Cổ phiếu phân bón lại thăng hoa
Những nỗ lực 'nhuộm xanh' VN-Index đã không thành công trong phiên chiều, nhưng đà phục hồi tích cực ở nhóm blue-chips cũng đủ giúp nhiều cổ phiếu tăng mạnh. Nhóm giao dịch nổi bật hôm nay là hóa chất, phân bón...
VN-Index 3 lần vượt tham chiếu chiều nay mà vẫn không thành công.
Những nỗ lực “nhuộm xanh” VN-Index đã không thành công trong phiên chiều, nhưng đà phục hồi tích cực ở nhóm blue-chips cũng đủ giúp nhiều cổ phiếu tăng mạnh. Nhóm giao dịch nổi bật hôm nay là hóa chất, phân bón.
Hàng loạt cổ phiếu phân bón tăng giá tăng “bốc đầu” trong buổi chiều. DPM cuối phiên sáng còn giảm 1,36%, nhưng vừa vào phiên chiều đã tăng dựng đứng. Đóng cửa cổ phiếu này còn kịch trần. DCM cũng mạnh không kém, từ mức giảm 0,65% dựng đứng lên kịch trần.
Nhóm hóa chất, phân bón nhìn chung đều mạnh. DDV, PMB, BFC cũng tăng hết biên độ. LAS tăng 7,1%, SPC tăng 7,3%, HVT tăng 6,2%, SFG tăng 5,1%, VAF tăng 4,3%... Tuy nhiên cũng có cổ phiếu như DGC giảm 5,86% sau khi tăng bằng lần kể từ đầu năm.
Nhóm cổ phiếu này từ tháng 6 đến tháng 8 cũng vừa trải qua một đợt tăng giá rất tốt và bắt đầu điều chỉnh từ đầu tháng 9. Mức giảm khá lớn ở nhiều cổ phiếu đã hấp dẫn dòng tiền bắt đáy trở lại.
Thị trường tốt hơn trong buổi chiều, thậm chí VN-Index còn 3 lần vượt qua tham chiếu nhưng nhóm cổ phiếu dẫn dắt vẫn thiếu lực ở những thời khắc quan trọng. Đợt ATC, một số cổ phiếu bị ép giá tụt xuống, khiến chỉ số mất màu xanh.
Dù VN-Index vẫn dưới tham chiếu, nhưng chỉ là 0,1 điểm, coi như không đáng kể. “Tội” lớn nhất thuộc về VHM, khi đóng cửa không giữ được, tụt giảm 0,38%.
Cho đến cuối đợt khớp lệnh liên tục, VHM, VIC đều góp sức kéo VN-Index lên trên tham chiếu 1,07 điểm. VHM tăng đúng 1 bước giá trên tham chiếu. Đến đợt ATC lại tụt trở lại 3 bước giá dưới tham chiếu, tức là biến động riêng đợt đóng cửa là -0,51%, đủ để khiến VN-Index đỏ, dù một số mã blue-chips khác tăng cao hơn.
VN30-Index cũng đỏ ở đợt cuối cùng, chỉ số giảm 0,6 điểm so với tham chiếu. Số mã giảm giá lại tăng lên 17, trong khi số tăng giá còn 12. Dù vậy so với phiên sáng có 19 mã giảm/9 mã tăng, mặt bằng cổ phiếu blue-chips đã được nâng lên đáng kể.
Cổ phiếu phục hồi giá tích cực chiều nay.
So với giá thời điểm cuối phiên sáng, rổ blue-chips có 17 cổ phiếu cải thiện giá cao hơn, 9 cổ phiếu tụt giá. Số tụt giá chủ yếu bị ép ở đợt ATC như CTG giảm sâu thêm mất 1,78% so với tham chiếu, STB giảm 2,82%. VCB giảm 0,71% chủ yếu khiến VN-Index mất điểm so quy mô vốn hóa quá lớn.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng nhìn chung vẫn giảm áp đảo. Trong toàn bộ cổ phiếu ngân hàng ở 3 sàn, chỉ có 5 mã tăng với TPB mạnh nhất, đóng cửa trên tham chiếu 1,72%, tất cả số còn lại đều giảm. Thu hẹp mức giảm là điều duy nhất nhóm này làm được trong phiên chiều, dù còn xa mới tới được tham chiếu.
TPB và MSN là hai cổ phiếu mạnh nhất rổ VN30 trong buổi chiều. MSN chốt phiên sáng đã tăng 1,84%, chiều nay tăng thêm 1,8% nữa, đóng cửa trên tham chiếu 3,68%. Thanh khoản riêng chiều của MSN khoảng 37,4 tỷ đồng. TPB cuối phiên sáng tham chiếu, chiều nay đóng cửa tăng 1,72%. Thanh khoản cũng khá nhỏ, chỉ 218,5 tỷ đồng.
Thực ra hầu hết các cổ phiếu chiều nay đều có thanh khoản yếu. Tổng giá trị khớp lệnh tăng thêm của rổ VN30 chỉ là 2.743,3 tỷ đồng, toàn sàn HoSE chỉ là gần 6.610 tỷ đồng.
Tính chung hai sàn cả ngày hôm nay, thanh khoản khớp lệnh lại tụt xuống kỷ lục mới trong vòng 2 tháng, với 17.468 tỷ đồng, giảm 7% so với ngày hôm qua.
Dòng tiền tiếp tục có dấu hiệu thoát khỏi các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, dù chỉ số vnsmallcap đã quay đầu tăng thành công trên tham chiếu 0,22% chiều nay. Số mã tăng giá trong rổ cũng cũng khá nhiều, với 94 mã tăng/81 mã giảm. Dù vậy sức hấp dẫn đã giảm đi và không còn lượng tiền lớn nhảy vào đầu cơ như trước. Tổng giao dịch của smallcap hôm nay 2.380,6 tỷ đồng, giảm 15% so với phiên đầu tuần. Như vậy kể từ khi suýt soát đỉnh thanh khoản vào giữa tuần trước, liên tục 4 phiên vừa qua thanh khoản ở nhóm này giảm và nhiều cổ phiếu điều chỉnh sâu.
Nhà đầu tư nước ngoài chiều nay bán ròng thêm khoảng 200 tỷ đồng nữa, nâng tổng mức bán ròng lên 512,7 tỷ đồng trên sàn HoSE. HPG bị bán nhiều nhất với 105,5 tỷ đồng ròng. CTG, NVL, STB, DGC bị bán ròng quanh 40 tỷ đồng. GAS, VIC, HDB, GVR, GEX, NKG bị bán ròng từ 20 tỷ đồng trở lên. Phía mua vẫn chỉ có VNM, MBB là đáng kể.