Cổ phiếu TPC của Nhựa Tân Đại Hưng tiếp tục trong diện cảnh báo
Mới đây, Sở GDCK TP.Hồ Chí Minh (HOSE) đã ban hành văn bản về việc xử lý vi phạm liên quan đến cổ phiếu TPC của Công ty CP Nhựa Tân Đại Hưng do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối quý II/2024 âm. Vì vậy, cổ phiếu vẫn chưa đủ điều kiện để thoát khỏi diện cảnh báo.
Cụ thể, theo HOSE, cổ phiếu TPC của Công ty CP Nhựa Tân Đại Hưng giữ nguyên diện cảnh báo là do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6/2024 trên Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2024 của công ty đạt âm 8,16 tỷ đồng, chưa đáp ứng quy định đưa ra khỏi diện cảnh báo.
Trước đó, HOSE đưa cổ phiếu TPC vào diện bị cảnh báo từ ngày 29/3/2024 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 trên Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 là 15,2 tỷ đồng, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định.
Trước đó, TPC cũng đã văn bản giải trình khắc phục cổ phiếu diện cảnh báo quý II/2024 do lợi nhuận sau thuế âm. Theo đó, Hội đồng quản trị và Ban giám đốc TPC đã đề ra lộ trình khắc phục lỗ lũy kế năm 2024 với các biện pháp sau: tìm kiếm khách hàng mới, phát triển sản phẩm có biên lợi nhuận cao, duy trì sản lượng từ khách hàng cũ; tái cơ cấu sản xuất và tài chính bằng cách cắt giảm chi phí, giảm nhân sự dư thừa, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, đàm phán giảm lãi suất vay và hạn chế vay ngoại tệ; thanh lý tài sản không hiệu quả và đã hết khấu hao.
Bên cạnh đó, lãnh đạo TPC cũng cho biết, với các biện pháp đó, công ty đã đạt lợi nhuận sau thuế hơn 7 tỷ đồng vào cuối quý II/2024 và kỳ vọng sẽ hoàn thành kế hoạch đạt tổng lợi nhuận 10 tỷ đồng trong năm 2024 để sớm thoát khỏi tình trạng lỗ lũy kế.
Về tình hình kinh doanh của TPC, theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024, TPC ghi nhận doanh thu thuần hơn 115 tỷ đồng, giảm gần 18% so với đầu năm, mang về lợi nhuận gộp hơn 11 tỷ đồng sau khi khấu trừ giá vốn.
Doanh thu từ hoạt động tài chính của TPC giảm gần 17% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 1,5 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính giảm mạnh hơn 50%, xuống còn hơn 1 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng đáng kể, gần 77% so với cùng kỳ, lên hơn 4,6 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 32%, còn lại hơn 4,6 tỷ đồng.
Sau khi trừ các khoản chi phí, TPC đạt lợi nhuận sau thuế hơn 5,3 tỷ đồng, chuyển từ mức lỗ hơn 41 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, TPC ghi nhận doanh thu thuần hơn 203 tỷ đồng, giảm 27,5% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt hơn 7 tỷ đồng, so với khoản lỗ gần 50 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của TPC đạt hơn 450 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm gần 239 tỷ đồng, duy trì ổn định so với đầu năm. Doanh nghiệp nắm giữ hơn 16,4 tỷ đồng tiền mặt và tương đương tiền, hơn 79,6 tỷ đồng đầu tư giữ đến ngày đáo hạn, và hơn 76 tỷ đồng phải thu ngắn hạn. Giá trị hàng tồn kho đạt hơn 51 tỷ đồng.
Về nợ phải trả, TPC có hơn 156 tỷ đồng nợ ngắn hạn, trong đó nợ vay chiếm hơn 118 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu tăng nhẹ, đạt hơn 294 tỷ đồng./.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TPC bị đưa vào diện cảnh báo từ 29/3/2024 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2023 là số âm.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/8, giá cổ phiếu TPC giảm xuống còn 6.300 đồng/cổ phiếu từ mức 6.690 đồng. Tổng giá trị giao dịch trong phiên chỉ 6 triệu đồng.