Cổ phiếu ngành than đang sáng dần?

Đi cùng kết quả kinh doanh 'sáng' của doanh nghiệp, cổ phiếu nhóm ngành than cũng ghi nhận sóng tăng từ đầu năm đến nay. Dự kiến giá than vẫn tiếp tục neo cao trong năm 2023, kết quả kinh doanh khả quan của doanh nghiệp nhóm ngành này sẽ còn kéo dài, qua đó hỗ trợ giá cổ phiếu.

Sau khi đồng loạt báo lãi cao trong quý I/2023, diễn biến tích cực này vẫn tiếp tục được phản ánh trong kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp ngành than.

Lãi tăng bằng lần

Ấn tượng nhất là Than Đèo Nai (TDN). Doanh nghiệp này báo lãi 15,6 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần con số hơn 400 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, Than Hà Tu (THT), Núi Béo (NBC), Than Hà Lầm (HLC) và Than Mông Dương (MDC)… cũng đồng loạt công bố mức lãi tăng trưởng bằng lần trong quý II/2023.

Kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành than vẫn tiếp tục tích cực trong quý II/2023.

Kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành than vẫn tiếp tục tích cực trong quý II/2023.

Nhìn lại quý I, hầu hết các doanh nghiệp ngành than đều báo cáo tăng trưởng mạnh. Có thể kể đến như Than Núi Béo ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 12 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ.

Cũng trong quý I, doanh thu Than Vàng Danh (TVD) đạt 1.780 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 31 tỷ đồng, lần lượt tăng 22% và 158% so với cùng kỳ.

Kết thúc 3 tháng đầu năm, doanh thu của Than Đèo Nai đạt 915 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 11 tỷ đồng, lần lượt tăng 4% và 83% so với cùng kỳ.

Hay như Than Hà Lầm ghi nhận doanh thu thuần đạt 720 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ nhưng doanh nghiệp vẫn báo lãi sau thuế gần 21 tỷ đồng, tăng 75%.

Nhìn chung, mặc dù vẫn có những trường hợp thua lỗ nhưng cũng có thể khẳng định bức tranh nửa đầu năm 2023 của các doanh nghiệp ngành than tương đối sáng màu khi đa phần đều có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng cao so với cùng kỳ.

Dẫn đầu về tăng trưởng doanh thu là XNK Than - Vinacomin (CLM) đạt mức tăng trưởng 32%, tuy nhiên CLM cũng là doanh nghiệp có mức lợi nhuận nửa đầu năm 2023 sụt giảm mạnh nhất.

Còn Than Đèo Nai có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất với 314%, tăng từ 6,4 tỷ đồng lên 26,5 tỷ đồng. Theo sau là Than Hà Tu (208%), Than Mông Dương (148%), Than Búi Béo (123%), Than Vàng Danh (115%)...

Với kết quả kinh doanh khả quan sau nửa đầu năm, nhóm doanh nghiệp ngành than về cơ bản đều đã hoàn thành được một nửa kế hoạch kinh doanh cả năm 2023.

Cá biệt như trường hợp của XNK Than - Vinacomin, mặc dù lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ nhưng với các chỉ tiêu kinh doanh thận trọng nên đã hoàn thành được 80% mục tiêu về doanh thu và vượt 97% kế hoạch lợi nhuận. Trong khi đó, khoản lãi mỏng trong nửa đầu năm mới chỉ giúp Than Cọc 6 (TC6) hoàn thành được vỏn vẹn 5% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2023.

Cổ phiếu tăng cùng kết quả kinh doanh

Với kết quả kinh doanh khả quan nêu trên của doanh nghiệp, trên sàn chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngành than đã ghi nhận sóng tăng khá mạnh, thậm chí có cổ phiếu còn tăng hơn 81%.

Chốt phiên 26/7, cổ phiếu TMB tăng lên mức 35.000 đồng/cp, tương đương mức tăng hơn 81,1% từ đầu năm tới nay.

Cùng thời điểm khảo sát, cổ phiếu TDN ghi nhận mức tăng 73,3%; cổ phiếu NBC tăng gần 72%; cổ phiếu HLC tăng 63%...

Về cơ bản, các doanh nghiệp trong ngành than thường có cơ cấu cổ đông cô đặc nên thanh khoản của cổ phiếu không quá cao. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lớn như Than Vàng Danh, Than Cọc 6, Than Núi Béo, Than Cao Sơn vẫn có khối lượng giao dịch khá lớn (từ 1-2 triệu cổ phiếu/phiên). Cùng với đó, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp nhóm ngành này duy trì tốt và khá ổn định, cho nên nhiều cổ phiếu ngành than vẫn thu hút được sự quan tâm của không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Theo nhận định của lãnh đạo Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), nhu cầu than cung ứng cho nền kinh tế, nhất là than cho sản xuất điện đang có xu hướng tăng cao. Giai đoạn 2017-2020 vừa qua, nhu cầu than antraxit cho các nhà máy nhiệt điện lên tới 40 triệu tấn/năm. Dự kiến giai đoạn 2021-2030, sản lượng này tăng lên khoảng 50-55 triệu tấn/năm.

Nguyên nhân khiến nhu cầu sử dụng than tăng cao là do hàng loạt các nhà máy nhiệt điện chạy than được xây dựng thời gian qua, một số ngành như xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất,… tăng trưởng trở lại sau dịch Covid-19 đẩy nhu cầu sử dụng than tăng rất cao.

Thực tế, trong 6 tháng đầu năm, khối lượng than cấp cho các nhà máy nhiệt điện đạt gần 21 triệu tấn, bằng 115,2% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, lượng than cung cấp đã tăng thêm 2,7 triệu tấn so với kế hoạch.

Mặt khác, trước những diễn biến bất lợi của thời tiết, thủy điện gặp khó, các nhà máy nhiệt điện than đã được huy động với công suất cao, nên lượng than tiêu thụ sẽ tăng mạnh trong các tháng tới.

Các chuyên gia dự báo, giá than dự kiến vẫn tiếp tục neo cao trong năm 2023, theo đó kết quả kinh doanh khả quan của doanh nghiệp nhóm ngành này sẽ còn kéo dài. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng đưa ra lưu ý rằng, mức tăng mạnh trong năm 2023 sẽ gặp những trở ngại nhất định, đặc biệt khi các nhà máy nhiệt điện mới đi vào hoạt động đều sử dụng 100% than nhập khẩu (như Nghi Sơn II, Sông Hậu I).

Bên cạnh đó, về triển vọng dài hạn, công suất điện than liên tục bị cắt giảm do những chủ trương quyết liệt từ Chính phủ nhằm chuyển đổi năng lượng xanh mạnh mẽ cũng là một yếu tố cần lưu ý. Sau khi quyết định sẽ không phát triển thêm điện than sau năm 2030, dự thảo Quy hoạch điện 8 mới nhất tiếp tục đưa 5 dự án tổng công suất 6.800MW ra khỏi quy hoạch do những khó khăn trong việc thu xếp vốn của các dự án này. Sau điều chỉnh, công suất điện than dự kiến đạt 30.127MW vào năm 2030, chiếm 18,9% tổng công suất trước khi thu hẹp tỷ trọng xuống còn 6,6% vào năm 2045.

Do đó, nhóm cổ phiếu ngành than có lẽ chỉ phù hợp với các nhà đầu tư nhanh nhạy bắt được các sóng tăng ngắn hạn. Còn việc nắm giữ trong dài hạn sẽ cần được cân nhắc xem xét cẩn trọng nhằm đề phòng những bất ổn từ thị trường thế giới cũng như cần chờ quy hoạch ngành điện rõ ràng hơn.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/co-phieu-nganh-than-dang-sang-dan-1094178.html
Zalo