Có thể tháo gỡ điểm nghẽn thể chế bằng con đường tòa án?

Dù định nghĩa thể chế rộng hẹp thế nào thì pháp luật vẫn được coi là thành tố chính, đóng vai trò trung tâm. Có ý kiến nhấn mạnh các yếu tố chính sách, tổ chức bộ máy hay con người, tuy nhiên xét từ góc độ thực thi thì mọi thành tố của thể chế đều phải được thể chế hay luật hóa, tức quy định bởi pháp luật, chuyển hóa thành các quyền, nghĩa vụ hay chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm có liên quan. Do đó, bên cạnh công việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy để giảm cồng kềnh, tăng hiệu quả thì rất cần song hành với tháo gỡ các điểm nghẽn về pháp luật.

Điểm nghẽn trong pháp luật là gì ? Xem mục tiêu của tháo gỡ điểm nghẽn thể chế được Tổng Bí thư Tô Lâm đề ra, đó là Việt Nam phải trở thành nước phát triển với GDP cao gấp 3 lần hiện nay vào năm 2045, thì có nghĩa rằng các quy định nào của pháp luật gây cản trở việc thực thi các quyền Hiến định và luật định của người dân, cản trở tự do, sáng tạo của họ trong mưu cầu hạnh phúc và phát triển đất nước đều phải được bãi bỏ.

Vậy thì sẽ có hai câu hỏi tiếp theo, đó là: Ai phát hiện, nhận diện các điểm nghẽn pháp luật này và sau đó, cách thức nào để xử lý và loại bỏ nó?

Trong hệ thống pháp luật hiện hành, đang có hai cơ chế, một còn để ngỏ và một có thể áp dụng. Cơ chế thứ nhất nhằm bảo vệ Hiến pháp, tức yêu cầu mọi luật của Quốc hội ban hành đều phải tuân thủ Hiến pháp. Theo đó, tại điều 119 Hiến pháp 2013 có quy định “Cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định”. Tuy nhiên, từ đó tới nay, Quốc hội vẫn chưa ban hành đạo luật nào để hiện thực hóa cơ chế này, nói cách khác nó vẫn còn để ngỏ.

Cơ chế thứ hai đã được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, theo đó các cơ quan dân cử, từ Quốc hội đến hội đồng nhân dân; các cơ quan hành pháp cấp trên, từ Chính phủ đến các bộ và UBND có quyền giám sát, kiến nghị hoặc trực tiếp xử lý, đình chỉ, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật nếu thấy văn bản của cấp dưới trái với văn bản của cấp trên hoặc không còn phù hợp.

Vấn đề ở chỗ, việc thiết kế và tồn tại duy nhất cơ chế như vậy vẫn xuất phát từ một tư duy và triết lý lâu nay cho rằng hệ thống pháp luật gắn liền với Nhà nước, nó là “của Nhà nước và do Nhà nước...”. Cụ thể, Nhà nước ban hành pháp luật thì sẽ tự xử lý các vấn đề liên quan đến nó. Tuy nhiên, trong bối cảnh của thời đại mới, khi Tổng Bí thư đã thẳng thắn và công khai tuyên bố về các điểm nghẽn của thể chế như là “điểm nghẽn của các điểm nghẽn” cho công cuộc phát triển đất nước và đặt ra nhiệm vụ tháo gỡ, loại bỏ nó thì chắc chắn cái tư duy và triết lý trên cần phải thay đổi.

Phát triển quốc gia không phải chỉ là công việc của Nhà nước mà của toàn dân, trong đó Nhà nước đóng vai trò lãnh đạo và quản trị, còn người thực hiện là nhân dân, bao gồm mọi cá nhân, tổ chức và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, nếu tiếp tục chỉ cho phép tồn tại một cơ chế duy nhất, tức chỉ Nhà nước được phát hiện các điểm nghẽn để tự mình xử lý thì chẳng khác nào làm ngược với lẽ tự nhiên mà người đời đã đúc kết, đó là “Tự mình sẽ khó biết mình sai”. Chưa nói rằng nếu đặt một người vào tâm thế thông thường của lãnh đạo một bộ phận hay cơ quan, nếu công khai mình hay cấp dưới của mình đã sai như ban hành một văn bản vi phạm, sẽ đồng nghĩa với tự nhận mình thất bại. Hơn nữa, nếu cái sai ấy lại gián tiếp tạo khe hở và cơ hội cho các lợi ích cá nhân hay cục bộ, thì cũng theo lẽ tự nhiên “Tự mình sẽ khó sửa sai”.

Rất nhiều doanh nhân từng trải khi được hỏi đã nói rằng điều họ mong muốn nhất là các cải cách về tư pháp và tòa án. Còn đối với chính mình, tôi đang có nhiều hy vọng từ các phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm, đặc biệt khi ông nhấn mạnh: “Chúng ta không thể sống và làm khác biệt với thế giới xung quanh”.

Vượt lên tất cả, cần phải thừa nhận một logic của đời sống. Đó là chính người dân, nhất là các doanh nghiệp, mới là những người trong cuộc chịu ảnh hưởng, tác động của các quy định pháp luật. Họ hiểu biết và nhạy bén hơn ai hết, đồng thời cũng có năng lực sáng tạo cao nhất, trong việc phát hiện cũng như đề xuất các giải pháp để tháo gỡ các điểm nghẽn, ít nhất từ góc nhìn thực tiễn của quá trình phát triển.

Nếu dũng cảm nhìn thẳng vào thực tế như vậy, chúng ta phải nhận ra các khiếm khuyết của thể chế để tiến hành các bổ sung và hoàn thiện. Trong trường hợp này, đó là “con đường thứ ba”. Cụ thể, bên cạnh quy trình của các cơ quan lập pháp và hành pháp, cần có tòa án là thiết chế mới để giải quyết các “bất cập” của hệ thống pháp luật khi được người dân, các tổ chức và doanh nghiệp phát hiện và yêu cầu.

Nhìn vào hệ thống tòa án hiện nay, ngoài tòa án hình sự thì các tòa án còn lại chỉ có chức năng xét xử tranh chấp giữa các bên trong các giao dịch cụ thể. Trong đó, ngay cả tòa án hành chính có mục tiêu đấu tranh với các sai phạm trong hoạt động quản lý nhà nước thì cũng giới hạn việc xét xử vào từng hành vi hay quyết định hành chính cá biệt có sai phạm, tác động trực tiếp đối với các cá nhân, tổ chức. Như vậy, khi đã nâng vấn đề lên cấp độ cao, tổng thể và toàn diện là “nhận diện và tháo gỡ điểm nghẽn thể chế cho phát triển”, rõ ràng đã có một “khiếm khuyết hệ thống” được bộc lộ và cần khắc phục. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, về cơ chế bảo vệ Hiến pháp, Quốc hội vẫn chưa ban hành luật để thực thi, tức thiết lập một cơ quan và cơ chế đặc thù để xem xét và có thể đình chỉ, bãi bỏ các đạo luật, điều luật được ban hành nhưng không tuân thủ Hiến pháp. Nói cách khác, Quốc hội còn nợ cả Hiến pháp và nợ chính mình nghĩa vụ này.

Thứ hai, trong trường hợp một vụ tranh chấp cụ thể được đưa đến tòa án, khi áp dụng pháp luật để giải quyết, nếu phát hiện văn bản dưới luật có liên quan trái hoặc vi phạm luật, thì hội đồng xét xử có thẩm quyền và nghĩa vụ để bãi bỏ nó hay không? Trên thực tế, đã có khá nhiều trường hợp như vậy xảy ra, dẫn đến các ứng xử khác nhau giữa các tòa án hoặc có vụ án phải xử đi, xử lại ở nhiều cấp vì quan điểm áp dụng pháp luật khác nhau.

Thứ ba, không nhất thiết phải có tranh chấp pháp lý xảy ra, ngay trong đời sống dân sự và kinh doanh hàng ngày, nhiều người dân, doanh nghiệp thông qua cảm nhận trực tiếp hoặc được hỗ trợ bởi phân tích chuyên môn của luật sư, chuyên gia pháp lý cũng có thể nhận thấy rõ các điểm trái hay sự chồng chéo, bất nhất giữa một văn bản dưới luật và luật, và nó sẽ tạo các rủi ro pháp lý cho chính các giao dịch, dự án kinh doanh của họ. Khi đó, mặc dù có một con đường gọi là “góp ý, kiến nghị” chung lên các cơ quan có thẩm quyền hoặc phản ánh qua các phương tiện truyền thông, nhưng bởi thiếu các cơ chế rõ ràng, cái kết quả mong muốn sẽ không hoặc rất khó thành hiện thực. Do vậy, cần thiết phải có một cơ chế bổ sung minh bạch, hiệu lực và hiệu quả, theo đó các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp có quyền yêu cầu tòa án như một cơ quan chuyên môn và quyền lực để can thiệp, giải quyết.

Nhìn sang các nước, như một thực tiễn phổ biến hàng trăm năm, hầu hết các nước đều xây dựng một thiết chế riêng để bảo đảm sự tôn nghiêm của Hiến pháp và sự tuân thủ của bản thân bộ máy nhà nước đối với các đạo luật. Đó là các tòa án đặc thù, hoặc thiết chế tương tự gọi chung là tòa án hiến pháp, chuyên trách giải quyết các yêu cầu về xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của các hành vi nhà nước, đặc biệt trong tình huống các quyền cơ bản của công dân, tổ chức đã hiến định và luật định nhưng bị hạn chế, hủy bỏ bởi chính các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ban hành hay bản án của tòa án.

Đáng chú ý là trong cả lý thuyết và thực tiễn, người ta coi việc tồn tại của thiết chế tòa án hiến pháp nói trên là đặc trưng hay dấu hiệu quan trọng nhất của nhà nước pháp quyền.

Cuối cùng, qua hơn 10 năm kể từ khi Quốc hội nêu ra vấn đề này và ghi nhận nó trong Hiến pháp, câu hỏi là tại thời điểm này các điều kiện để thực hiện nó đã chín muồi hay chưa?

Rất nhiều doanh nhân từng trải khi được hỏi đã nói rằng điều họ mong muốn nhất là các cải cách về tư pháp và tòa án. Còn đối với chính mình, tôi đang có nhiều hy vọng từ các phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm, đặc biệt khi ông nhấn mạnh: “Chúng ta không thể sống và làm khác biệt với thế giới xung quanh”.

(*) Thành viên Văn phòng luật sư NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam.

LS. Nguyễn Tiến Lập (*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/co-the-thao-go-diem-nghen-the-che-bang-con-duong-toa-an/
Zalo