chùa Nhẫm Dương

Trường Tiểu học Duy Tân (Kinh Môn) giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh tại chùa Nhẫm Dương

Giữ lửa hồn dân tộc trong bối cảnh sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính không có nghĩa là níu kéo những điều cũ kỹ, mà biết cách tiếp nối và phát huy truyền thống trong một diện mạo mới.

Hải Dương - miền quê bình dị nằm giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ, nơi những con sông hiền hòa chảy qua những cánh đồng bát ngát. Nơi đây không ồn ào, không náo nhiệt như những đô thị lớn, mà mang một vẻ đẹp trầm lặng, sâu lắng như chính con người ở đây. Người ta nhớ đến Hải Dương không chỉ bởi bánh đậu xanh ngọt bùi tan chảy trên đầu lưỡi, mà còn bởi những làn điệu chèo mượt mà, những ngôi chùa cổ kính, làng nghề truyền thống, những lễ hội, danh nhân…

Nếu mỗi người Hải Dương vẫn giữ thói quen thưởng trà với miếng bánh đậu xanh trong những ngày se lạnh thì hương vị quê hương vẫn còn đó. Nếu những người thợ làng nghề vàng bạc Châu Khê vẫn truyền lại kỹ thuật tinh xảo cho thế hệ sau thì những sản phẩm mang hồn cốt quê hương vẫn tiếp tục hiện diện trong đời sống. Nếu những câu hát chèo vẫn được cất lên trong những đêm hội làng, rồi những lễ hội được tổ chức hằng năm thì văn hóa không những không mất đi mà còn được lưu truyền qua năm tháng.

Giỗ Tổ Hùng Vương là minh chứng cho sức mạnh gắn kết của dân tộc Việt Nam. Dù mỗi vùng đất có những nét riêng, nhưng tất cả vẫn cùng chung một cội nguồn, cùng thờ chung các vua Hùng, cùng tự hào là con cháu Lạc Hồng. Sự thay đổi đơn vị hành chính có thể làm thay đổi những tấm bản đồ, nhưng nếu mỗi người vẫn giữ được niềm tự hào về quê hương, về truyền thống, thì ngọn lửa giữ hồn văn hóa dân tộc sẽ không bao giờ lụi tắt.

BẢO LINH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/coi-nguon-khong-nam-o-ranh-gioi-hanh-chinh-408259.html
Zalo