Cổ phiếu VIC rơi tự do, vốn ngoại xả quá nửa tổng thanh khoản

Dòng tiền có tín hiệu tăng trở lại trong phiên sáng nay nhưng giao dịch rơi vào trạng thái giằng co và các chỉ số không biến động lớn. Ảnh hưởng nghiêm trọng từ 'siêu trụ' VIC kết hợp với VCB đã gây sức ép rất lớn...

Một vài blue-chips lớn nhất đang gây sức ép lên chỉ số.

Dòng tiền có tín hiệu tăng trở lại trong phiên sáng nay nhưng giao dịch rơi vào trạng thái giằng co và các chỉ số không biến động lớn. Ảnh hưởng nghiêm trọng từ “siêu trụ” VIC kết hợp với VCB đã gây sức ép rất lớn.

Đà giảm chóng mặt của VIC được “dự báo” khi hôm qua mức giảm 6% đánh thủng vùng hỗ trợ 3 tháng của cổ phiếu này. Áp lực bán tăng vọt tiếp tục khiến VIC giảm thêm 4,39% trong sáng nay.

Khối lượng giao dịch tại VIC cũng khá lớn với 5,22 triệu cổ tương đương 465,8 tỷ đồng. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài xả xấp xỉ 2,7 triệu cổ, tương đương 51,6% tổng thanh khoản. VIC cũng là cổ phiếu bị khối này xả trọng điểm trên thị trường sáng nay khi tổng giá trị bán ròng lên tới 203,1 tỷ đồng.

Áp lực bán lớn tại VIC khiến giá giảm sâu đang là yếu tố chính khiến VN-Index tăng quá nhẹ 0,18%, dù các blue-chips VN30 cũng khá tốt. Chỉ số VN30-Index đang tăng 0,49% với 16 mã tăng/13 mã giảm. Riêng VIC khiến VN-Index bốc hơi tới gần 4 điểm.

Ngoài VIC, VCB sụt giảm 1,62%, MSN giảm 1,76% cũng là hai trụ có ảnh hưởng xấu. Tuy vậy hai mã này khác VIC, diễn biến giảm không liên tục. VCB trong tháng 1/2022 tăng khoảng 12,9%. MSN sau khi giảm 16,4% trong nửa đầu tháng 1 đã tạm cân bằng.

Ngoài ảnh hưởng của vài trụ lớn, tổng thể các blue-chips vẫn đang giao dịch ổn định và giữ nhịp thị trường chung rất tốt. Cổ phiếu thép và ngân hàng phần lớn tăng nổi bật: HPG tăng 4,76%, VPB tăng 3,44%, ACB tăng 2,88%, TCB tăng 1,33%, CTG tăng 0,96%... Trong 27 mã ngân hàng trên cả 3 sàn, chỉ có 9 mã giảm giá.

Trong khi đó nhóm thép và vật liệu xây dựng nhiều mã cực mạnh. Ngoài HPG tăng 4,76%, HSG, NKG lên kịch trần, TLH tăng 6,44%, VGS tăng 5,43%... Các cổ phiếu thép đều đã trải qua giai đoạn gian khổ cùng cực khi giảm quá mạnh trong nhiều tháng. Điều này phần nào khiến mức định giá trở nên hấp dẫn hơn.

Nhóm VN30 cũng đang thu hút dòng tiền khá tốt, giao dịch sáng nay tăng gần 15% so với sáng hôm qua, đạt 5.893,4 tỷ đồng. HPG và các mã ngân hàng trong rổ đóng góp xấp xỉ 67% mức thanh khoản này.

VN-Index đang giằng co dù blue-chips tăng giá nhiều hơn.

Với độ rộng 268 mã tăng/171 mã giảm ở sàn HoSE, tổng thể thị trường đang trong tình trạng phân hóa. Đây là thời điểm mà hiệu quả danh mục phát huy sự khác biệt. VN-Index bị kiềm chế rất rõ từ các trụ nên sẽ rất khó bùng nổ tăng, ít nhất tới khi các trụ như VIC đạt tới ngưỡng cân bằng.

Các cổ phiếu đầu cơ tăng giá tưng bừng hôm qua cũng “nguội” đi. Cả sàn HoSE chỉ còn 18 mã kịch trần, HNX có 6 mã. QBS, VPH, ITA, IDI, CMX, HID... thanh khoản khá ấn tượng. Tuy vậy cũng có không ít cổ phiếu được bắt đáy tăng mạnh phiên đầu năm đã gặp lực bán cắt lỗ mới và quay đầu giảm như NBB, CII... Nhìn chung các mã đầu cơ giảm quá mạnh trong ngắn hạn luôn thường trực khối lượng mắc kẹt rất lớn và giá phục hồi sẽ gặp lực cản từ nhóm này.

Sau phiên giao dịch “lấy may” đầu năm với thanh khoản khá kém, sáng nay thị trường có tín hiệu phục hồi về thanh khoản. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết tăng 27% so với sáng hôm qua, đạt gần 14.278 tỷ đồng. Trong đó, HoSE khớp tăng 27% đạt 13.204 tỷ đồng.

Khối ngoại đang bán ròng gần 240 tỷ đồng trên HoSE, dồn chủ đạo vào VIC. Ngoài ra NKG cũng bị bán ròng 41,4 tỷ, HPG khoảng 27,7 tỷ, VCB hơn 21 tỷ. Phía mua ròng không rõ ràng, chỉ có KBC VNM là trên dưới 20 tỷ ròng.

Kim Phong -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/co-phieu-vic-roi-tu-do-von-ngoai-xa-qua-nua-tong-thanh-khoan.htm
Zalo