Cờ vua Việt Nam tìm lối đi sau ngôi vô địch trẻ thế giới

Cờ vua Việt Nam lại đón tin vui khi có nhà vô địch trẻ thế giới thứ 9 nội dung cờ tiêu chuẩn là Đầu Khương Duy. Tuy nhiên, không chỉ với kỳ thủ Hà Nội này mà với nhiều kỳ thủ trẻ khác, luôn cần một lối đi rõ ràng trong cách đầu tư cho tương lai.

Chức vô địch danh giá

Trong các nội dung thi đấu của cờ vua, nội dung cờ tiêu chuẩn truyền thống vẫn luôn được xem là danh giá nhất. Cũng vì thế chức vô địch nội dung U12 tại Giải vô địch cờ vua trẻ thế giới 2023 vừa qua tại Ai Cập trong màu áo đội tuyển Việt Nam của kỳ thủ Hà Nội Đầu Khương Duy càng được đánh giá cao nhất là khi nội dung thi đấu cờ tiêu chuẩn luôn thu hút nhiều kỳ thủ, tính cạnh tranh cao.

Trước Đầu Khương Duy, cờ vua Việt Nam từng có 8 kỳ thủ vô địch trẻ thế giới ở nội dung cờ tiêu chuẩn là: Đào Thiên Hải (U16 nam, năm 1993), Nguyễn Thị Dung (U12 nữ, 1994), Hoàng Thanh Trang (U20 nữ, 1998), Nguyễn Ngọc Trường Sơn (U10 nam, 2000), Lê Quang Liêm (U14 nam, 2005), Trần Minh Thắng (U8 nam, 2008), Nguyễn Anh Khôi (U10 nam, 2012 và U12 nam, 2014), Nguyễn Lê Cẩm Hiền (U8 nữ, 2015). Như vậy, cũng phải sau 8 năm, cờ vua Việt Nam mới có một nhà vô địch trẻ thế giới mới. Với riêng cờ vua Hà Nội, nơi nổi tiếng về đào tạo trẻ và có phong trào cờ vua hàng đầu cả nước, cũng phải đợi đến 15 năm kể từ sau chức vô địch lứa tuổi U8 năm 2008 của Trần Minh Thắng mới có thêm nhà vô địch trẻ thế giới khác nội dung cờ tiêu chuẩn.

Kỳ thủ Đầu Khương Duy đang có nhiều điều kiện để tiến xa trong sự nghiệp thi đấu cờ vua.

Kỳ thủ Đầu Khương Duy đang có nhiều điều kiện để tiến xa trong sự nghiệp thi đấu cờ vua.

Ngôi vô địch này không chỉ là tin vui với cờ vua Việt Nam, mà một lần nữa khẳng định tiềm năng phát triển mạnh mẽ của môn thể thao này tại Việt Nam. Đó còn là sự khẳng định rõ nhất vị thế trong bản đồ thể thao Việt Nam bởi không nhiều môn có được nhiều nhà vô địch trẻ thế giới như cờ vua. Không kể, chỉ với thành công của Lê Quang Liêm ở các sân chơi danh giá hơn của thế giới, cờ vua Việt Nam cũng được biết đến nhiều hơn, có tính phổ cập nhiều hơn tại Việt Nam. Cũng nhờ vậy mà lâu nay, phong trào tập luyện và thi đấu cờ vua tại Viêt Nam đã phát triển chóng mặt với nhiều giải đấu thu hút cả nghìn kỳ thủ tham dự.

Với những nhà quản lý, chức vô địch thế giới, kể cả ở giải trẻ của Đầu Khương Duy cũng là một trong những cách quảng bá tốt nhất về hình ảnh của Việt Nam với thế giới. Đây cũng là một trong những vai trò, sứ mệnh của thể thao nói chung và cờ vua nói riêng đã được các nhà quản lý nhắc đến nhiều lần.

Tất cả để thấy chức vô địch trẻ thế giới lứa tuổi U12 của kỳ thủ Đầu Khương Duy thực sự giá trị. Quan trọng là cách tận dụng tối đa thành công từ chức vô địch trẻ thế giới này và các ngôi vô địch trẻ.

Như nhiều nhà quản lý cũng nhận định, trong làng thể thao Việt Nam hiện nay, cờ vua là một trong số ít môn có thể duy trì thành tích lâu dài ở sân chơi thế giới, châu lục, đặc biệt ở các giải trẻ. Vì vậy, nếu có đầu tư nhiều hơn cho môn thể thao này cũng là điều bình thường.

Không thể dừng lại

Với trường hợp của Đầu Khương Duy, con đường đi đến chức vô địch U12 thế giới vừa qua không hoàn toàn tự phát mà có định hướng rõ ràng từ gia đình và ngành thể thao Hà Nội. Điều này hoàn toàn khác với khi kỳ thủ Trần Minh Thắng lên ngôi vô địch nội dung U8 thế giới năm 2008. Khi đó, điều kiện gia đình của Trần Minh Thắng không ở mức dư giả để có thể đầu tư cho con đi tập huấn hay thi đấu quốc tế. Toàn bộ kinh phí đầu tư cho Minh Thắng cũng như người anh trai Trần Tuấn Minh đều đến từ ngành thể thao Hà Nội. Sau này, cả hai cũng vẫn được ngành thể thao Hà Nội đầu tư để rồi Trần Tuấn Minh đã đạt danh hiệu Đại Kiện tướng quốc tế, từ đó có thể sống bằng nghề.

Còn Trần Minh Thắng vẫn chưa đủ chuẩn để đạt danh hiệu Đại Kiện tướng quốc tế. Điều đó cũng cho thấy, danh hiệu vô địch trẻ thế giới chỉ là bàn đạp chứ không thể là yếu tố quyết định để một kỳ thủ có thể vươn đến những đỉnh cao khác.

Mà trong giai đoạn hiện nay, khi kinh phí đầu tư cho thi đấu, tập huấn quốc tế của ngành thể thao Hà Nội cho môn cờ vua còn chứ thể đáp ứng hết nhu cầu thì lại càng cần đến vai trò của xã hội hóa. Ở đây, là vai trò của gia đình kỳ thủ, vai trò của các doanh nghiệp đồng hành cùng kỳ thủ. Như Đầu Khương Duy hiện đang có cả 2 yếu tố này khi được gia đình định hướng rõ ràng theo cờ vua chuyên nghiệp, đồng thời có cả doanh nghiệp hỗ trợ bên cạnh nguồn kinh phí đầu tư từ Cục TDTT, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội.

Đại Kiện tướng quốc tế Bùi Vinh, cũng là HLV đội cờ vua Hà Nội và đội tuyển quốc gia kể rằng, may mắn là tại Hà Nội hiện nay có nhiều gia đình sẵn sàng đầu tư về lâu dài cho con theo đuổi cờ vua chuyên nghiệp. Trong đó, ngoài đầu tư cho con, bố mẹ cũng sẵn sàng bỏ tiền túi để đồng hành với con ở các giải đấu quốc tế.

Đó là điều hiếm gặp ở thể thao Hà Nội, để thấy môn thể thao này có điều kiện tốt để phát triển. Cũng không ngẫu nhiên mà các nhà quản lý, các HLV đội tuyển cờ vua quốc gia đều tin rằng, nếu được đầu tư tốt thì trong 7-8 năm nữa, Đầu Khương Duy và một số kỳ thủ trẻ hiện nay sẽ là chủ lực của cờ vua Việt Nam tại các sân chơi lớn, có thể chia sẻ gánh nặng giành huy chương với các đàn anh.

Quan trọng nhất vẫn là duy trì cách đầu tư kết hợp được giữa ngành thể thao, gia đình kỳ thủ và các doanh nghiệp đồng hành. Đó là công thức “cứng” để có thể mang đến những thành công tiếp theo, trong đó sớm đoạt danh hiệu Đại Kiện tướng quốc tế, để những chức vô địch hay tấm huy chương giải trẻ thế giới được nhân lên giá trị.

Minh Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-thao/co-vua-viet-nam-tim-loi-di-sau-ngoi-vo-dich-tre-the-gioi-i712486/
Zalo