Có thể xử lý hình sự tài xế lái xe ô tô ngược chiều trên cao tốc không?

Theo luật sư, nhà làm luật nên nghiên cứu phương án tăng mức phạt để đảm bảo đủ sự răn đe, tạo thói quen văn minh cho lái xe khi lưu thông trên cao tốc.

Hình ảnh ô tô bật đèn pha, đi ngược chiều trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: cắt từ clip

Hình ảnh ô tô bật đèn pha, đi ngược chiều trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: cắt từ clip

Hành vi cố tình vi phạm pháp luật

Mới đây, mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh ô tô chạy ngược chiều trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Theo mốc thời gian hiển thị trên camera hành trình của phương tiện ghi hình, thời điểm xảy ra vi phạm là khoảng 19h36 ngày 25/8. Đáng nói, ô tô vừa bật đèn pha vừa lao vun vút ở làn đường có tốc độ tối đa đạt 120km/h.

Ngay sau đó, Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 2 (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an) đã làm rõ tài xế lái ôtô đi ngược chiều trong đêm trên làn 120km/h ở cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là ông Lê Chí M (49 tuổi, ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên).

Sau khi cảnh sát giao thông mời lên làm việc, tài xế Lê Chí M đã xuất trình bằng lái xe và giấy đăng ký phương tiện. Tại cơ quan công an, ông Lê Chí M cho biết, do đi nhầm đường nên đã điều khiển xe ô tô đi vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ Km8. Sau đó, đi ngược chiều khoảng 1km thì quay đầu lại đi đúng chiều đường và điều khiển xe rời khỏi cao tốc theo hướng về huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Đội tuần tra kiểm soát đường bộ cao tốc số 2 đã tiến hành lập biên bản xử phạt hành chính với ông Lê Chí M với lỗi điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc. Theo Nghị định 100/2019 với lỗi này, tài xế Lê Chí M bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng (tại điểm a khoản 8 Điều 5), tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 5 - 7 tháng (điểm đ khoản 11 Điều 5).

Qua vụ việc, Cục cảnh sát giao thông khuyến cáo, các tài xế điều khiển ôtô lưu thông trên các tuyến cao tốc phải tuyệt đối tuân thủ pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Có dấu hiệu của hành vi gây rối trật tự công cộng?

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi đi ngược chiều hơn 1km trên cao tốc là hành vi cố tình vi phạm pháp luật. Bởi, cao tốc có làn đường cho phép chạy tốc độ tối đa 120km/h, vì vậy, khi lái xe chạy ngược chiều thì mức độ, hậu quả có thể xảy ra là cực kỳ lớn, gây ảnh hưởng nặng nề tới lái xe, gia đình những người tham gia giao thông trên đường nếu xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Đặc biệt, nếu hành vi đi ngược chiều trên đường cao tốc gây tử vong hoặc thiệt hại cho người khác về sức khỏe với tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị truy tố theo khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù cao nhất lên đến 15 năm.

Luật sư Đinh Thị Nguyên cho biết, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về khoản 4, Điều 260, Bộ luật Hình sự thực định nên những hành vi vi phạm luật giao thông nghiêm trọng, chưa gây ra hậu quả thì rất khó khăn trong việc xử lý hình sự. Bởi vậy, chuyên gia luật cho rằng, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông các cơ quan chức năng cần sớm có văn bản hướng dẫn quy định này để có hình thức xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng về giao thông đường bộ nhằm để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.

Nhiều bạn đọc cho rằng, trong vụ việc lái xe chạy ngược chiều trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có dấu hiệu của hành vi gây rối trật tự công cộng? Bởi hành vi này có thể gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, gây thiệt hại cho lợi ích Nhà nước, xâm phạm đến quyền và lợi ích tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, theo luật sư Đinh Thị Nguyên, cơ quan chức năng không chỉ căn cứ vào mức độ nguy hiểm của hành vi mà còn phải căn cứ vào thái độ, nguyên nhân, mục đích hành vi vi phạm, hậu quả xảy ra,… thì mới có thể truy tố về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318, Bộ luật Hình sự năm 2015.

“Theo Nghị định 100/2019, người điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc bị phạt tiền từ 16 -18, tước Giấy phép lái xe từ 5-7 tháng. Tôi cho rằng mức phạt này là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Ngoài việc phạt tiền lái xe, tôi cho rằng, cần bổ sung quy định trừ 12 điểm Giấy phép lái xe. Để từ đó, lái xe phải đi học lại, thi lại để được cấp Giấy phép lái xe mới. Hành vi đi ngược chiều trên cao tốc phải tương đương như hành vi sử dụng ma túy hay sử dụng nồng độ cồn quá mức cho phép và phải bị xử phạt nặng, thậm chí là sử xử lý hình sự. Vì vậy, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu phương án tăng mức phạt để đảm bảo đủ sự răn đe, tạo nên thói quen văn minh cho tài xế khi lưu thông trên cao tốc”- luật sư Đinh Thị Nguyên cho biết.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/co-the-xu-ly-hinh-su-tai-xe-lai-xe-o-to-nguoc-chieu-tren-cao-toc-khong-393076.html
Zalo