Cơ quan viện trợ USAID là gì và tại sao lại bị ông Trump đóng cửa?
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét kế hoạch sáp nhập Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) vào Bộ Ngoại giao trong một nỗ lực lớn nhằm tinh giản bộ máy hành chính và điều chỉnh chi tiêu theo chính sách 'Nước Mỹ trên hết'.
Đây là một phần trong chiến lược của ông Trump nhằm cắt giảm các cơ quan chính phủ và tăng cường kiểm soát chi tiêu liên bang. Elon Musk, tỷ phú đứng đầu chiến dịch tinh giản bộ máy chính phủ của ông Trump, được giao nhiệm vụ giám sát dự án này.
Trong khi ông Trump chỉ trích USAID là "được điều hành bởi một nhóm những kẻ điên cuồng cấp tiến", Musk gọi tổ chức này là "tổ chức tội phạm". Cả hai đều cho rằng USAID cần phải bị giải thể, với Musk khẳng định "đã đến lúc nó phải chết".
USAID là gì và tổ chức này hoạt động như thế nào?
USAID được thành lập vào năm 1961 dưới thời Tổng thống John F. Kennedy nhằm điều phối hiệu quả các hoạt động viện trợ nước ngoài của Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, khi viện trợ quốc tế trở thành công cụ quan trọng để chống lại ảnh hưởng của Liên Xô.
Ngày nay, USAID quản lý khoảng 60% viện trợ nước ngoài của Mỹ, với 43,79 tỷ USD được giải ngân trong năm tài chính 2023. Cơ quan này có khoảng 10.000 nhân viên, trong đó khoảng 2/3 làm việc tại các quốc gia khác.
Các hoạt động của USAID bao gồm hỗ trợ các quốc gia trong các lĩnh vực như xóa đói giảm nghèo, cung cấp dịch vụ y tế, thúc đẩy phát triển kinh tế và giúp các quốc gia tham gia vào thương mại toàn cầu. Trong năm 2023, những quốc gia nhận viện trợ lớn nhất từ USAID bao gồm Ukraine, Ethiopia, Jordan, Somalia, Yemen, và Syria.
USAID nhận tài trợ từ Quốc hội Mỹ, với ngân sách được xác định theo yêu cầu của chính quyền. Các khoản viện trợ này chủ yếu nhằm giúp đỡ các quốc gia đang gặp khó khăn, đặc biệt là những quốc gia có tầm quan trọng chiến lược hoặc đang chịu ảnh hưởng từ xung đột.
Mỹ chi bao nhiêu cho viện trợ quốc tế?
Trong năm tài chính 2023, Mỹ đã chi tổng cộng 72 tỷ USD cho viện trợ quốc tế, chiếm khoảng 42% tổng số viện trợ nhân đạo toàn cầu. Sự đóng góp này không chỉ bao gồm viện trợ cho các khu vực xung đột mà còn hỗ trợ trong các lĩnh vực như sức khỏe phụ nữ, điều trị HIV/AIDS, cung cấp nước sạch và tăng cường an ninh năng lượng.
Tuy nhiên tỷ lệ viện trợ so với GDP của Mỹ lại khá thấp, chỉ ở mức 0,24% GDP trong năm 2023. Điều này khiến Mỹ đứng cuối danh sách các quốc gia giàu có trong tỷ lệ viện trợ so với thu nhập quốc dân. Đứng đầu danh sách là Na Uy, với 1,09% tổng thu nhập quốc dân dành cho viện trợ quốc tế.
Viện trợ nước ngoài tại Mỹ, mặc dù được các chính quyền và nhà lập pháp Đảng Dân chủ ủng hộ mạnh mẽ hơn, nhưng nhìn chung luôn nhận được sự hỗ trợ từ mọi tổng thống Mỹ dù thuộc Đảng Dân chủ hay Cộng hòa. Tuy nhiên, chính quyền của ông Trump lại có quan điểm khác biệt rõ rệt về viện trợ quốc tế.
Trước đây, chính quyền ông Trump đã đề xuất cắt giảm 1/3 ngân sách dành cho các vấn đề quốc tế, nhưng đề xuất này đã bị Quốc hội bác bỏ.
Thêm vào đó, các nỗ lực nhằm trì hoãn việc thông qua các luật viện trợ nước ngoài bổ sung vào năm 2024 cũng không thành công. Một ví dụ rõ ràng là vào tháng 6/2024, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu bác bỏ sửa đổi nhằm loại bỏ viện trợ nước ngoài khỏi ngân sách tài chính năm 2025.
Ai đang điều hành USAID?
Dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, USAID được điều hành bởi bà Samantha Power, một nhà ngoại giao người Mỹ gốc Ireland.
Bà Power, người từng là đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc dưới thời Tổng thống Barack Obama, đã đưa ra các ưu tiên chính cho USAID trong chiến lược chính sách của mình, bao gồm khủng hoảng khí hậu, ngăn chặn làn sóng độc tài và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện.
Bà Power nhấn mạnh vai trò của USAID trong việc thể hiện sức mạnh mềm của Mỹ, đồng thời chỉ trích các chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc và Nga, trong đó đánh giá thấp công việc của tổ chức này.
Ngược lại, chính quyền ông Trump không tin rằng ngành viện trợ quốc tế phù hợp với lợi ích của Mỹ. Ông Trump từng đưa ra lệnh hành pháp vào ngày 20/1, yêu cầu tạm dừng hầu hết viện trợ nước ngoài trong 90 ngày với lý do viện trợ này "không phục vụ lợi ích của người Mỹ" và "trái ngược với các giá trị của Mỹ".
Ông Trump chỉ trích rằng các chương trình viện trợ có thể "phá hoại hòa bình thế giới", và chỉ đạo thay đổi cách phân bổ viện trợ theo chính sách "Nước Mỹ trên hết".