Cổ phiếu ngành chứng khoán – sóng tăng trở lại?
Cổ phiếu ngành chứng khoán có dấu hiệu thu hút dòng tiền mạnh mẽ trong những phiên gần đây. Ngoài các dự báo lạc quan về triển vọng kinh tế, còn có các yếu tố nào sẽ trở thành chất xúc tác hỗ trợ cổ phiếu ngành chứng khoán trong giai đoạn tới?
Cơ hội nào cho cổ phiếu ngành chứng khoán?
Thứ Năm tuần trước (ngày 5-12-2024), hàng loạt cổ phiếu ngành chứng khoán bất ngờ tăng trần mạnh mẽ, là một trong những động lực chính kéo chỉ số VN-Index tăng gần 28 điểm, tương đương tăng gần 2,3%. Cụ thể, chỉ số nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán tăng 5,2% trong ngày này, đánh dấu ngày tăng mạnh nhất kể từ ngày 22-4-2024 đến nay.
Bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) đang hồi phục tích cực trở lại, với chỉ số VN-Index đã tăng 6,5% tính từ ngày 20-11 đến phiên đầu tuần này (9-12), đã giúp nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán thu hút dòng tiền mạnh mẽ trong những phiên gần đây. Như phiên ngày 5-12 nói trên là phiên chứng kiến khối lượng giao dịch của cổ phiếu ngành chứng khoán đạt mức cao nhất kể từ ngày 19-4-2024.
Trước việc Chính phủ phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 lên đến 8%, đi kèm với các chính sách nới lỏng tài khóa lẫn tiền tệ, TTCK được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn trong năm 2025. Về cơ bản TTCK sẽ đi trước diễn biến nền kinh tế sáu tháng, nên không ít nhà đầu tư kỳ vọng TTCK sẽ có màn trình diễn tích cực ngay từ nửa đầu năm 2025.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán VNDirect mới đây, định giá P/E của VN-Index đang ở mức hấp dẫn bởi chiết khấu 10,3% so với trung bình năm năm, trong khi xét theo định giá P/B, VN-Index hiện tại đang tương đối hấp dẫn khi giao dịch ở mức 1,6x lần giá trị sổ sách, chiết khấu 19,6% so với mức trung bình năm năm. Theo đó, VN-Index có thể đóng cửa năm 2025 quanh mức 1.500 điểm, với P/E mục tiêu là 13,5 lần, dư địa tăng trưởng 19%. Trong đó, tăng trưởng lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp trên sàn HOSE đạt mức 15-17% trong năm 2025 nhờ đà phục hồi của nền kinh tế.
Với chủ trương thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TPHCM và Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng, nhằm hình thành thị trường tài chính, phát triển các dịch vụ tài chính hiện đại, các công ty chứng khoán cũng là một trong những nhóm ngành hưởng lợi lớn nhất.
Là ngành chịu tác động trực tiếp và mạnh nhất từ xu hướng của TTCK, dĩ nhiên các công ty chứng khoán cũng sẽ trở thành tâm điểm khi TTCK khởi sắc hơn. Ngoài các khoản phí thu được như phí môi giới, tư vấn, lưu ký, ứng trước tiền bán hay cho vay ký quỹ khi giao dịch thị trường sôi động hơn, mảng tự doanh của các công ty chứng khoán cũng có thể ghi nhận kết quả tích cực hơn khi thị trường đang trong xu hướng tăng.
Nhóm công ty chứng khoán cũng có thể hưởng lợi từ chính sách kinh tế vĩ mô, với việc Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công và phát triển hạ tầng, tạo động lực cho nền kinh tế tăng trưởng. Điều này không chỉ thúc đẩy TTCK mà còn mở ra cơ hội cho các công ty chứng khoán tham gia tư vấn cho các doanh nghiệp, huy động vốn cho các dự án lớn.
Ngoài ra, là một trong số ít ngành có nhu cầu tìm kiến nguồn vốn vay ngoại tệ khá lớn từ quốc tế để tài trợ cho các hoạt động cho vay ký quỹ hay tự doanh, nhóm công ty chứng khoán cũng hưởng lợi trước xu hướng lãi suất toàn cầu đang trong lộ trình đi xuống, đặc biệt là chu kỳ giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Vẫn là câu chuyện nâng hạng thị trường
Đặc biệt, kỳ vọng lớn nhất hiện nay là khả năng FTSE Russell sẽ nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi vào tháng 9-2025, khi Việt Nam đã đáp ứng được 7/9 tiêu chí của FTSE Russell. Yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (NPF, non pre-funding) đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đã được Việt Nam bãi bỏ từ tháng 11-2024 và đa số công ty chứng khoán đã hoàn thiện quy trình cho vấn đề này để áp dụng.
Về vấn đề xử lý những giao dịch thất bại, Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) đang làm việc để sửa Nghị định 155/2000/NĐ-CP để thành lập Trung tâm đối tác bù trừ (Central Counterparty - CCP). Đầu tuần này, Bộ Tài chính đã tổ chức lấy ý kiến sửa Nghị định 155, theo hướng gỡ vướng cho nhà đầu tư ngoại, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Một trong những động lực thúc đẩy giá cổ phiếu chứng khoán tăng vọt hôm 5-12 đến từ các thông tin nâng hạng TTCK. Cụ thể, tại hội nghị Bloomberg Businessweek Vietnam diễn ra tại TPHCM trong ngày 5-12, bà Wanming Du - Giám đốc chính sách chỉ số của FTSE Russell, cho rằng Việt Nam có thể thu hút dòng vốn từ 5-6 tỉ đô la Mỹ từ các quỹ chủ động và thụ động nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Và FTSE Russell dự kiến sẽ tiến hành đánh giá Việt Nam trong vòng 6-9 tháng tới.
Sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài sẽ cải thiện thanh khoản thị trường, giúp các công ty chứng khoán phát triển và cung cấp sản phẩm tài chính đa dạng hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhà đầu tư, từ đó mở rộng dịch vụ, tăng doanh thu từ hoạt động môi giới và tư vấn đầu tư. Đơn cử như nhu cầu về dịch vụ quản lý tài sản và quỹ đầu tư sẽ tăng cao khi dòng vốn ngoại đổ vào, khi đó các công ty chứng khoán có thể tận dụng cơ hội này để mở rộng hoạt động trong lĩnh vực quản lý quỹ, cung cấp dịch vụ chất lượng cao cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, với chủ trương thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TPHCM và Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng, nhằm hình thành thị trường tài chính, phát triển các dịch vụ tài chính hiện đại, các công ty chứng khoán cũng là một trong những nhóm ngành hưởng lợi lớn nhất từ định hướng phát triển này. Vì sự phát triển của thị trường tài chính, bao gồm cả thị trường trái phiếu và chứng khoán phái sinh, sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài tham gia mạnh mẽ, giúp TTCK trở nên đa dạng và phong phú hơn, nhu cầu sử dụng các sản phẩm dịch vụ của các công ty chứng khoán cũng sẽ nhiều hơn.
Ngoài ra, các trung tâm tài chính có thể giúp Việt Nam nói chung và các công ty chứng khoán trong nước nói riêng tăng cường khả năng cạnh tranh so với các thị trường khác trong khu vực, thúc đẩy đổi mới công nghệ tài chính, cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ tài chính. Điều này không chỉ thu hút nguồn vốn mà còn củng cố vị thế của Việt Nam như một trung tâm tài chính quan trọng của khu vực, giúp nâng cao uy tín và hình ảnh của thị trường tài chính Việt Nam trên trường quốc tế, tăng thêm lợi thế khi thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài.
Dĩ nhiên cũng sẽ có một số thách thức cần phải dè chừng. Đầu tiên là các rủi ro địa chính trị và biến động kinh tế toàn cầu, những chính sách khó lường hơn từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiệm kỳ 2, có thể ảnh hưởng tiêu cực lên các TTCK toàn cầu nói chung và TTCK Mỹ nói riêng, từ đó tác động lan tỏa đến TTCK Việt Nam thông qua dòng vốn đầu tư quốc tế.
Xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính đang diễn ra mạnh mẽ, cũng đặt các công ty chứng khoán vào thách thức phải liên tục đầu tư vào hệ thống công nghệ, phát triển và nâng cấp các nền tảng giao dịch trực tuyến, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nâng cao trải nghiệm khách hàng và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh.
Trong khi đó, cuộc cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán trong nước và nước ngoài ngày càng quyết liệt, với các chính sách phí giao dịch 0 đồng ngày càng phổ biến hơn, cũng như mức lãi suất cho vay ở các hoạt động ký quỹ và ứng trước tiền bán càng giảm hơn, khi các công ty chứng khoán có vốn đầu tư nước ngoài có khả năng tiếp cận được nguồn vốn rẻ từ các ngân hàng mẹ. Sự cạnh tranh này tất yếu sẽ tác động đến nguồn thu nhập của các công ty chứng khoán về dài hạn.