Cổ phiếu Vingroup 'bay cao' bất chấp thị trường lao dốc
Bất chấp đà điều chỉnh của thị trường, VIC vẫn miệt mài tăng phiên thứ 6 liên tiếp và tiến lên mốc 58.000 đồng/đơn vị, cao nhất 18 tháng qua.

Cổ phiếu của Vingroup đã tăng hơn 40% trong tháng 3. Ảnh: VIC.
Tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa có nhiều cải thiện trong phiên 28/3. Tình trạng này khiến dòng tiền nhập cuộc hờ hững và tiếp tục đứng ngoài quan sát xu hướng thị trường.
VN-Index không có nhiều diễn biến nổi bật trong phiên hôm nay, chủ yếu “ngụp lặn” dưới tham chiếu trước sức ép từ nguồn cung. Sự giằng co xuất hiện vào cuối phiên chiều khi chỉ số chính tiến sát mốc 1.315 điểm, song không đủ để đảo ngược tình thế.
Kết phiên, VN-Index giảm 6,35 điểm (-0,48%) xuống mốc 1.317,46 điểm; HNX-Index giảm 1,34 điểm (-0,56%) xuống mốc 238,2 điểm; UPCoM-Index giảm 0,34 điểm (-0,35%) xuống 98,62 điểm.
Việc thiếu vắng dòng tiền bắt đáy khiến không khí giao dịch có phần ảm đạm. Thanh khoản trên cả 3 sàn cũng chỉ duy trì quanh vùng 18.600 tỷ đồng.
Bảng điện tử bị sắc đỏ lấn át với 470 mã giảm (gồm 24 mã giảm sàn), 800 mã đứng giá và 336 mã tăng (gồm 29 mã tăng trần).
Trong đó, rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 đóng góp 18 mã giảm, 6 mã giữ tham chiếu và 6 mã tăng. Chỉ số đại diện rổ vì thế bước lùi hơn 6 điểm xuống còn 1.373 điểm.

VN-Index giảm 3 phiên liên tiếp. Ảnh: TradingView.
Áp lực tiêu cực tác động đến VN-Index chủ yếu đến từ các bluechip như VCB (-1,1%), FPT (-1,7%), HPG (-1,3%), VNM (-1,3%), PLX (-2,8%), TCB (-0,7%), HDB (-1,8%), CTG (-0,6%), MSN (-1,3%) và BSR (1,8%).
Trái ngược, cổ phiếu VIC (+1,6%) nỗ lực bảo vệ chỉ số chính và dẫn đầu nhóm tăng giá gồm LPB (+1,4%), BSI (+4,8%), VCF (tăng trần), BMP (+3,7%), SSB (+0,5%), KBC (+1,2%), VND (+1%), BVH (+0,6%) và HCM (+0,9%).
Cổ phiếu VIC của Vingroup vẫn là hiện tượng gây chú ý trong vòng 1 tháng trở lại đây. Bất chấp đà điều chỉnh của thị trường, VIC vẫn miệt mài tăng phiên thứ 6 liên tiếp và tiến lên mốc 58.000 đồng/đơn vị, cao nhất 18 tháng qua.
Nhìn rộng ra, cổ phiếu VIC đã tăng hơn 41% trong tháng này, qua đó mở rộng vốn hóa thị trường lên gần 222.000 tỷ đồng.
Mức vốn hóa này đưa Vingroup vượt qua Techcombank để trở lại vị trí doanh nghiệp tư nhân vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán, đồng thời là doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 4 sàn HoSE (sau 3 ngân hàng quốc doanh Vietcombank, BIDV và VietinBank).
Sự đột biến này diễn ra trong bối cảnh loạt thông tin tích cực liên quan đến tập đoàn xuất hiện dồn dập. Không chỉ là câu chuyện niêm yết Vinpearl, Vingroup còn hưởng lợi nhờ tốc độ triển khai hàng loạt dự án lớn như Khu đô thị lấn biển Cần Giờ.
Mới đây, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng khởi công dự án Khu đô thị mới Hậu Nghĩa - Đức Hòa (tên thương mại Vinhomes Green City) tại tỉnh Long An.
Dự án có quy mô gần 200 ha, tổng mức đầu tư hơn 28.000 tỷ đồng, được tỉnh Long An chấp thuận vào tháng 10/2023. Đây không chỉ là dự án bất động sản tỷ USD đầu tiên tại Long An mà còn là dự án đầu tiên của Vingroup tại địa phương này.
Về giao dịch khối ngoại hôm nay, nhóm này bán ròng gần 500 tỷ đồng, tập trung vào 3 bluechip gồm PNJ (-164 tỷ đồng), VNM (-148 tỷ đồng), FPT (-88 tỷ đồng).
Ngược lại, mã VIX được gom mạnh 209 tỷ đồng, VND (+70 tỷ đồng) và VHM (+46 tỷ đồng).