Có quỹ tài sản hơn 53 tỷ USD, vì sao Harvard vẫn lao đao vì ông Trump?
Được đánh giá là cơ sở giáo dục đại học giàu có bậc nhất ở Mỹ, Đại học Harvard vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro khi bị chính quyền ông Trump đóng băng tài trợ.

Mâu thuẫn giữa Harvard và chính quyền ông Trump ngày càng gay gắt, nhiều người phản đối công khai cùng với khẩu hiệu "Tránh xa Harvard". Ảnh: BBC.
Tài chính của Đại học Harvard đã trở thành mục tiêu mới nhất của chính quyền Tổng thống Trump, và theo các chuyên gia, những đòn giáng này có thể gây tổn hại nặng nề.
Hiện tại, hơn 2,2 tỷ USD tài trợ liên bang và cùng khoản hợp đồng trị giá 60 triệu USD của Harvard đã bị chính quyền ông Trump đóng băng. Con số này có thể tăng nếu ông Trump thực hiện hóa những đòn giáng khác, theo CNN.
Dù có nguồn quỹ tài sản khổng lồ hơn 53 tỷ USD - nguồn lực dồi dào có thể giúp trường chống chọi với các khoản cắt giảm, gần 2/3 chi phí vận hành của Đại học Harvard lại đến từ các nguồn khác, bao gồm nguồn tài trợ nghiên cứu liên bang và học phí của sinh sinh viên.
“Ai cũng nghĩ ‘Harvard giàu lắm, không sao đâu’. Thực tế là đúng, Harvard rất giàu. Điều đó giúp trường có lợi thế để ứng phó với tình hình, nhưng không có nghĩa là họ có nguồn tiền vô hạn, và không phải nguồn tài trợ nào cũng có thể tiếp cận được,” bà Sandy Baum, chuyên gia cao cấp tại Viện Đô thị, người chuyên nghiên cứu tài chính giáo dục đại học, nhận định.
Có quỹ nhưng không thể dùng nhiều
Khi bị chính quyền ông Trump đóng băng tài trợ, nhiều người đặt câu hỏi vì sao Harvard không dùng đến quỹ tài sản. Thực tế, quỹ tài sản không thể được sử dụng linh hoạt như tài khoản ngân hàng. Nó phải được duy trì lâu dài và phần lớn bị giới hạn mục đích sử dụng.
Ví dụ, 80% trong số 53,2 tỷ USD quỹ tài sản của Harvard đã được chỉ định cho các mục tiêu cụ thể như hỗ trợ tài chính, học bổng, trả lương cho giáo sư, chi trả cho chương trình học thuật hoặc các dự án khác. 20% còn lại được dùng để duy trì hoạt động dài hạn của trường.

Trường Y Harvard rối ren vì mất nguồn tiền để thực hiện nghiên cứu. Ảnh: Harvard Medical School.
Việc rút tiền từ quỹ tài sản là điều bất khả thi vì nhiều lý do - một phần bị giới hạn về mặt pháp lý, một phần khác bị “trói” trong các tài sản kém thanh khoản như quỹ phòng hộ, khoản đầu tư tư nhân và bất động sản - những khoản không thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt.
Các khoản quyên góp vào quỹ tài sản được dùng để phục vụ cả thế hệ sinh viên hiện tại và tương lai. Vì vậy, Đại học Harvard chỉ có thể chi tiêu một phần rất nhỏ mỗi năm.
Như nhiều trường đại học khác, Harvard đặt mức chi tiêu hàng năm khoảng 5-5,5% giá trị thị trường của quỹ tài sản. Trong năm 2024, mức này tương đương 2,4 tỷ USD và số tiền đó được dùng để tài trợ cho hoạt động của trường. Tỷ lệ này được điều chỉnh bởi Harvard Corporation - cơ quan điều hành trường.
Đại học Harvard chưa công bố liệu họ có ý định sử dụng quỹ tài sản nhiều hơn hay không khi cân nhắc các bước đi tiếp theo. Theo giáo sư George S. McClellan tại Đại học Mississippi, việc sử dụng quỹ tài sản có thể đồng nghĩa với việc thế hệ sinh viên Harvard tương lai sẽ có ít nguồn lực hơn - điều mà các trường đại học thường cố tránh.
“Việc phải động đến phần 'gốc' của quỹ tài sản nói chung bị xem là điều rất tồi tệ. Nói chung, đó là điều cuối cùng mà một cơ sở giáo dục đại học muốn làm”, GS McClellan nói.
Tuy nhiên, thực tế đã có tiền lệ một số trường đại học gặp khủng hoảng tự điều chỉnh mức sử dụng quỹ tài sản. Ví dụ, vào năm 2020, khi Covid-19 bùng phát, Harvard Corporation từng tăng tỷ lệ dùng quỹ lên 2,5%.
Nhận định tình hình hiện tại của Harvard, các chuyên gia nói rằng nguồn tài trợ bị cắt giảm có thể đồng nghĩa với việc số người được nhận hỗ trợ tài chính sẽ ít đi, số nghiên cứu được tiến hành cũng sẽ giảm. Giữa ngã ba đường, Harvard cần phải cân nhắc giữa nhiều lựa chọn.
“Họ sẽ phải quyết định cắt giảm học bổng, tăng sĩ số lớp học, hay nói với giảng viên rằng họ không thể nghiên cứu nhiều như trước. Họ phải cân nhắc mình sẽ cắt ở khía cạnh nào trong sứ mệnh giáo dục”, giáo sư kinh tế Gregory Mankiw tại Đại học Harvard chia sẻ, đồng thời cho rằng đây là những lựa chọn rất đau đớn với ban lãnh đạo và gây tổn thất lớn với xã hội.

Tổng thống Trump cắt nguồn tiền của Harvard và số tiền bị đóng băng có thể tăng. Ảnh: Reuters.
Chưa từng có trong tiền lệ
Trước tình cảnh này, trường Y Harvard đã phải chuẩn bị cho nguy cơ sa thải nhân sự. Vốn đã bị thâm hụt ngân sách từ các năm trước, trường này dự đoán tình hình sẽ tệ hơn do thuế quan, lạm phát, chi phí tăng cao và việc cắt giảm hoặc đóng băng tài trợ nghiên cứu liên bang.
Trong khi đó, trường Y tế Cộng đồng trực thuộc Đại học Harvard đã nhận 3 lệnh tạm dừng nghiên cứu chỉ trong một tuần. Trường này cũng phải chấm dứt 2 hợp đồng thuê mặt bằng bên ngoài khuôn viên trường.
“Tình hình hiện tại thực sự là chưa từng có tiền lệ. Chúng tôi vẫn chưa biết tác động tài chính với Harvard sẽ lớn đến mức nào. Chúng tôi đã tồn tại từ năm 1636 và đã vượt qua nhiều biến cố. Tôi tin Harvard vẫn sẽ là một cơ sở giáo dục hàng đầu sau 30 năm nữa, nhưng vài năm tới sẽ rất gian nan", người phát ngôn của Đại học Harvard nói với CNN.
Bên cạnh việc đóng băng tài trợ, chính quyền ông Trump còn tăng sức ép bằng kế hoạch tước bỏ quy chế miễn thuế dành cho Đại học Harvard. Các chuyên gia nói với CNN rằng tác động của việc thay đổi quy chế thuế rất khó định lượng.
Như vậy, Đại học Harvard có thể sẽ phải trả thuế cho phần bất động sản mà trường sở hữu tại Boston và Cambridge. Đồng thời, các khoản quyên góp cho trường sẽ không còn được miễn thuế. Chi phí huy động vốn cũng có thể tăng vọt.
“Họ sẽ không còn được phát hành trái phiếu miễn thuế. Họ đang vận hành một hệ thống khổng lồ với quy mô rất lớn. Nếu muốn mời những giáo sư giỏi nhất, nhà nghiên cứu xuất sắc, muốn có phòng thí nghiệm tốt nhất, họ sẽ phải tốn rất nhiều tiền", bà Lisa Washburn, Giám đốc điều hành Municipal Market Analytics, nhận định.
Ngoài vấn đề thuế, chính quyền ông Trump còn đe dọa thu hồi chứng nhận chương trình Sinh viên và Trao đổi (SEVP) của Harvard - điều kiện cho phép trường đón sinh viên quốc tế.
Nếu không thể tiếp nhận sinh viên quốc tế, trường này có thể mất đi một phần nguồn thu bởi vì sinh viên quốc tế thường phải đóng toàn bộ học phí. Nhóm sinh viên này chiếm 27,2% tổng số sinh viên của Harvard trong năm học 2024-2025.