Có từ 10 - 20% người bệnh ung thư tử vong vì hậu quả của suy dinh dưỡng

Ước tính trên thế giới có tới 10 - 20% người bệnh ung thư tử vong vì hậu quả của suy dinh dưỡng hơn là do bệnh ung thư, tại Việt Nam con số này thậm chí có thể lớn hơn.

Đây là những thông tin được các chuyên gia y tế nhấn mạnh tại hội thảo khoa học "Dinh dưỡng ở người bệnh ung thư" do Bệnh viện Bạch Mai tổ chức hôm nay (5/4) ở Hà Nội.

PGS.TS Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai phát biểu khai mạc hội thảo.

PGS.TS Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai phát biểu khai mạc hội thảo.

Trên 85% người bệnh ung thư bị giảm cân hoặc suy dinh dưỡng trong quá trình mắc ung thư

Thông tin tại hội nghị cho hay, hiện nay, trên thế giới và tại Việt Nam, ung thư đang là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và số ca mắc mới dự kiến sẽ tăng đáng kể trong các thập kỷ tới.

Tại Việt Nam, theo báo cáo từ GLOBOCAN năm 2022, mỗi năm có 180.480 ca ung thư mới được phát hiện. Đồng thời, số trường hợp tử vong vì ung thư lên đến 120.184 ca.

PGS.TS Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, bệnh ung thư và các phương pháp điều trị ung thư như phẫu thuật, hóa chất, xạ trị đều ảnh hưởng sâu sắc đến khả năng ăn uống, hấp thu, tình trạng dinh dưỡng của người bệnh, trong đó chán ăn, sụt cân, mệt mỏi, suy dinh dưỡng rất phổ biến.

Theo thống kê, trên 85% người bệnh ung thư bị giảm cân hoặc suy dinh dưỡng trong suốt quá trình mắc ung thư và 50% người bệnh đã có thiếu hụt về dinh dưỡng khi mới bắt đầu chẩn đoán ung thư. Suy dinh dưỡng cũng tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, làm gián đoạn, giảm hiệu quả điều trị, tăng biến chứng và thậm chí gây tử vong.

Rất nhiều bằng chứng đã cho thấy dinh dưỡng cần được chú trọng ngay từ thời điểm chẩn đoán ung thư và trong suốt quá trình điều trị người bệnh. Đây cũng là mối quan tâm rất lớn của người bệnh cùng người nhà người bệnh.

PGS.TS Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai phát biểu.

PGS.TS Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai phát biểu.

Trong bài trình bày tại hội nghị, TS. Nghiêm Nguyệt Thu, Trung tâm Dinh dưỡng Lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh thêm: bệnh nhân ung thư có nguy cơ suy dinh dưỡng cao hơn đáng kể so với nhiều nhóm bệnh nhân khác trong các chuyên khoa y học. Các nghiên cứu trên thế giới ghi nhận tỷ lệ suy dinh dưỡng ở nhóm này dao động từ khoảng 20% đến hơn 70%, phụ thuộc vào tuổi tác, loại ung thư và giai đoạn bệnh.

Đặc biệt, TS Thu cho biết, bệnh nhân mắc các loại ung thư ở ống tiêu hóa, đầu – cổ, gan và phổi có nguy cơ cao nhất. Người lớn tuổi và bệnh nhân ở giai đoạn tiến xa của ung thư cũng có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao hơn rõ rệt.

Nhiều thông tin sai lệch về chế độ ăn hay thực phẩm chức năng cho người bệnh ung thư lan tràn trên mạng xã hội gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc

Tuy nhiên, tại hội thảo, các chuyên gia cũng thẳng thắn cho hay, trên thực tế vấn đề suy dinh dưỡng vẫn chưa thực sự được các bác sĩ lâm sàng nhìn nhận đầy đủ và ít được nhắc tới trong cả nghiên cứu và thực hành lâm sàng.

"Lợi dụng lòng tin của người dân cũng như sự thiếu thông tin của bác sĩ điều trị, có rất nhiều thông tin sai lệch về các chế độ ăn hay thực phẩm chức năng cho người bệnh ung thư lan tràn trên mạng xã hội gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc.

TS.BS Lưu Ngân Tâm - Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy trình bày báo cáo khoa học tại hội thảo.

TS.BS Lưu Ngân Tâm - Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy trình bày báo cáo khoa học tại hội thảo.

Người bệnh ung thư không chỉ mất số tiền lớn cho các chế độ hay thực phẩm này mà còn khiến tình trạng dinh dưỡng xấu hơn, suy kiệt, làm mất đi cơ hội điều trị bệnh"- PGS.TS Phạm Cẩm Phương nói.

Do vậy, theo PGS Phương, việc nâng cao nhận thức của cả người dân và nhân viên y tế trong vấn đề dinh dưỡng là rất cần thiết.

Cần coi tất cả các người bệnh ung thư là đối tượng có nguy cơ dinh dưỡng, từ đó sàng lọc phát hiện tình trạng suy dinh dưỡng qua nhiều phương tiện từ đơn giản nhất như chiều cao, cân nặng, tình trạng sụt cân gần đây hay đánh giá chỉ số pre-albumin trong máu, khối lượng cơ và từ đó đưa ra các phương pháp can thiệp phù hợp từ bổ sung dinh dưỡng đường miệng, đường tiêu hóa đến dinh dưỡng đường tĩnh mạch.

Để thực hiện được điều này, PGS Phương cũng như các chuyên gia dinh dưỡng, ung bướu đều nhấn mạnh cần có sự phối hợp giữa các bác sĩ lâm sàng, bác sĩ dinh dưỡng, tâm lý và đặc biệt là sự tuân thủ của người bệnh và hỗ trợ từ người nhà người bệnh.

Theo thống kê, trên 85% người bệnh ung thư bị giảm cân hoặc suy dinh dưỡng trong suốt quá trình mắc ung thư và 50% người bệnh đã có thiếu hụt về dinh dưỡng khi mới bắt đầu chẩn đoán ung thư.

Theo thống kê, trên 85% người bệnh ung thư bị giảm cân hoặc suy dinh dưỡng trong suốt quá trình mắc ung thư và 50% người bệnh đã có thiếu hụt về dinh dưỡng khi mới bắt đầu chẩn đoán ung thư.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nêu rõ: Bệnh viện Bạch Mai là Bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt, tiếp nhận các người bệnh trên cả nước, bệnh viện luôn mong muốn lấy người bệnh làm trung tâm, chăm sóc người bệnh một cách toàn diện nhất.

Do đó, hội thảo khoa học "Dinh dưỡng ở người bệnh ung thư" với sự tham gia của các chuyên gia trong cả lĩnh vực ung thư và dinh dưỡng lâm sàng trên cả nước mang tính chuyên sâu, được tổ chức với mục tiêu nâng cao nhận thức của các bác sĩ lâm sàng, đem lại các thông tin hữu cho các đồng nghiệp trong cả hai chuyên ngành, từ đó nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chất lượng cuộc sống của người bệnh ung thư.

"Chúng tôi hy vọng hội thảo là diễn đàn hữu ích cho các nhà nghiên cứu, các chuyên gia y tế, các thầy thuốc, nhân viên y tế trong công tác khám chữa bệnh"- PGS.TS Vũ Văn Giáp nói.

Các đại biểu đã nghe 4 bài báo cáo khoa học của 4 chuyên gia đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bạch Mai tập trung vào các chủ đề như: Tổng quan về dinh dưỡng trên người bệnh ung thư; Thực trạng và thách thức trong can thiệp dinh dưỡng trên người bệnh ung thư tại Bệnh viện Bạch Mai; Can thiệp dinh dưỡng trên người bệnh ung thư điều trị liệu pháp toàn thân; Can thiệp dinh dưỡng trước và sau phẫu thuật ung thư tiêu hóa.

Thái Bình/ Ảnh: BVCC

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/co-tu-10-20-nguoi-benh-ung-thu-tu-vong-vi-hau-qua-cua-suy-dinh-duong-169250405184540484.htm
Zalo