Cổ phiếu nhà Vingroup phục hồi, VN-Index tiến sát mốc 1.500 điểm
Ngay phiên đầu tiên của tháng 3, VN-Index thể hiện 'miễn nhiễm' chiến sự tại Nga - Ukraine khi tăng gần 9 điểm, nổi bật là các cổ phiếu vốn hóa lớn.
VN-Index phiên sáng tăng đầy triển vọng, tuy nhiên xuất hiện lực bán mạnh sát phiên ATC chủ yếu là do nhóm VN30 đảo chiều vào cuối phiên nên chỉ số vẫn chưa vượt được mốc 1.500 điểm.
Khoảng giữa phiên chiều nay, chỉ số thậm chí đã lên 1.501,73 điểm, nhưng lại tụt xuống. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 8,65 điểm (0,58%) lên 1.498,78 điểm. Toàn sàn có 247 mã tăng, 204 mã giảm và 51 mã đứng giá. HNX-Index tăng 3,14 điểm (0,71%) lên 443,56 điểm. Toàn sàn có 129 mã tăng, 101 mã giảm và 56 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,18 điểm (0,16%) lên 112,38 điểm.
Rổ VN30 kết phiên với 17 mã tăng/11 mã giảm, độ rộng không kém, nhưng nhóm ngân hàng lại hơi yếu khiến chỉ số tăng ít. Các mã ngân hàng tăng tốt nhất chỉ là TPB tăng 1,3%, VCB tăng 0,59%, CTG tăng 0,45%, còn lại đa số giảm.
Nhóm cổ phiếu nhà Vin hôm nay đã tăng trở lại. VIC phiên hôm qua là mã kìm chân thị trường, đến phiên hôm nay lại trở thành mã có tác động tích cực đến chỉ số chung khi kéo thị trường lên 2,12 điểm. VIC hôm nay tăng 2,8% lên 79.200 đồng/cổ phiếu, dù vẫn cách xa mức đỉnh hồi tháng 4/2021 nhưng phiên hôm nay cũng ghi nhận sự khả quan của cổ phiếu này, nhất là khi cổ phiếu này đã giảm nhiều phiên liên tiếp. Hai cổ phiếu liên quan là VHM và VRE hôm nay cũng đã ghi nhận sắc xanh.
Cổ phiếu GRV của Tập đoàn Cao su Việt Nam hôm nay cũng tăng 4,5% lên 35.700 đồng/cổ phiếu, trở thành mã đóng góp tích cực thứ 2 vào chỉ số chung. Đóng góp tiếp theo có thể kể đến mã DIG. Mã này hôm nay đã tăng trần lên 92.000 đồng/cổ phiếu.
Đáng chú ý nhất là cổ phiếu PDC của Công ty cổ phần Du lịch Dầu khí Phương Đông khi cổ phiếu này đã tăng kịch trần 9 phiên liên tiếp dù doanh nghiệp không có nhiều thông tin hoạt động và kết quả kinh doanh cũng khá nghèo nàn. Đóng cửa ngày 1/3, thị giá PDC tiếp tục đi lên với mức tăng 9,42% đạt 15.100 đồng/cổ phiếu - mức cao nhất trong hơn một thập niên vừa qua.
Ở chiều ngược lại, BCM là mã kéo chỉ số chung xuống. Tiếp đến là MBB, HPG, PLX, SAB...
Các mã tiêu biểu của nhóm phân bón là DCM và DPM cũng không giữ được đà tăng, đều chốt phiên ở mức đỏ: DCM giảm 0,27% và DPM giảm 1,39%. Các mã như LAS, BFC, CSV, PMB, PSW, PSE, PCE đều giảm điểm. Riêng SFG vẫn kịch trần. Cổ phiếu dầu khí cũng chugn cảnh ngộ, trừ PVS và PVC còn tăng nhẹ, đa số giảm giá, trong đó GAS giảm 0,25%, PLX giảm 1,61%.
Cổ phiếu HAX của CTCP Ô tô Hàng Xanh sau nhiều phiên tăng mạnh hôm nay giảm hơn 5% xuống mức 36.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu HUT của Tasco hôm nay cũng không giữ được đà tăng khi giảm hơn 8% xuống 28.500 đồng/cổ phiếu. Trước đó, cổ phiếu này đã trải qua nhiều phiên tăng mạnh sau thông tin Tasco thoát lỗ và triển vọng đầu tư năm 2022.
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao, với tổng giá trị khớp lệnh đạt 29.450 tỷ đồng, tăng 10,4%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 10% lên mức 24.843 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng trở lại hơn 140 tỷ đồng ở sàn HoSE. Trong đó, các mã được mua nhiều nhất là NLG, VND, TPB, MBB... Mã bị bán nhiều nhất phải kể đến HPG khi khối ngoại bán ròng 287 tỷ đồng phiên hôm nay. VIC, KBC, HDB... cũng bị bán nhiều trong hôm nay, tuy nhiên khối lượng bị bán dưới 100 tỷ đồng
Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS) kỳ vọng dòng tiền sẽ quay trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đã có mức giá chiết khấu khá sâu sau tuần vừa rồi.
"Với diễn biến như vậy, nhà đầu tư theo trường phái lướt sóng ngắn hạn có thể giải ngân với tỉ trọng nhỏ vào nhóm cổ phiếu trụ dẫn dắt thị trường, trong khi đó nhà đầu tư trung - dài hạn vẫn nên chờ đợi thời điểm mặt bằng giá thị trường ổn định hơn rồi mới nên cân nhắc tiến hành giải ngân" - VCBS khuyến nghị.
Theo VCBS, lực cung chốt lời ngắn hạn vẫn là khá lớn quanh vùng 1.520 điểm, khiến cho chỉ số vẫn đang có xu hướng dao động tích lũy đi ngang quanh mốc 1.500 điểm kể từ đầu tháng đến hiện tại.