Cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe cơ giới phải 'đăng kiểm' trước khi hoạt động
Từ 1/1/2025, theo quy định mới, cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe cơ giới trước khi đưa vào hoạt động phải được đánh giá, chứng nhận về sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Ngày 21 – 22/12, Cục Đăng kiểm VN tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến để phổ biến quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp; các thông tư, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến lĩnh vực kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới; quy chuẩn về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe cơ giới… Các văn bản quy phạm pháp luật trên đều có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025, cùng thời gian có hiệu lực của Luật Trật tự, ATGT đường bộ.
Dự hội nghị có gần 300 đại biểu đến từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), Hiệp hội ô tô, xe máy, xe đạp Việt Nam (VAMOBA) và đại diện của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới. Ngoài ra, còn có hơn 500 điểm cầu tham gia trực tuyến trên toàn quốc.
Tại hội nghị, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN Nguyễn Tô An cho biết, Bộ GTVT đã ban hành loạt văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thủ tục chứng nhận xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trong sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu, cùng với đó là một loạt các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan nhằm phù hợp với các quy định của Luật Trật tự, ATGT đường bộ.
Phó cục trưởng Nguyễn Tô An cho biết thêm, hội nghị nhằm trực tiếp hướng dẫn các Hiệp hội, các doanh nghiệp nắm rõ các quy định mới để triển khai thực hiện các công việc đảm bảo đúng quy định pháp luật. Cục Đăng kiểm VN cam kết luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, có trách nhiệm trong việc quản lý và hỗ trợ để các doanh nghiệp phát triển theo hướng tích cực. Trong quá trình xây dựng dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan chủ trì luôn kịp thời thông tin, cởi mở, cầu thị, tiếp thu các ý kiến đóng góp phù hợp của các doanh nghiệp, các Hiệp hội để đưa vào dự thảo.
"Tôi tin rằng với lần sửa đổi rất lớn các văn bản quy phạm pháp luật này không chỉ giúp nâng cao chất lượng phương tiện, hướng đến phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp mà còn mang đến luồng gió mới hướng các doanh nghiệp phát triển tốt hơn. Ngược lại, về phía các doanh nghiệp cũng phải chủ động thay đổi, ngay từ nhận thức đến quá trình triển khai. Cục Đăng kiểm VN phương châm luôn đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng cũng sẽ nghiêm khắc xử lý chấn chỉnh các trường hợp sai phạm", ông An chia sẻ.
Theo chương trình hội nghị, các nội dung được phổ biến, tuyên truyền và giải đáp gồm: Thông tư số 52/2024/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định về yêu cầu kỹ thuật đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng thuộc đối tượng nghiên cứu phát triển có nhu cầu. Thông tư số 53/2024/TT-BGTVT quy định về phân loại phương tiện giao thông đường bộ và dấu hiệu nhận biết xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường
Thông tư 54/2024/TT-BGTVT quy định về trình tự, thủ tục chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới trong nhập khẩu
Thông tư số 55/2024/TT-BGTVT Quy định về trình tự, thủ tục chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới trong sản xuất, lắp ráp. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe cơ giới (QCVN 121: 2024/BGTVT, ban hành kèm Thông tư số 50/2024/TT-BGTVT của Bộ GTVT).
Trong đó, về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe cơ giới, theo (QCVN 121: 2024/BGTVT, có hiệu lực từ 1/1/2025), cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe cơ giới (ô tô, xe máy) trước khi đưa vào hoạt động phải được công bố phù hợp với quy chuẩn.
Việc đánh giá và chứng nhận sự cơ sở phù hợp với quy chuẩn được thực hiện bởi Tổ chức đánh giá, do Cục Đăng kiểm VN chỉ định, theo quy định của pháp luật về Chất lượng sản phẩm hàng hóa, pháp luật về Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Sau đó, cơ sở bảo hành, bảo dưỡng nộp hồ sơ đăng ký công bố hợp quy chuẩn tại Sở GTVT địa phương.
Điều này được hiểu như việc cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe cơ giới phải qua "đăng kiểm" để được cấp chứng nhận sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, quy chuẩn cũng đề ra lộ trình 3 năm để các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô; cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe mô tô, xe gắn máy thực hiện đầy đủ các nội dung của quy chuẩn. Cụ thể, các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đã được doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô công bố là cơ sở bảo hành, bảo dưỡng theo quy định của pháp luật, Cơ sở bảo hành, bảo dưỡng mô tô, xe gắn máy đã thực hiện việc bảo hành, bảo dưỡng theo ủy quyền, chỉ định hoặc công bố của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe trước ngày 1/1/2025 thì từ ngày 1/1/2028 mới phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại quy chuẩn trên.
Theo định nghĩa tại QCVN 121: 2024/BGTVT: Cơ sở bảo hành, bảo dưỡng là cơ sở được doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ủy quyền, chỉ định hoặc công bố là cơ sở thực hiện việc bảo hành, bảo dưỡng cho các xe do doanh nghiệp đó sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu để kinh doanh tại Việt Nam.