Cơ sở vững chắc cho Hà Nội phát triển
Việc nhanh chóng triển khai Luật Thủ đô 2024 sẽ giúp Hà Nội tháo gỡ những 'điểm nghẽn' để phát triển mạnh mẽ hơn, khẳng định vai trò là trung tâm chính trị, văn hóa và kinh tế hàng đầu cả nước. Dưới đây là một số ý kiến về vấn đề này.
TS Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Mở hành lang phát triển nông nghiệp đô thị
Hà Nội hiện có diện tích đất nông nghiệp lớn. Tuy nhiên, diện tích đất nông nghiệp đang có xu hướng giảm dần, trong khi tăng trưởng nông nghiệp chủ yếu nhờ chuyển dịch cơ cấu và tăng giá trị gia tăng thay vì tăng diện tích. Cụ thể, diện tích gieo trồng lúa đã giảm mạnh từ 313.000ha năm 2015 xuống còn 248.000ha vào năm 2023, trong khi sản lượng lúa giảm khoảng 19%.
Ngược lại, sản lượng từ chăn nuôi và các loại cây trồng khác đang tăng, nhờ sự phát triển của các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Để nông nghiệp của Hà Nội có thể đáp ứng yêu cầu mới, nâng cao giá trị bền vững, thành phố cần tập trung vào việc áp dụng công nghệ cao và số hóa trong nông nghiệp nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững.
Luật Thủ đô đã cho phép thành phố chủ động ban hành các chính sách phát triển ứng dụng công nghệ cao, thậm chí vượt trội hơn chính sách chung của cả nước. Tuy nhiên, cần có những quy định rõ ràng để đảm bảo việc áp dụng công nghệ cao và công nghệ số đem lại hiệu quả kinh tế và xã hội một cách rộng rãi và bền vững. Vì thế, HĐND thành phố cần sớm xây dựng các chính sách khuyến khích, thay thế cho các quy định cũ, nhằm tạo động lực thúc đẩy chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong giai đoạn 2024 - 2030.
Bên cạnh đó, việc phát triển nông nghiệp đô thị cũng là một xu hướng quan trọng mà Hà Nội cần thúc đẩy. Nông nghiệp đô thị không chỉ góp phần cung cấp lương thực cho các khu vực đông dân mà còn có vai trò trong việc tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho cư dân đô thị.
Quá trình đô thị hóa nhanh chóng cũng đang khiến cho nhiều vùng nông thôn của Hà Nội dần chuyển đổi sang mô hình đô thị. Điều này đòi hỏi việc xây dựng nông thôn mới cần phải tính đến đặc điểm của từng khu vực và định hướng phát triển lâu dài, phù hợp với quá trình đô thị hóa.
GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội:
Xây dựng và hoàn thiện thể chế về phân cấp, phân quyền
Xây dựng và hoàn thiện chính quyền Thủ đô không thể tách rời với các định hướng tổng thể xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Theo đó, mục tiêu tổng quát của việc xây dựng chính quyền Thủ đô là xây dựng nền hành chính Thủ đô thực sự dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân.
Vì thế cần phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về phân cấp, phân quyền giữa cấp chính quyền trong việc tổ chức và thực hiện các chính sách, đặc thù theo đúng quy định về phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND.
Trong đó, Hà Nội cần cải cách chế độ công vụ thông qua xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của chính quyền Thủ đô chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức của các cấp chính quyền Thủ đô.
Chúng ta phải thể chế hóa cơ chế quản lý, chế độ chính sách mới đối với việc tuyển dụng, quản lý sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được Luật Thủ đô quy định; có cơ chế chính sách ưu đãi để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc phát hiện, thu hút, trọng dụng người có tài và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao; đặc biệt đối với các lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển nhanh và bền vững ở địa bàn Thủ đô.
TS Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng khoa Pháp luật hành chính, nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội:
Kiểm soát chất lượng các văn bản quy định chi tiết
Với 9 chính sách đã được quy phạm hóa cụ thể trong Luật Thủ đô, nhiều chính sách vượt trội, đặc thù nên để soạn thảo được nội dung của các văn bản quy định chi tiết đòi hỏi các cơ quan tham mưu phải nghiên cứu thấu đáo. Về nguyên tắc, nội dung văn bản quy định chi tiết chỉ được cụ thể hóa nội dung của Luật Thủ đô mà không được đặt ra quy định mới, không được làm thay đổi nội dung, tinh thần của Luật, bởi về bản chất quy định chi tiết luật là một hình thức ủy quyền lập pháp từ Quốc hội cho cơ quan cấp dưới.
Chất lượng của các văn bản quy định chi tiết Luật Thủ đô được đánh giá trên cơ sở các tiêu chí về tính hợp Hiến, hợp pháp, tính thống nhất, tính khả thi... Vì vậy, việc kiểm soát chất lượng của các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật thuộc trách nhiệm của cơ quan thẩm định, thẩm tra dự thảo nghị định, nghị quyết, quyết định và thông tư trong giai đoạn soạn thảo văn bản.
Cụ thể là tuân thủ quy định về nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quy định về ban hành văn bản quy định chi tiết; quy định về trách nhiệm lập danh mục văn bản quy định chi tiết; quy định về triển khai xây dựng văn bản quy định chi tiết. Đối với những nội dung có hiệu lực thi hành từ 1-7-2025 là những nội dung phức tạp, cần thực hiện việc nghiên cứu kỹ và triển khai việc xây dựng văn bản, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành trong quý I và II-2025.
Trong đó, các sở, ban, ngành được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng văn bản cần chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, tập trung rà soát, nghiên cứu đề xuất những nội dung trọng tâm, trọng điểm, cần thiết, có khả năng thực hiện ngay để ban hành sớm, có hiệu lực cùng với hiệu lực thi hành của Luật Thủ đô.