Cổ phiếu tiêu dùng lên ngôi giữa bão thuế quan

Cổ phiếu tiêu dùng châu Á có thể hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại toàn cầu khi các nhà đầu tư tìm đến các công ty đáp ứng nhu cầu thiết yếu. Loạt dấu hiệu tích cực với cổ phiếu tiêu dùng

Các chiến lược gia của Goldman Sachs và Morgan Stanley đã khuyến nghị các cổ phiếu thuộc lĩnh vực tiêu dùng thiết yếu của châu Á trong các báo cáo mà họ công bố sau đợt áp thuế quan vào ngày 2/4 của Mỹ, kêu gọi các nhà đầu tư chuyển sang thế phòng thủ.

Loạt dấu hiệu tích cực với cổ phiếu tiêu dùng

Fidelity International xác nhận họ đã mua các cổ phiếu tiêu dùng của Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng nặng nề, với kỳ vọng rằng các công ty này sẽ được hưởng lợi từ các biện pháp kích thích tài khóa của chính phủ.

Chỉ số cổ phiếu MSCI châu Á - Thái Bình Dương thuộc lĩnh vực tiêu dùng thiết yếu đã tăng 5% kể từ ngày 2/4, là mức tăng trưởng tốt nhất trong số 11 lĩnh vực và vượt qua mức giảm 2,5% của chỉ số chung. Chuỗi siêu thị Yonghui Superstores Co. ở Trung Quốc và Kobe Bussan Co. ở Nhật Bản đều tăng ít nhất 19%, trong khi một số nhà sản xuất đồ uống và sữa khác cũng tăng trưởng tốt.

Đây là sự đảo chiều mạnh mẽ về vận may của ngành tiêu dùng, vốn đã trì trệ khi cơn sốt AI thúc đẩy cổ phiếu công nghệ trong vài năm qua. Sự đảo chiều nhấn mạnh xu hướng dịch chuyển khỏi các cổ phiếu tăng trưởng khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đe dọa đến sự suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhóm này cũng đang nhận được sự thúc đẩy từ các dấu hiệu cho thấy các chính phủ châu Á đã sẵn sàng tung ra các biện pháp kích thích tài khóa để hỗ trợ chi tiêu.

Charu Chanana, chiến lược gia đầu tư chính của Saxo Markets tại Singapore nhận định, hiệu suất vượt trội báo hiệu "sự thay đổi trong tư duy của nhà đầu tư từ việc theo đuổi tăng trưởng và xuất khẩu toàn cầu sang tìm nơi trú ẩn trong khả năng phục hồi nhu cầu trong nước. Các nhà đầu tư đang bắt đầu định giá trong một thế giới phân mảnh và bảo hộ hơn", mà sự hỗ trợ của chính sách địa phương và tiêu dùng quan trọng hơn.

Trong báo cáo ngày 6/4, các chiến lược gia của Goldman Sachs đã nâng khuyến nghị đối với lĩnh vực tiêu dùng thiết yếu của châu Á lên mức vượt trội so với thị trường, cho biết họ đang nghiêng về "nội địa và phòng thủ" hơn. Các chiến lược gia của JPMorgan đã thực hiện một động thái tương tự đối với ngành tiêu dùng thiết yếu ở Đông Nam Á trong tuần qua.

"Hàng tiêu dùng thiết yếu không phải là ngành có nhu cầu dao động lớn và có tương đối ít tên tuổi có mức độ tiếp xúc lớn với hàng xuất khẩu của Mỹ. Một kịch bản tích cực là các ngân hàng trung ương sẽ có động thái cắt giảm lãi suất, kích thích tiêu dùng", Hironori Akizawa, Giám đốc đầu tư tại Tokio Marine Asset Management International Pte. lập luận.

Gió ngược đối với cổ phiếu hàng hóa không thiết yếu

Ngược lại, cổ phiếu hàng hóa không thiết yếu đã giảm do kỳ vọng rằng các hộ gia đình sẽ cắt giảm chi tiêu không cần thiết. Chỉ số MSCI Châu Á đối với hàng tiêu dùng không thiết yếu đã giảm hơn 5% kể từ ngày 2/4, mức giảm lớn thứ hai trong số các ngành.

Theo James Thom, Giám đốc đầu tư cấp cao của cổ phiếu châu Á tại Aberdeen Investments, một rủi ro đối với hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ là sự bùng phát của lạm phát, yếu tố có thể kìm hãm sự nhiệt tình đối với ngành này.

Tuy nhiên, hiện tại, dường như giới đầu tư đang nhất trí với quan điểm hàng hóa thiết yếu là một khoản cược an toàn hơn.

“Hàng hóa thiết yếu sẽ vẫn là trọng tâm đối với các nhà đầu tư trong những điều kiện này, trong khi chúng ta có thể thấy sự chuyển dịch trở lại các ngành dịch vụ và hàng hóa không thiết yếu nếu khẩu vị rủi ro quay trở lại…Tôi cảm thấy điều này sẽ chỉ xảy ra khi Mỹ thay đổi thuế quan”, Nick Twidale, nhà phân tích thị trường chính tại AT Global Markets ở Sydney, bình luận.

Linh Phong/The Straits Times

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/co-phieu-tieu-dung-len-ngoi-giua-bao-thue-quan-d57875.html
Zalo