Có rất nhiều dự án đạt giải cuộc thi nghiên cứu KHKT, vậy đã ứng dụng ra sao?
Nhiều chuyên gia cho rằng, có trường học vì chạy theo thành tích đã tìm cách để dự án của học sinh trường mình đạt giải cao bằng mọi giá.
Liên quan đến các lùm xùm sau đợt trao giải cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông năm học 2024 - 2025, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài viết đăng tải.
Sự việc của năm học này cùng với lùm xùm của các năm học trước đó đã dấy lên trong dư luận nhiều băn khoăn về tính thiết thực của các dự án tham gia cuộc thi vì chưa thấy sản phẩm nghiên cứu nào của học sinh được áp dụng vào thực tiễn. Đồng thời, qua đó nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại về tính liêm chính học thuật ở bậc học phổ thông sau sự việc vừa qua.
Dự án của học sinh nhưng trường tìm đến trường đại học trợ giúp?
Chia sẻ một số quan điểm với phóng viên về vấn đề này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, những tranh luận vẫn tiếp tục diễn ra sau khi trao giải cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật sẽ khó chấm dứt nếu các trường vẫn chạy theo thành tích.

Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: neu.edu.vn
"Không thể phủ nhận mục đích cũng như lợi ích mà cuộc thi mang lại cho học sinh. Nó góp phần tăng cường đam mê nghiên cứu khoa học kỹ thuật và kỹ năng STEM cho học sinh phổ thông. Tuy nhiên, căn bệnh thành tích đã làm méo mó đi những mục đích tốt đẹp mà cuộc thi này hướng đến.
Chính bản thân tôi khi còn làm Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh cũng đã từng có một số trường học gợi ý nhờ làm giúp dự án để tham dự với mục đích muốn đạt giải cao.
Qua đó để thấy rằng, trong rất nhiều dự án dự thi, có dự án không xuất phát từ chính sự tìm tòi, nghiên cứu của chính học sinh mà là các tác phẩm đi mượn, thậm chí là dự án được bỏ tiền ra để mua. Điều này nó tạo ra rất nhiều hệ lụy. Trong đó, chính vì căn bệnh thành tích đã khiến khả năng tự nghiên cứu của học sinh không được kích thích.
Hơn nữa nó tạo ra sự bất công giữa các nhóm học sinh với nhau, từ đó nó không đảm bảo được tính liêm chính trong hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật", Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh.
Qua đó, vị nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để Ban Giám khảo và bộ phận chấm dự án thẩm định được tính minh bạch của dự án tham gia là điều không khó.
Tuy nhiên, có thể do tác động của các yếu tố tiêu cực hoặc một phần do năng lực của những thành viên trong đội chấm dự án còn hạn chế nên dẫn đến việc, vẫn còn những dự án "đạo nhái" hoặc không có tính thực tiễn vẫn bị bỏ lọt, thậm chí là đạt giải cao.
Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng bày tỏ: "Hiện nay khi công nghệ đang phát triển thì sẽ không mất quá nhiều thời gian để Ban Giám khảo có thể kết luận được dự án tham gia có phải là sử dụng ý tưởng của người khác hay không.
Trong đó, có thể nhờ sự hỗ trợ của Ai để phân tích mức độ của dự án có phải là ăn cắp ý tưởng hay không. Nếu làm được điều này sớm, không để dự án có dấu hiệu gian lận được trao giải cao thì sẽ không xảy ra những hệ lụy và phiền toái sau mỗi cuộc thi.
Bên cạnh đó, Ban Giám khảo cũng có thể thông qua hình thức vấn đáp tại chỗ để sàng lọc những dự án có phải do nhóm học sinh đó nghiên cứu hay đang đi mua dự án từ người khác.
Bởi lẽ, nếu các dự án do chính các em tạo ra thì chính các em là người am hiểu nhất. Việc trả lời có tính thuyết phục và trơn tru các nội dung liên quan đến quá trình tạo ra dự án của nhóm học sinh là minh chứng rõ nét cho việc các em đã tự mày mò, nghiên cứu".
Ngoài những phương án đã nêu, Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng cũng đề cập đến việc nên có một tổ tư vấn độc lập ở cấp tỉnh để xem xét và đánh giá đề tài đó có đáng giá để gửi đi thi cấp quốc gia hay không. Điều này sẽ đảm bảo được các dự án tham gia có tính thiết thực và loại bỏ được nguy cơ có dự án trùng lặp.
Cũng theo vị Phó Giáo sư này, yêu cầu với tổ tư vấn độc lập là cần có những người am hiểu về khoa học kỹ thuật thực sự và không có bất cứ mối liên hệ nào đối với các Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc các nhà trường có dự án tham gia.
Cần sớm có giải pháp hữu hiệu đảm bảo liêm chính học thuật
Cùng quan điểm về vấn đề này, Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan – Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ (IPDI) cho hay, việc định hướng của nhà trường, các Sở Giáo dục và Đào tạo đối với các dự án mà học sinh triển khai cũng rất quan trọng. Điều này sẽ giúp học sinh lựa chọn và tạo ra các dự án có tính thực tế, dễ triển khai và có thể áp dụng được ngay.
Bên cạnh đó, cũng theo Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan, Ban tổ chức cuộc thi cũng nên cân nhắc về áp dụng những quyền lợi đối với những học sinh có dự án đạt giải cao. Việc không cho quá nhiều ưu tiên với việc đạt giải sẽ dần bỏ tư tưởng chạy theo lợi ích và thành tích của học sinh khi tham dự cuộc thi. Góp phần giảm thiểu tiêu cực đối với cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan – Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ. Ảnh: T.D
"Những tranh cãi xảy ra trong thời gian vừa qua cho thấy cơ quan quản lý cũng nên nhìn nhận lại và có sự điều chỉnh thích hợp. Trong đó, Ban tổ chức cuộc thi cũng nên có sự cân nhắc đến việc chỉ dừng lại ở mức độ trao giải cho học sinh chỉ để ghi nhận kết quả của sự tìm tòi và nghiên cứu của nhóm học sinh đó.
Việc nhiều trường học hiện nay vẫn tính điểm ưu tiên, thậm chí có chế độ "đặc cách" với các học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật đã khiến các em cố đạt giải bằng mọi cách.
Hơn nữa, tại một số trường học, việc có học sinh đạt giải ở cấp quốc gia còn được đưa vào để làm tiêu chí thi đua đã khiến cho tính chất cuộc thi không còn lành mạnh. Những điều này khiến cho những tiêu cực diễn ra là điều không tránh khỏi", Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ nêu quan điểm.
Qua đó, Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan cho rằng, việc định hướng và đưa ra các tiêu chí cụ thể hơn khi chấm giải đối với cuộc thi này là cần thiết và nên sớm bổ sung trước cuộc thi của năm sau để không xảy ra những lùm xùm như vừa qua. Trong đó, vị này nhấn mạnh đến việc nên ưu tiên các dự án có tính ứng dụng nhẹ nhàng, gần gũi với cuộc sống, sinh hoạt và học tập của học sinh.
"Từ những sự việc vừa rồi, Ban tổ chức ngoài việc điều chỉnh các tiêu chí phù hợp và có phương án hỗ trợ để hiện thực hóa các dự án đạt giải cao để áp dụng vào thực tế. Hạn chế tình trạng, năm nào cũng có nhiều dự án đạt giải cao nhưng đến nay vẫn không có sản phẩm nào áp dụng trong thực tế được công bố. Điều đó không chỉ gây tốn kém, lãng phí tiền của, công sức của học sinh, giáo viên mà nó không khích lệ được sự hứng thú của các thí sinh trong các năm tiếp theo.
Ngoài ra, cũng cần bổ sung thêm chế tài xử phạt các hành vi gian lận dự án tham gia. Trong đó, đối với những người hướng dẫn dự án được xác định sao chép lại ý tưởng thì cần xử phạt nghiêm và công khai để tạo ra tính răn đe và truy cứu trách nhiệm với tất cả các cá nhân có liên quan.
Nếu việc xử lý các dự án đảm bảo đúng người, đúng sự việc thì mới mong các dự án được dự thi vào các năm tiếp theo đảm bảo được tính liêm chính và công bằng", Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan nhấn mạnh.