Cội nguồn chiến thắng và phát triển đất nước

Trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều cuộc xâm lăng từ những thế lực hùng mạnh. Khi hòa bình lại gặp không ít gian nan trong hành trình xây dựng đất nước. Nhưng ý thức dân tộc mạnh mẽ đã giúp người Việt vượt lên trên mọi thách thức và khó khăn, vững bước tiến về phía trước.

Lòng yêu nước và ý thức dân tộc là vũ khí giúp Việt Nam chiến thắng mọi kẻ thù xâm lăng. (Ảnh tư liệu chiến thắng mùa xuân năm 1975).

Lòng yêu nước và ý thức dân tộc là vũ khí giúp Việt Nam chiến thắng mọi kẻ thù xâm lăng. (Ảnh tư liệu chiến thắng mùa xuân năm 1975).

Sức mạnh chống xâm lăng và ý chí tự cường

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước toàn dân và toàn thế giới về sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Cho đến hôm nay, Tuyên ngôn độc lập vẫn là áng văn lập quốc vĩ đại, là văn kiện khẳng định ý thức dân tộc mạnh mẽ của Việt Nam. Đó là tinh thần yêu nước gắn liền với ý thức sâu sắc về độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia dân tộc: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, thực sự đã thành một nước tự do và độc lập” và chân lý cuối cùng, đó là “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Tinh thần ấy, ý thức dân tộc ấy đã có từ ngàn đời, từ khi lập quốc, được toàn dân ta kế thừa và phát triển suốt chiều dài lịch sử. Chúng ta có truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước. Một đất nước bé nhỏ, nhưng từ lúc dựng nước đã phải đấu tranh liên tục với các thế lực ngoại xâm lăm le, kể từ thời kỳ đầu, khi nước Văn Lang và Âu Lạc ra đời cho đến suốt 1.000 năm Bắc thuộc. Đối mặt với những đội quân hùng mạnh của quân thù, mặc dù bị áp đặt văn hóa và quyền lực từ các triều đại phong kiến phương Bắc, người Việt vẫn không khuất phục. Những cuộc khởi nghĩa liên tục nổ ra qua các triều đại, có những cuộc khởi nghĩa thành công, có những khởi nghĩa kết thúc trong bi thảm, nhưng đều cho thấy tinh thần quật cường, ý thức dân tộc sáng ngời của Nhân dân ta.

Hiếm có dân tộc nhỏ bé nào, suốt hàng ngàn năm, liên tục chống chọi giặc mạnh, đối diện với những đội quân xâm lăng khiến cả thế giới khiếp sợ, mà lại liên tục có những chiến công lẫy lừng bốn bể, khiến cho năm châu phải ngả mũ kính phục như thế.

Lịch sử mãi mãi ghi tạc Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền trước quân Nam Hán, mở ra kỷ nguyên tự do, độc lập, chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc. Chiến tích ba lần đại thắng trước cuộc xâm lăng của đế quốc Nguyên Mông - một thế lực quân sự hùng mạnh và tàn bạo bậc nhất thế giới thời bấy giờ của vua tôi nhà Trần đã thành biểu tượng của sự đoàn kết, của ý thức dân tộc đầy can trường. Chiến thắng thần tốc của đội quân áo vải Quang Trung trong vòng 5 ngày đêm quét sạch 29 vạn quân Thanh đã khẳng định được sức mạnh quân sự đáng nể của Việt Nam, cho thấy ý chí quật cường của quân và dân ta, không bao giờ khuất phục trước bất cứ thế lực hung tàn nào.

Ý thức ấy vẫn được tiếp nối một cách mạnh mẽ qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Khi đất nước đối mặt với sự xâm lược của thực dân Pháp vào cuối thế kỷ XIX, một lần nữa ý chí dân tộc lại được khơi dậy mạnh mẽ. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã đưa ý chí dân tộc lên một tầm cao mới. Đảng đã phát huy một cách mạnh mẽ nhất sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, lòng yêu nước và ý chí dân tộc để làm nên thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, giành lại nền độc lập cho dân tộc sau gần một thế kỷ bị thống trị.

Một quân đội non trẻ, vũ khí thô sơ, thiếu thốn về vật chất nhưng chỉ với ý chí sắt son, ý thức dân tộc mãnh liệt, đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ý thức dân tộc tiếp tục được thể hiện qua sự kiên cường của toàn dân. Cả đất nước, dẫu bị chia cắt về địa lý, nhưng ý chí, tấm lòng không hề bị cách ngăn. Toàn dân, toàn quân từ hậu phương miền Bắc đến tiền tuyến miền Nam, đều sẵn sàng hy sinh tất cả để hướng đến một tâm niệm duy nhất: thống nhất đất nước, giành lại độc lập, để rồi, chúng ta có Đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước hòa bình, có được nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hôm nay.

Ý thức dân tộc là sức mạnh dựng xây đất nước

Đối diện với thiên tai, bão lũ, ý thức dân tộc trở thành sức mạnh lớn lao nâng đỡ người dân qua nguy khốn. (Ảnh: Nhóm cứu nạn của anh Nguyễn Văn Thanh từ Nghệ An ra Bắc hỗ trợ người dân vùng lũ - NVCC).

Đối diện với thiên tai, bão lũ, ý thức dân tộc trở thành sức mạnh lớn lao nâng đỡ người dân qua nguy khốn. (Ảnh: Nhóm cứu nạn của anh Nguyễn Văn Thanh từ Nghệ An ra Bắc hỗ trợ người dân vùng lũ - NVCC).

Khi khói lửa chiến tranh đã lùi xa, ý thức dân tộc không những không mất đi mà lại tỏa sáng mạnh mẽ trong hoàn cảnh đất nước phải đối mặt với những thách thức khổng lồ. Nền kinh tế bị tàn phá nặng nề sau hàng thập kỷ chiến tranh. Cơ sở hạ tầng kém phát triển, thiếu thốn nguồn lực và sự cô lập quốc tế đã đặt đất nước vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn.

Tháng 12/1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam với việc quyết định tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội. Những chính sách tái thiết kinh tế, xã hội được triển khai, với sự tham gia tích cực của toàn dân. Các cuộc cải cách sâu rộng về kinh tế và chính trị, phong trào lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đã phát huy sức mạnh của từng cá nhân, tập thể trong việc khôi phục lại nền kinh tế. Tinh thần đoàn kết và vượt khó trở thành phương châm sống của nhiều thế hệ sau chiến tranh, và sức mạnh ý chí đó đã giúp đất nước ổn định và từng bước đi lên sau những hoang tàn.

Bước vào thời kì Hội nhập quốc tế, ý thức dân tộc của toàn Đảng, toàn dân Việt vẫn luôn được khẳng định rõ nét. Dân tộc Việt, với trái tim cởi mở, tinh thần dám nghĩ dám làm, năng động sáng tạo đã mạnh dạn chuyển mình và hội nhập quốc tế. Từ việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007 đến tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam đã chứng minh được quyết tâm mở cửa, hội nhập và tận dụng những cơ hội để phát triển bền vững. Người Việt, từ cả hệ thống chính trị, người nông dân, công nhân, tiểu thương, nhà khoa học, doanh nghiệp... đã làm việc chăm chỉ hết mình, không ngừng tự nâng cấp, đổi mới, vươn lên, tất cả hướng về mục tiêu chung là nỗ lực đưa đất nước tiến lên, thoát khỏi nghèo đói, lạc hậu, sánh vai cùng cường quốc năm châu.

Trong thời điểm hiện nay, chúng ta lại thấy ý chí quật cường, tinh thần đoàn kết và ý thức dân tộc sáng tỏ hơn hết thảy. Đất nước chúng ta dẫu trong hòa bình, nhưng gian nan, thử thách chưa bao giờ kết thúc. Vẫn luôn có “diễn biến hòa bình”, những cuộc “xâm lược mềm” âm thầm mà nguy hiểm lăm le phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Đặc biệt là với công cụ mạng xã hội giúp lan tỏa thông tin, tiêm nhiễm các tư tưởng thù địch, sai sự thật một cách dễ dàng. Tuy nhiên, từ những người trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường đến những người trưởng thành, những người đã kinh qua hai cuộc kháng chiến và các thời kì xây dựng đất nước, cái nhìn sáng rõ và tỉnh táo, tinh thần yêu nước và chính trực luôn ăn sâu vào trong máu huyết. Những tiếng nói ngược, phá hoại luôn bị phản ứng, những thế lực xấu luôn bị vạch mặt trước sự đồng lòng, chung ý chí của Đảng và Nhân dân.

Những ngày qua, trong những cơn bão, lũ lớn tàn phá miền Bắc, ý thức dân tộc một lần nữa lại trở thành sức mạnh lớn lao nâng đỡ mọi người. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn từ các cơ quan đơn vị từ miền Nam, miền Trung nhanh chóng ra Bắc. Người dân cả nước lên tiếng kêu gọi, ủng hộ tiền bạc, hiện vật, sức người, tất cả đổ dồn để hỗ trợ cho miền Bắc qua cơn nguy nan. Cũng như những năm trước đây, khi khúc ruột miền Trung rơi vào lũ lớn tang thương, đồng bào miền Nam, miền Bắc cũng hết mình giúp sức, từ cứu nạn, cứu đói trong bão lũ, cho đến công cuộc tái thiết, khôi phục sản xuất sau thiên tai. Có thể nói, tinh thần "lá lành đùm lá rách" đã ăn sâu vào ý thức của dân tộc Việt, để đứng trước thử thách sẽ luôn nắm chặt tay nhau cùng vượt qua khó khăn, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Một trong các nhiệm vụ quan trọng được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; khơi dậy mọi tiềm năng, sức sáng tạo của mỗi người Việt Nam, lấy ấm no và hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Đây là yêu cầu cấp thiết trong toàn Đảng và hệ thống chính trị, đây cũng là sức mạnh mà Nhân dân Việt Nam luôn tự hào, luôn gìn giữ, là mục tiêu mà mỗi người Việt luôn hướng tới, với chung một ý thức, chung một tấm lòng.

Ngọc Mai

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/coi-nguon-chien-thang-va-phat-trien-dat-nuoc-post525367.html
Zalo