Có tầm nhìn, cách làm hiệu quả đưa Hoa Lư trở thành 'Đô thị di sản thiên niên kỷ' độc đáo, tiêu biểu
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ: Để Hoa Lư trở thành 'Đô thị di sản thiên niên kỷ' độc đáo, tiêu biểu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các cấp ủy Đảng, chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp, mỗi người dân cần có tầm nhìn, tư duy khác biệt và cách làm sáng tạo, hiệu quả.
Tối 19/1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã dự Lễ công bố thành lập thành phố Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) và đạt tiêu chí đô thị loại I.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ: Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết thành lập thành phố Hoa Lư trên cơ sở hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư; Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Hoa Lư, thành phố thứ 4 của vùng đồng bằng sông Hồng đạt tiêu chí đô thị loại I không chỉ sự khẳng định những thành tựu vượt bậc trong phát triển, mà còn đánh dấu một sự khởi đầu mới với không gian phát triển mới, động lực mới trên hành trình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.
Hoa Lư trở thành đô thị loại I là dấu mốc quan trọng, là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Tuy nhiên, để Hoa Lư trở thành "Đô thị di sản thiên niên kỷ" độc đáo, tiêu biểu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các cấp ủy Đảng, chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp, mỗi người dân cần có tầm nhìn, tư duy khác biệt và cách làm sáng tạo, hiệu quả.
"Ninh Bình có đủ 'thiên thời, địa lợi, nhân hòa' để làm được điều đó", Phó Thủ tướng tin tưởng và đề nghị tỉnh khẩn trương rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển đô thị Hoa Lư với tầm vóc và hình mẫu của Đô thị di sản, trung tâm công nghiệp văn hóa với tầm nhìn thế kỷ, phát huy giá trị bản sắc có từ nghìn năm.
Tỉnh cần nghiên cứu để có lộ trình phù hợp, huy động nguồn lực để phục dựng các di sản kiến trúc vật thể của Kinh đô Hoa Lư; hình thành nhiều hơn các không gian văn hóa cố đô - biểu tượng của vùng đất ngàn năm văn hiến; khôi phục các lễ hội, làng nghề truyền thống, các hoạt động diễn xướng, sinh hoạt văn hóa dân gian. Đặc biệt, phải bảo vệ nghiêm ngặt, phát huy hợp lý giá trị toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.
Phó Thủ tướng đề nghị Ninh Bình tập trung đầu tư hạ tầng xanh, năng lượng sạch, hạ tầng số, hạ tầng thông minh, tạo sự kết nối giữa đô thị hiện đại, văn hóa lịch sử, con người với chất lượng dịch vụ đô thị đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về môi trường sinh thái trong điều kiện khai thác hài hòa các yếu tố tự nhiên; bảo đảm cảnh quan, môi trường được giữ gìn và phục hồi tốt nhất, vì sức khỏe nhân dân, bảo vệ di sản, phát triển du lịch.
Phát triển hạ tầng xã hội theo hướng đa năng, ưu tiên mở rộng không gian văn hóa đô thị nhất là không gian văn hóa công cộng đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của người dân. Người dân Hoa Lư trong tương lai gần phải được hưởng thụ các dịch vụ xã hội chất lượng cao; hệ thống an sinh xã hội bền vững; dịch vụ trợ giúp xã hội đa dạng, chuyên nghiệp và môi trường sống thanh bình, an toàn, thân thiện với tự nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hoa Lư phải trở thành đô thị du lịch đáng sống, đáng trải nghiệm.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ninh Bình đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, lĩnh vực kinh tế thông qua phát triển hệ sinh thái kinh tế số, kinh tế xanh, du lịch xanh, các ngành công nghiệp văn hóa, giải trí, công nghiệp công nghệ cao.
Đặc biệt, Hoa Lư - Ninh Bình cần chú trọng phát triển du lịch bền vững dựa trên nền tảng giá trị di sản nhiên, di sản văn hóa và môi trường du lịch văn minh, thân thiện, độc đáo. Đồng thời, phát huy mạnh mẽ các giá trị văn hóa để thúc đẩy kinh tế du lịch, lấy kinh tế du lịch làm nền tảng để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.
Bên cạnh đó, Ninh Bình cần nhanh chóng chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình quản trị hiệu quả, ứng dụng công nghệ để tái hiện những tư liệu lịch sử, văn hóa, quảng bá mạnh mẽ du lịch Ninh Bình ra thế giới thông qua các hình thức hợp tác phù hợp, đa dạng. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các địa phương, loại hình, sản phẩm du lịch, tạo thành chuỗi điểm đến,trong đó Ninh Bình phải là động lực, thu hút du khách trên toàn thế giới.
Tỉnh cần chú trọng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là về du lịch; hình thành tư duy làm du lịch chuyên nghiệp, gắn với di sản vật thể, phi vật thể, sinh kế của nhân dân địa phương, bởi chính họ làm nên sức hút và sự đặc sắc của du lịch. Mỗi người dân Hoa Lư - Ninh Bình cần trở thành một sứ giả về văn hóa, du lịch; có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan bởi đó chính là nguồn sống của hôm nay và mai sau.
Từ dấu mốc lịch sử hôm nay, với truyền thống vẻ vang và lòng tự hào về Cố đô Hoa Lư, cùng tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình, Phó Thủ tướng tin tưởng thành phố Hoa Lư sẽ phát triển trở thành hình mẫu của một Đô thị di sản thiên niên kỷ giàu bản sắc, điểm đến hấp dẫn đối với du khách toàn cầu.