Cơ quan lập đề xuất chính sách có trách nhiệm tổ chức tham vấn chính sách
Sáng 19-2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Kết quả biểu quyết cho thấy, có 459/461 đại biểu Quốc hội có mặt tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua Luật này, chiếm tỷ lệ 96,03% tổng số đại biểu Quốc hội.
Luật được thông qua có bố cục gồm 9 chương với 72 điều quy định về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung cơ bản về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật này không quy định về làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Về lấy ý kiến, tham vấn chính sách, luật quy định, cơ quan lập đề xuất chính sách có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản, cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị tham gia góp ý kiến.
Cơ quan lập đề xuất chính sách cũng có trách nhiệm tổ chức hội nghị tham vấn Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, bộ, cơ quan ngang Bộ đối với chính sách liên quan trực tiếp thuộc phạm vi, lĩnh vực phụ trách trong quá trình xây dựng chính sách. Theo yêu cầu của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội được tham vấn, cơ quan lập đề xuất chính sách mời đại diện cơ quan khác của Quốc hội, đối tượng hoặc tổ chức đại diện cho đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia hội nghị. Tại hội nghị tham vấn, lãnh đạo cơ quan lập đề xuất chính sách thuyết trình và giải trình các vấn đề liên quan đến chính sách. Cơ quan lập đề xuất chính sách có trách nhiệm xây dựng văn bản về kết quả tham vấn chính sách trong đó phải nêu rõ quan điểm của cơ quan, tổ chức, cá nhân được tham vấn.
Việc tham vấn chính sách đối với bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trước khi biểu quyết thông qua, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày.
Về tham vấn chính sách (các điều 3, 6, 30 và 68), Ủy ban Thường vụ cho biết, một số ý kiến đề nghị rà soát quy định về hoạt động tham vấn chính sách bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan của Quốc hội; quy định rõ cơ quan lập đề xuất chính sách có trách nhiệm chủ trì tổ chức tham vấn; nghiên cứu xác định rõ đối tượng tham vấn để bảo đảm tính khả thi.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tham vấn chính sách là quy định mới được bổ sung vào quy trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết nhằm bảo đảm chính sách của dự án được xây dựng có chất lượng, giải quyết hiệu quả những vấn đề thực tiễn đặt ra, hướng tới mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành, sớm đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống.
Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới, việc tổ chức thực hiện cần được quy định hợp lý để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan có liên quan và không làm ảnh hưởng đến tính khách quan, độc lập của cơ quan thẩm tra.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng cơ quan lập đề xuất chính sách có trách nhiệm tổ chức tham vấn chính sách; chủ thể được tham vấn là Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội và Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan lập đề xuất chính sách có trách nhiệm mời các chủ thể, như đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, đại diện tổ chức xã hội nghề nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học… tham dự hội nghị tham vấn theo yêu cầu của cơ quan được tham vấn (điểm b khoản 1 Điều 30).